Công nghệ RFID thúc đẩy cách mạng bền vững trong ngành thời trang

Công nghệ RFID thúc đẩy cách mạng bền vững trong ngành thời trang

Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) sẽ là công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp thời trang cam kết đóng góp cho tương lai bền vững, nhận định trong một nghiên cứu từ Đại học RMIT.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang ngày càng bị soi xét sát sao dưới “lăng kính hiển vi” bởi tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu Đại học RMIT Việt Nam gồm Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Tiến sĩ Majo George, Tiến sĩ Irfan Ulhaq và Phó giáo sư Phạm Công Hiệp đã tìm hiểu các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy tính bền vững và minh bạch trong chuỗi cung ứng thời trang.

Trong một nghiên cứu tiên phong đăng trên tạp chí xếp hạng Q1 Cleaner Logistics and Supply Chain, nhóm nghiên cứu đã phân tích cách làm thế nào RFID có thể trở thành công cụ hỗ trợ phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng thời trang Việt Nam.

RFID là công nghệ không dây tiên tiến sử dụng trường điện từ để xác định và giám sát các vật được gắn thẻ điện tử. Thẻ RFID lưu trữ thông tin quan trọng về sản phẩm, bao gồm chi tiết mặt hàng, xuất xứ và ngày sản xuất. Các thông tin này có thể được truy cập tại các địa điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng bằng đầu đọc RFID.

Phó giáo sư Rajkishore Nayak, thuộc chương trình Cử nhân Quản trị doanh nghiệp thời trang RMIT, cho biết: “RFID có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong ngành thời trang, xuyên suốt trên nhiều mắt xích của chuỗi cung ứng”.

“Nói một cách rất đơn giản, có thể coi RFID là một hệ thống mã vạch kỹ thuật số. Mỗi sản phẩm may mặc có thể được gắn một chip RFID duy nhất chứa các thông tin cần thiết. Khi sản phẩm đi qua vùng phủ sóng đọc RFID, dữ liệu được nhận và cập nhật theo thời gian thực, cho phép các bên liên quan theo dõi chính xác vị trí của sản phẩm trong chuỗi cung ứng”.

RFID là công nghệ không dây tiên tiến sử dụng trường điện từ để xác định và giám sát các vật được gắn thẻ điện tử.(Hình: Demianastur – stock.adobe.com) RFID là công nghệ không dây tiên tiến sử dụng trường điện từ để xác định và giám sát các vật được gắn thẻ điện tử.(Hình: Demianastur – stock.adobe.com)

Từ lâu trước khi một sản phẩm quần áo ra đời, công nghệ RFID có thể được sử dụng để giám sát nguồn gốc và xác thực tính bền vững của nguyên liệu thô, nhờ đó các công ty thời trang sẽ có được thông tin chính thống, đầy đủ để đưa ra quyết định có đạo đức liên quan đến nguồn nguyên liệu thô.

Trong khâu sản xuất, các công ty có thể dùng RFID để theo dõi hiệu quả sản xuất, kiểm soát chất lượng và việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.

Công nghệ này cũng giúp cải thiện tốc độ và tính chính xác của khâu quản lý hàng tồn kho, đồng thời đảm bảo giao hàng kịp thời, qua đó giảm thiểu chất thải và lượng khí carbon thải ra trong hoạt động phân phối và logistics.

RFID cho phép truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, giúp các thương hiệu giám sát tác động môi trường và đạo đức của các sản phẩm, từ đó khuyến khích hoạt động sản xuất và lựa chọn nguồn cung ứng có trách nhiệm.

Theo Phó giáo sư Nayak, một số thương hiệu thời trang nổi tiếng đã áp dụng thành công RFID trên quy mô lớn, cho thấy tiềm năng thay đổi toàn ngành nhờ áp dụng công nghệ này.

Ông nói: “Trên thực tế, việc kết hợp RFID đã đem đến cải tiến đáng kể về hiệu quả của chuỗi cung ứng, độ chính xác của hàng tồn kho và các hoạt động bền vững của những thương hiệu nổi tiếng như Zara, Adidas và Levi's”.

Hình minh họa chuỗi cung ứng thời trang ứng dụng RFID RFID có nhiều ứng dụng tiềm năng trong ngành công nghiệp thời trang, xuyên suốt trên nhiều mắt xích của chuỗi cung ứng.

Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại RMIT, nhấn mạnh rằng mặc dù việc triển khai RFID một cách toàn diện trên toàn bộ chuỗi cung ứng là lý tưởng, nhưng đó không phải là điều kiện cần để công nghệ này phát huy hiệu quả.

Tiến sĩ George giải thích: “Việc triển khai RFID ở các giai đoạn quan trọng – chẳng hạn như trung tâm phân phối, kho bãi và cửa hàng bán lẻ – có thể mang lại lợi ích đáng kể mà không gây gián đoạn lớn. Công nghệ RFID hiệu quả nhất khi được triển khai một cách chiến lược trong các mắt xích có tác động đáng kể đến hiệu quả và tính bền vững”.

Ông cũng nhận định rằng một trong những lợi ích quan trọng nhất là nâng cao trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là trong thế giới thương mại điện tử hậu đại dịch. “Dữ liệu hàng tồn kho chính xác mà công nghệ RFID cung cấp sẽ đảm bảo rằng các sản phẩm luôn có sẵn cho khách hàng, qua đó giảm thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm mua sắm nói chung. Kết quả cuối cùng là khách hàng sẽ trở nên trung thành hơn với thương hiệu”.

Theo nhóm nghiên cứu, việc chuyển đổi sang công nghệ RFID có thể khiến một số doanh nghiệp thời trang Việt Nam cảm thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài sẽ lớn hơn những khó khăn ban đầu.

(Từ trái qua phải, trên xuống dưới) Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Tiến sĩ Majo George, Tiến sĩ Irfan Ulhaq và Phó giáo sư Phạm Công Hiệp. (Từ trái qua phải, trên xuống dưới) Phó giáo sư Rajkishore Nayak, Tiến sĩ Majo George, Tiến sĩ Irfan Ulhaq và Phó giáo sư Phạm Công Hiệp.

Tiến sĩ Irfan Ulhaq, Giảng viên Đại học RMIT, giải thích: “Việc áp dụng RFID sẽ tạo ra sự khác biệt cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng cách thể hiện cam kết của họ với tính bền vững và minh bạch, nhờ đó tạo được thiện cảm của người tiêu dùng có ý thức. RFID cũng giúp tăng hiệu quả hoạt động và giảm chênh lệch hàng tồn kho, giúp giảm chi phí dài hạn".

Vị chuyên gia này đề xuất: “Để bắt đầu triển khai RFID, các doanh nghiệp có thể thực hiện một vài chương trình thí điểm nhằm xác định tiềm năng và lợi ích của công nghệ trong bối cảnh chuỗi cung ứng cụ thể của họ. Họ có thể tối đa hóa tác động mà không phải chịu chi phí trả trước quá cao nếu tập trung vào tích hợp RFID ở các giai đoạn quan trọng, chẳng hạn như trung tâm phân phối và cửa hàng bán lẻ”.

Nhóm nghiên cứu viên RMIT cũng cho rằng tiềm năng tối đa của RFID có thể được khai phá bởi các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào công nghệ và áp dụng cơ chế đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, và họ có thể hưởng lợi thế cạnh tranh trong ngành thời trang từ đây.

Tiến sĩ Majo George kết luận: “Doanh nghiệp thời trang Việt Nam đang đứng trước cơ hội độc đáo để cách mạng hóa các hoạt động trong chuỗi cung ứng, củng cố vị thế trên thị trường và trở thành người đi tiên phong trong phong trào phát triển bền vững toàn cầu nếu họ sử dụng công nghệ RFID”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Hình đầu trang: WINDCOLORS – stock.adobe.com

  • Phát triển bền vững
  • Thời trang

Tin tức liên quan