Sau ba thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đang bước vào thời khắc quan trọng. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng và những thách thức trong nước ngày càng chồng chất, từ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn hạn chế đến tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, Việt Nam buộc phải đưa ra một lựa chọn chiến lược – nâng cấp mô hình tăng trưởng hay rơi vào vòng xoáy trì trệ kéo dài.
Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp, nghiên cứu viên về phát triển thông minh và bền vững từ Đại học RMIT, chia sẻ quan điểm của ông về cách làm thế nào để Việt Nam có thể tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình thông qua các bài học rút ra từ lịch sử, so sánh với các quốc gia khác, cũng như từ chính thực tiễn phát triển của đất nước.
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trên hành trình phát triển của mình. Đất nước ghi nhận tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu vững mạnh và sở hữu tỉ lệ thương mại so với GDP thuộc hàng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hội nhập toàn cầu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất tiên tiến, đồng thời thể hiện tham vọng làm chủ các công nghệ mũi nhọn như 5G, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn.
Tuy nhiên, song hành cùng những cơ hội ấy là loạt thách thức không thể xem nhẹ: hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thiếu nhân lực công nghệ cao, dân số già hóa nhanh và những xáo trộn ngày càng phức tạp trong trật tự thương mại toàn cầu. Chính trong bối cảnh này, một câu hỏi lớn được đặt ra thường xuyên hơn -- liệu Việt Nam có đang tiến gần đến bẫy thu nhập trung bình?
Thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” do Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2006, mô tả hiện tượng trì trệ của một quốc gia, không thể vươn tới nhóm nước có thu nhập cao sau thời gian tăng trưởng nhanh. Các con số liên quan đến thuật ngữ này thật đáng suy ngẫm. Trong 101 nền kinh tế đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước vươn mình thành công, lọt vào nhóm thu nhập cao vào năm 2008. Đến năm 2023, dù dân số toàn cầu đã vượt mốc tám tỉ người, chỉ khoảng 1,4 tỉ người sống ở các quốc gia thu nhập cao. Và không thiếu ví dụ minh chứng cho các con số này.
Theo ước tính của Tiến sĩ Điệp dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Malaysia từng có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình lên tới 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 1961-1996, nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn 4,4%. Thái Lan, từ mức trung bình 7,5% (1960-1996), giảm còn khoảng 5% (1999-2005), rồi còn chỉ 2% (2021-2023). Brazil, từng tăng trưởng mạnh mẽ từ 1965 đến 1980, lại gần như không ghi nhận bất kỳ cải thiện nào về thu nhập bình quân đầu người trong suốt ba thập kỷ tiếp theo, phần lớn do không thể chuyển mình lên chuỗi giá trị cao và thiếu đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Những quốc gia này không ngừng phát triển nhưng đã thất bại trong việc chuyển hóa mô hình tăng trưởng. Các mô hình kinh tế dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên hoặc sản xuất gia công giá thấp sớm muộn cũng sẽ mất đà khi chi phí tăng lên. Nếu không đầu tư đủ mạnh vào đổi mới và các ngành công nghiệp tri thức, tăng trưởng sẽ chậm lại. Việc không thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển.
Theo Tiến sĩ Điệp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình hiếm khi là hệ quả của một cú sốc bất ngờ mà thường là kết quả của những giới hạn mang tính cấu trúc trong mô hình phát triển của một quốc gia. Ở giai đoạn đầu tăng trưởng, việc đầu tư vào nguồn vốn vật chất, như nhà máy, hạ tầng hay khai thác tài nguyên, có thể mang lại kết quả nhanh chóng. Nhưng khi hiệu quả của những nguồn lực này bắt đầu giảm dần, các bước đột phá tiếp theo chỉ có thể đến từ tri thức, công nghệ và cải cách thể chế.
Các dấu hiệu cảnh báo với Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Năm 2021, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,42% GDP - thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc (4,91%), Hoa Kỳ (3,48%) hay Nhật Bản (3,28%), và cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như Singapore (2,16% năm 2020) hay Thái Lan (1,33% năm 2020). Ngay cả so với nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp (0,55% vào năm 2019), Việt Nam vẫn tụt lại phía sau.
Cùng lúc đó, theo tính toán của Tiến sĩ Điệp từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam gần như không cải thiện gì so với các nước có nền kinh tế tiên tiến. Tính đến năm 2023, con số này chỉ bằng 11% của Hàn Quốc, 10% của Nhật Bản và 6% của Singapore - gần như không thay đổi so với đầu thập niên 1990. Đáng lo ngại hơn, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từng bằng 76% của Trung Quốc vào năm 1989 lại chỉ còn 31% vào năm 2023. Dù có vượt lên so với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines, tốc độ cải thiện của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Một trở ngại lớn khác chính là chất lượng nguồn nhân lực. Tuy mức độ tiếp cận giáo dục đã nâng lên đáng kể nhưng kỹ năng thực tế lại chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số. Tình trạng lãng phí nhân tài đang diễn ra khi nhiều người có năng lực chọn con đường ổn định trong khu vực công thay vì dấn thân vào nghiên cứu khoa học hay khởi nghiệp công nghệ vì thiếu động lực và sự hỗ trợ. Khi hạ tầng số còn yếu, vốn cho đổi mới sáng tạo khó tiếp cận và bất bình đẳng thu nhập ngày một gia tăng, nguy cơ Việt Nam rơi vào quỹ đạo trì trệ là hoàn toàn có cơ sở.
Việt Nam cần gì để bứt phá? Theo Tiến sĩ Điệp, đất nước cần ưu tiên chiến lược dài hạn dựa trên những trụ cột mang tính chuyển đổi, đặc biệt là chuyên môn hóa công nghệ có mục tiêu. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam phải tập trung vào một đến hai lĩnh vực công nghệ chiến lược có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu. Những quốc gia như Hàn Quốc (bán dẫn), Nhật Bản (ô tô) hay Trung Quốc (xe điện) đều bắt đầu quá trình phát triển bằng cách chuyên môn hóa vào một hoặc hai lĩnh vực công nghệ cao phù hợp với lợi thế so sánh của họ.
Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với học thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, lý thuyết nền tảng trong kinh tế học hiện đại, vốn cho rằng các quốc gia nên chuyên sâu vào những lĩnh vực mà họ có hiệu suất tương đối cao. Với Việt Nam, việc xác định và mở rộng những thế mạnh chiến lược sẽ mở ra dư địa lớn về năng suất, thương mại và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Tuy nhiên, công nghệ thôi là chưa đủ. Việt Nam cần tận dụng khôn ngoan các lợi thế địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Nằm trên một trong những tuyến hàng hải sầm uất nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm thương mại đường biển của khu vực nếu đầu tư đúng mức vào cảng nước sâu như Vân Phong và nâng cấp hạ tầng logistics.
Tiến sĩ Điệp dẫn chứng rằng Singapore, dù có diện tích nhỏ, đã làm giàu và tạo ảnh hưởng toàn cầu nhờ vai trò trung tâm hàng hải, với năng suất vận chuyển đạt hơn 41,12 triệu TEU (đơn vị đo sức chứa chuẩn của container) vào năm 2024, đóng góp khoảng 7% GDP cho nước này. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài tới 3.260 km, tiếp giáp trực tiếp các tuyến giao thương quốc tế. Nếu đầu tư tập trung vào các cảng như Vân Phong và điều phối logistics tốt hơn, thương mại hàng hải có thể trở thành động lực chủ chốt cho quá trình chuyển mình và nâng tầm năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Những ngành ít phổ biến như dược liệu cũng có thể là tài sản chiến lược dài hạn. Việt Nam hiện nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu dược phẩm dù khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển các loại cây dược liệu giá trị cao có tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ.
Điều quan trọng là chuyển đổi sẽ không xảy ra nếu không tính toán lại hệ thống giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo một cách căn cơ. Việt Nam phải vượt khỏi tư duy tuyển sinh đại trà để ưu tiên phát triển các trường đại học có năng lực nghiên cứu vượt trội, kết nối nghiên cứu học thuật với doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học và doanh nhân trẻ phát triển. Hệ sinh thái đổi mới hiệu quả không chỉ cần các sáng kiến từ khu vực tư, mà còn cần phản hồi từ phía nhà nước. Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, cơ chế bảo hộ sáng chế nhanh hơn và thị trường vốn dễ tiếp cận với các công ty khởi nghiệp công nghệ, đều là những điều thiết yếu để biến tầm nhìn thành hiện thực.
“Đổi mới mà không có nền móng vững chắc rất dễ trở thành hô khẩu hiệu. Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn bước ngoặt -- tiếp tục bám víu vào mô hình tăng trưởng cũ dựa vào lao động giá rẻ và vốn đầu tư hay can đảm bứt phá bằng cách mạnh dạn đầu tư vào con người, tri thức và công nghệ. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng ngay cả những quốc gia khởi đầu từ vị thế thấp cũng có thể vươn lên, nhưng chỉ khi họ có đủ dũng khí hành động. Biết con đường đúng là một chuyện, dám đi đến cùng mới là thử thách thực sự”, Tiến sĩ Điệp nhấn mạnh.
Bài: Quân Đinh
Hình đầu trang: Hien Phung - stock.adobe.com
Hình đại diện: Jacek Wojnarowski - stock.adobe.com
Theo Tiến sĩ Erhan Atay, giảng viên cấp cao về Quản trị nhân sự tại RMIT Việt Nam, lối quản lý cũ đang kìm chân doanh nghiệp Việt. Để duy trì tính cạnh tranh, họ cần chuyển đổi từ kiểm soát sang tạo dựng niềm tin.
Chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng và logistics mách nước cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cách đối phó hiệu quả hơn với vấn nạn hàng giả luôn khiến dư luận xã hội bức xúc.
Trong bối cảnh ngành du lịch và khách sạn Việt Nam đang phục hồi và đa dạng hóa, chuyên gia RMIT cảnh báo rằng sự thiếu hụt kỹ năng có thể cản trở đà tăng trưởng của ngành.
Thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ giúp Việt Nam tránh được mức thuế đối ứng 46%, nhưng cũng mở ra một kỷ nguyên thuế cao mới, buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc để tồn tại và thích nghi.