Bạn đang cần một góc nhìn hay quan điểm từ chuyên gia? Lãnh đạo và giảng viên RMIT là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực luôn cập nhật những xu hướng và đang thực hiện những nghiên cứu mới nhất có thể bổ sung thêm giá trị và phân tích chuyên sâu cho các tin bài truyền thông.
Các chuyên gia RMIT sẵn sàng trả lời các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực quản lý, đạo đức kinh doanh, quản trị, giáo dục, hướng nghiệp, tư vấn, sức khỏe, an toàn, truyền thông, và nhiều lĩnh vực khác.
Nếu như bạn đang cần tìm kiếm một chuyên gia, vui lòng gửi thư vào địa chỉ communications@rmit.edu.vn hoặc liên hệ Phòng Truyền thông. Bạn cũng có thể xem các bình luận đã thực hiện tại đây.
Với kinh nghiệm sâu rộng về nghiên cứu và kết nối với các ngành nghề, đội ngũ nhà giáo tại RMIT Việt Nam luôn mong muốn tạo tác động đến cộng đồng sinh viên nói riêng và xã hội nói chung. Thân mời bạn gặp gỡ các chuyên gia RMIT Việt Nam đến từ mọi nơi trên thế giới, với nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn phong phú.
“Là một quốc gia công nghiệp kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam cực kỳ dễ rơi vào tầm ngắm của tội phạm mạng” là nhận định của Tiến sĩ Jonathan Crellin từ Đại học RMIT Việt Nam.
“Là một quốc gia công nghiệp kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam cực kỳ dễ rơi vào tầm ngắm của tội phạm mạng” là nhận định của Tiến sĩ Jonathan Crellin từ Đại học RMIT Việt Nam.
Lĩnh vực an toàn thông tin thay đổi không ngừng, với những mối nguy mới liên tục xuất hiện. Khi nhìn vào một đô thị như TP. Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy nó liên tục thay đổi. Sẽ luôn có những tuyến đường mới, phương thức làm việc mới, hay hướng giải quyết vấn đề mới. Và điều đó giống hệt với những vấn đề chúng ta gặp phải trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Jonathan Crellin
Chinh phục các biên giới số và an toàn thông tin
Tôi là Jonathan Crellin và tôi là Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin tại Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam.
Xuất thân của tôi, trước khi bước vào lĩnh vực này, là tâm lý học. Và dần dà, tôi bắt đầu quan tâm đến máy tính và theo học lấy bằng tiến sĩ về công thái học nhận thức máy tính của con người nhằm đào sâu về cách con người tương tác với máy móc.
Sau đó, tôi làm việc ở các trường đại học, giảng dạy về tin học.
Với vai trò giảng viên, tôi cũng bắt đầu giảng dạy về pháp y máy tính.
Đây là một lĩnh vực thú vị. Nó nghiên cứu cách con người sử dụng máy tính để thực hiện các hành động phi pháp.
An toàn thông tin là một hoạt động cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp. Chúng ta từng chứng kiến những cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào các ngành công nghiệp quy mô lớn ở nhiều quốc gia.
Là một quốc gia công nghiệp kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam cũng cực kỳ dễ rơi vào tầm ngắm của loại tội phạm này.
Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những công nghệ mới xuất hiện, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI.
Đó là một công nghệ thú vị với nhiều tin tức trong năm qua về sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT.
Một mặt, AI có thể được dùng để làm mọi thứ an toàn hơn và tăng cường các biện pháp bảo mật, chẳng hạn như bằng cách phát hiện thay đổi ở các mẫu trong hệ thống thông tin.
Mặt khác, nó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức nhất định vì tội phạm mạng có thể sử dụng AI theo cách tương tự để đẩy mạnh các cuộc tấn công. Những công nghệ như ChatGPT có thể giúp kẻ gian tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi và được cá nhân hóa hơn.
Tương lai của an toàn thông tin được kỳ vọng sẽ vừa mang tính đối phó lẫn chủ động.
An toàn thông tin đòi hỏi sự sáng tạo để giải quyết các mối đe dọa luôn thay đổi, được thúc đẩy bởi động lực lớn nhất, đó là tiền.
AI có thể đóng vai trò xác định các hoạt động bất thường trong hệ thống thông tin, nhưng việc tích hợp giáo dục an toàn thông tin hiệu quả hơn vào các chương trình máy tính tổng quát cho bộ phận công nghệ thông tin là điều cần thiết để đảm bảo rằng các mối đe dọa cơ bản này được giải quyết.
Bên cạnh niềm đam mê khám phá những lĩnh vực công nghệ thú vị này, tôi cũng thích nhìn ngắm thế giới xung quanh mình. Và một trong những điều rất hay đó là những con phố nhộn nhịp tấp nập của TP. Hồ Chí Minh.
Trên chiếc xe đạp Brompton, tôi có thể lượn vòng quanh phố phường, tìm hiểu và nhìn ngắm thành phố không ngừng phát triển như thế nào.
Đáng chú ý là, trong bối cảnh kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an toàn thông tin, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi liên tục giống như những gì chúng ta thấy đang diễn ra quanh ta ở chính thành phố này.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học ở trường Đại học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học ở trường Đại học, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Trên hành trình khám phá bản thân và hỗ trợ người khác, tâm lý học luôn mang lại cho tôi nhiều sự ngạc nhiên. Tâm lý học không chỉ hỗ trợ tôi hiểu người khác mà còn giúp tôi nhận biết sâu hơn về tâm trí và cảm xúc của chính bản thân mình.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh
Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần ở giới trẻ Việt Nam
Xin chào, tôi là Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, giảng viên Tâm lý học tại Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam, đồng thời là chủ nhiệm bộ môn của ngành này.
Tôi đặc biệt quan tâm đến tâm lý học và vấn đề sức khỏe tâm thần của xã hội Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng.
Tôi có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy tâm lý học và hầu hết thời gian tôi làm việc với các em học sinh-sinh viên. Từ kinh nghiệm giảng dạy, tôi nhận thấy ngày nay các bạn trẻ ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.
Hầu hết những áp lực phổ biến mà tôi ghi nhận từ các bạn trẻ hiện nay là sự căng thẳng trong học tập, sự bất định về tương lai của bản thân, cũng như kỳ vọng cao từ bố mẹ.
Các em thường loay hoay tự mình đối mặt và xoay xở với những thách thức này vì cảm thấy khó khăn khi tìm người lớn xin lời khuyên hay nhờ giúp đỡ.
Tôi thấy rằng điều quan trọng là phải xây dựng được sức mạnh nội tại cho các em để các em có thể tự quản lý cảm xúc và khó khăn của bản thân, biết được khi nào và làm thế nào để tìm sự giúp đỡ khi cần.
Một trong những dự án tôi đang tiến hành là nâng cao năng lực về sức khỏe tâm thần và sự an lạc cho giáo viên. Dự án này tập trung vào ba khía cạnh chính.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của giáo viên để giúp họ hiểu rõ sức khỏe tâm thần và sự an lạc là gì.
Thứ hai, hình thành cho giáo viên kỹ năng nhận biết các dấu hiệu sức khỏe tâm thần đang hình thành và phát triển ở học sinh, cũng như chiến lược tiếp cận và hỗ trợ ban đầu cho các em với sự quan tâm và tình yêu thương.
Cuối cùng, chúng tôi cũng hình thành kỹ năng tự chăm sóc bản thân và sức khỏe tâm thần cho giáo viên để họ biết cách chăm sóc chính mình, và dạy những kỹ năng này cho các em học sinh.
Truyền cảm hứng yêu thích tâm lý học cho sinh viên cần phương thức tiếp cận đa chiều và đa giai đoạn. Quá trình dạy học giúp các em hiểu rằng tâm lý học không đơn thuần là tham vấn hay điều trị tâm lý, mà đó là ngành khoa học của cuộc sống thường nhật, tìm hiểu sự phức tạp và thú vị của hành vi con người và những gì đang diễn ra đằng sau hành vi đó.
Cuối cùng, tâm lý học hướng đến giúp đỡ con người tìm thấy sự hạnh phúc từ bên trong và sống hòa hợp với những người xung quanh.
Ngoài giờ làm việc, tôi còn có nhiều thú vui khác. Tôi thực hành chánh niệm mỗi ngày. Ngay cả khi quá bận rộn, tôi vẫn dành khoảng năm phút để tĩnh tâm, lắng nghe cảm xúc cơ thể, xoa dịu căng thẳng và mệt mỏi nếu có. Thực hành chánh niệm cũng giúp tôi hiểu thêm về hành trình phát triển của bản thân.
Việc dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là hai con, đóng vai trò quan trọng trong hành trình hiểu về bản thân của tôi.
Các con là nguồn động lực của tôi. Bằng cách nâng cao sức khỏe tâm thần và sự an lạc cho tất cả mọi người, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới an toàn và bền vững hơn cho thế hệ trẻ.
Đối với Tiến sĩ Justin Battin từ Đại học RMIT, điều ông thấy thú vị nhất là cách điện thoại trở thành một phần phụ của cơ thể, giống như tay chân, và tăng cường khả năng của chúng ta. Ý niệm này thôi thúc ông thực hiện dự án nhiếp ảnh Instagram tại TP. Hồ Chí Minh.
Đối với Tiến sĩ Justin Battin từ Đại học RMIT, điều ông thấy thú vị nhất là cách điện thoại trở thành một phần phụ của cơ thể, giống như tay chân, và tăng cường khả năng của chúng ta. Ý niệm này thôi thúc ông thực hiện dự án nhiếp ảnh Instagram tại TP. Hồ Chí Minh.
Điều tôi thấy thú vị nhất, hơn bất cứ điều gì khác, là cách điện thoại trở thành một phần phụ của cơ thể, giống như tay chân, và mở rộng khả năng của chúng ta. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện dự án hiện tại là nhiếp ảnh Instagram tại TP. Hồ Chí Minh.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Justin Battin
Khám phá cuộc sống qua lăng kính mạng xã hội
Tên tôi là Justin Battin. Tôi là giảng viên cấp cao về Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam. Ngày đầu tiên tôi đến RMIT làm việc chính là ngày thứ hai tôi có mặt ở đất nước này. Trước khi đặt chân đến đây, tôi chưa từng ghé thăm châu Á. Đó là khoảng 5 năm rưỡi trước.
Thế hệ của tôi hay phê phán việc lạm dụng mạng xã hội đang diễn ra hiện nay. Nhưng khi tham gia nghiên cứu học thuật và có thêm hiểu biết nhờ trò chuyện với các em sinh viên ở nhiều nơi trong vài năm, tôi nhận ra được cả ưu và nhược điểm của việc sử dụng mạng xã hội. Điều này đã khuyến khích tôi nhìn nhận lại cả những nhận thức trước đây của mình cũng như những cách nhìn tiêu cực trong xã hội.
Máy ảnh trong điện thoại là cách chúng ta tương tác với thế giới ngày nay. Đó là cách chúng ta ghi lại những khoảnh khắc. Đúng vậy, khoảnh khắc. Chúng không chỉ đơn giản là những bức ảnh mà còn là khoảnh khắc.
Những khoảnh khắc giúp khắc họa nhiều khía cạnh của thành phố. Ví dụ, thông qua một bức ảnh, bạn có thể biết được cảm giác khi tham gia giao thông là như thế nào, nghe thấy gì, ngửi thấy gì, nhìn thấy gì.
Bằng cách chụp những bức ảnh này, mọi người tìm hiểu về thành phố và thể hiện sự hiểu biết đó thông qua nhiếp ảnh. Tôi nghĩ trước khi ngay lập tức chế nhạo những gì chúng ta thấy trên Instagram là kém sang, ái kỷ hay không thực tế, chúng ta nên coi chúng như những quá trình khám phá. Những khoảnh khắc đó là các bức ảnh chụp nhanh về điều gì đó có ý nghĩa, một điều mà người dùng mạng xã hội cảm thấy có mối liên hệ sâu sắc.
Bản chất của việc sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam tương đối khác so với những nơi tôi từng sinh sống. Cách sinh viên của tôi sử dụng mạng xã hội có nhiều sắc thái và xa lạ hơn với tôi. Vì vậy, tôi rất thích học hỏi từ các em. Các em dạy tôi về điều mà thế hệ của các em quan tâm, những vấn đề cần giải quyết và cách các em giải quyết chúng.
Mỗi ngày khi tôi thức dậy và nhảy lên chiếc xe đạp, phương tiện di chuyển ưa thích của tôi, tôi luôn cảm thấy như có điều gì đó mới mẻ sắp diễn ra. Những cuộc trò chuyện mới, những cuộc thảo luận mới, những kiến thức mới và những sự hợp tác mới.
Tôi cực kỳ ấn tượng với khối lượng hoạt động hợp tác bất tận đang diễn ra tại RMIT – không chỉ giữa tôi và đồng nghiệp, mà còn quan trọng hơn là sự hợp tác với sinh viên.
Các cuộc thảo luận với sinh viên thường mang lại cho tôi những góc nhìn mới. Điều này đặc biệt thú vị vì trọng tâm nghiên cứu của tôi là cách chúng ta sử dụng công nghệ trong môi trường hằng ngày. Và các em là những người dùng chính của ngày hôm nay.
Chắc chắn giữa tôi và các em có một mối quan hệ giao thoa tốt đẹp cả trong và ngoài lớp học, và điều khiến tôi phấn khích nhất là cách chúng tôi luôn hướng tới việc giải quyết vấn đề hoặc tìm ra một góc nhìn mới.
Là chuyên gia về kinh doanh quốc tế và quản trị nguồn nhân lực, Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh cho các nền kinh tế, tổ chức và cá nhân đang tìm kiếm thành công trong một thế giới luôn đổi thay.
Là chuyên gia về kinh doanh quốc tế và quản trị nguồn nhân lực, Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh cho các nền kinh tế, tổ chức và cá nhân đang tìm kiếm thành công trong một thế giới luôn đổi thay.
Tôi dạy ngành Kinh doanh quốc tế nên tôi tin vào khái niệm lợi thế cạnh tranh. Không ai có thể hoàn hảo và các quốc gia cũng vậy. Không quốc gia nào có thể giỏi nhất ở mọi thứ. Chúng ta cần biết mình giỏi ở lĩnh vực nào và cố gắng phát huy tối đa thế mạnh đó.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên
Phát huy lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh quốc tế
Tôi tên là Đặng Thảo Quyên. Tôi là giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam. Tôi cũng là chủ nhiệm cấp cao của bộ môn này.
Theo tôi, kinh doanh quốc tế là bất kỳ hoạt động kinh doanh nào có khía cạnh quốc tế. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam đang phát triển mạnh.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Khu vực FDI đóng góp khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 20% GDP của Việt Nam. Điều đó rất đáng chú ý.
Trong một thời gian dài, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là lao động giá rẻ. Nhưng bây giờ chúng ta phải tập trung vào lao động chất lượng cao, năng suất cao.
Chúng ta phải suy nghĩ về Công nghiệp 4.0 và 5.0, và làm thế nào các kỹ năng trong lực lượng lao động của chúng ta có thể bắt kịp hoặc thậm chí đón đầu các xu hướng đó.
Một cách khác để đạt được lợi thế cạnh tranh là xây dựng thương hiệu quốc gia xanh, hay còn được biết đến như một quốc gia chú trọng và vượt trội về phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường.
Nếu bạn hỏi tôi lợi thế cạnh tranh của cá nhân tôi là gì, tôi sẽ nói đó là niềm đam mê kết nối và phát triển con người.
Tôi từng học thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia về ngành quản trị nguồn nhân lực và quản trị nguồn nhân lực quốc tế.
Trong công việc hiện tại của mình, tôi thích mời chuyên gia từ các doanh nghiệp đến giao lưu với sinh viên và thực hiện các dự án tư vấn cho doanh nghiệp về mở rộng quốc tế và quản trị nguồn nhân lực.
Thực ra, tôi là một người hướng nội. Do vậy, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để phát triển bản thân và bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để có thể kết nối với mọi người một cách dễ dàng như hiện nay. Điều giúp tôi làm được chính là nghĩ về những giá trị tiềm năng cho tất cả các bên.
Bất cứ khi nào tiếp cận với một đối tác doanh nghiệp, tôi đều nghĩ về những lợi ích tiềm năng cho họ và cho sinh viên của tôi. Nếu mọi người đến với nhau và chia sẻ những mục tiêu và giá trị chung thì đó đã là cơ sở rất tốt để nói chuyện với nhau rồi.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho kinh doanh quốc tế. Nên hướng tới tình huống đôi bên cùng có lợi, nơi mọi người có thể đóng góp những điều tốt nhất, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình và cùng nhau tạo nên sự thịnh vượng.
Là một nhà thiết kế và nhà giáo người Anh làm việc tại Hà Nội, Thạc sĩ Jon Kuiter đang góp phần đào tạo ra những tài năng sáng tạo mang tư duy thiết kế toàn cầu.
Là một nhà thiết kế và nhà giáo người Anh làm việc tại Hà Nội, Thạc sĩ Jon Kuiter đang góp phần đào tạo ra những tài năng sáng tạo mang tư duy thiết kế toàn cầu.
Thiết kế là một thị trường toàn cầu. Đề bài đặt ra có thể là xây dựng một tòa nhà, thiết kế một tạp chí hay tổ chức một buổi biểu diễn. Khách hàng có thể ở cách xa nửa vòng trái đất. Quan trọng nhất là sinh viên cần hiểu rằng có một nền văn hóa toàn cầu đang hiện hữu và các em biết cách thiết kế cho nền văn hóa đó.
Gặp gỡ chuyên gia
Jon Kuiter
Định hình những nhà phát minh thời hiện đại
Xin chào, tên tôi là Jon Kuiter. Tôi bắt đầu làm việc ở RMIT từ năm 2021. Hiện tôi là điều phối viên của Khoa Truyền thông và Thiết kế tại cơ sở Hà Nội, đồng thời là giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo.
Tôi vốn xuất thân từ ngành thiết kế nội thất. Tôi vừa làm nghề, vừa giảng dạy mảng này khoảng tám năm ở Malaysia, tại cả thành phố Penang và Kuala Lumpur.
Sau đó, tôi quyết định thay đổi vốn liếng nền tảng từ thiết kế sang truyền thông thị giác. Tôi bắt đầu quan tâm đến ngành công nghiệp giải trí cũng như công việc phát triển ý tưởng và thiết kế suy đoán cho trò chơi điện tử và phim.
Hiện nay tôi tập trung vào phát triển chiến lược sáng tạo và photo bashing – một kỹ thuật kết hợp các tấm ảnh lại với nhau để tạo ra những ý tưởng độc đáo.
Sau khi trở về Anh, tôi cảm thấy cuộc sống khi ở Đông Nam Á của mình có ý nghĩa hơn. Lấy cảm hứng từ trải nghiệm ở Malaysia, tôi đã ứng tuyển để quay lại Đông Nam Á và Hà Nội đã thu hút tôi.
Khi làm việc ở đây, tôi có thể dễ dàng khám phá khu phố cổ xinh đẹp của Hà Nội với những cửa hàng nhỏ, nơi ngày càng nhiều nghệ sĩ độc lập đang hoạt động. Thành phố cũng quy tụ những di sản lâu đời như làng gốm Bát Tràng.
Ở đây có sự kết hợp tuyệt vời giữa văn hóa truyền thống với những nét hiện đại của thế giới và nét toàn cầu hóa có trong Hà Nội. Thật thú vị khi được chứng kiến điều đó.
Thiết kế là một phần quan trọng của phát triển kinh tế. Nhà thiết kế là nhà phát minh thời hiện đại. Bạn có thể tạo ra thứ gì đó để khiến mọi người nhìn nhận một sản phẩm theo cách khác. Bạn có thể giúp tạo ra những xu hướng mới và sức ảnh hưởng mới.
Sinh viên của tôi, nếu các em muốn trở thành nhà thiết kế và tồn tại trong ngành thiết kế, rất có thể các em sẽ làm việc ở Việt Nam nhưng có khách hàng ở nước ngoài, ví dụ ở Hoa Kỳ hay nơi nào đó khác. Vì vậy, dù có thiết kế ở đâu đi chăng nữa thì các em cũng cần có tư duy toàn cầu.
Thiết kế xoay quanh việc giải quyết vấn đề. Đối với hầu hết mọi người, quá trình này đơn thuần là “vấn đề” rồi đến “giải pháp”. Nhưng đối với nhà thiết kế thì là “vấn đề” rồi đến “giải pháp A, B, C, D” để từ đó cho ra được các phiên bản và lựa chọn khác nhau.
Tôi phác họa mọi lúc mọi nơi. Để duy trì một cuốn sổ phác thảo hay nhật ký trực quan không đơn thuần chỉ cần kỹ năng phác thảo mà còn cần biết nghiên cứu. Tôi thích in các ý tưởng ra giấy rồi vẽ đè lên hoặc ghi chú lên trên đó. Tôi suy ngẫm về chúng, xây dựng tiếp ý tưởng từ các tác phẩm hiện có, hoặc tự thử nghiệm các ý tưởng của riêng mình.
Phác thảo là một thành tố quan trọng trong giờ dạy của tôi. Chẳng hạn, nếu dạy một nhóm lớn, tôi sẽ dùng máy chiếu để sinh viên xem tôi đang phác thảo gì. Khi hướng dẫn nhóm nhỏ thì tôi sẽ ngồi cùng các em quanh một chiếc bàn. Đôi khi chúng tôi phác thảo trong một cuốn sổ nhỏ, lúc khác thì là trên một tờ giấy lớn, nhưng nói chung là chúng tôi trao đổi với nhau một cách trực quan để diễn đạt ý tưởng.
Có thể ngồi cùng với sinh viên để thật sự minh họa những gì các em nói, sau đó để các em minh họa những gì tôi nói, hoặc cùng nhau phát triển ý tưởng, cho phép các em học được nhiều hơn về quá trình thiết kế.
Các em sẽ nhận ra rằng người làm nghề thiết kế không đơn thương độc mã và khả năng làm việc nhóm là rất quan trọng. Khả năng nói chuyện, cộng tác, thậm chí là tranh luận về một ý tưởng nào đó thực sự rất quan trọng.
Và điều tuyệt vời về ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại RMIT là mỗi giảng viên có nền tảng kiến thức khác nhau và giảng dạy nhiều bộ môn khác nhau. Do đó, chúng tôi được cộng tác nhiều hơn và có thêm nhiều kiến thức hơn khi dạy sinh viên.
Là một nhà quản trị khách sạn kỳ cựu đến từ Singapore, Tiến sĩ Justin Matthew Pang đam mê nuôi dưỡng thế hệ kế nhiệm chuyên nghiệp cho ngành khách sạn ở Việt Nam.
Là một nhà quản trị khách sạn kỳ cựu đến từ Singapore, Tiến sĩ Justin Matthew Pang đam mê nuôi dưỡng thế hệ kế nhiệm chuyên nghiệp cho ngành khách sạn ở Việt Nam.
Khách sạn là một ngành đang bùng nổ, đặc biệt là ở Việt Nam. Là một nhà giáo, tôi mong muốn xây dựng thế hệ những nhà quản trị khách sạn tiếp theo với trình độ chuyên môn cao nhất.
Gặp gỡ chuyên gia
Tiến sĩ Justin Matthew Pang
Nuôi dưỡng thế hệ kế nhiệm chuyên nghiệp trong ngành khách sạn
Tên tôi là Justin Matthew Pang. Tôi là giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại RMIT Việt Nam.
Trước khi trở thành một nhà giáo vào khoảng 15-20 năm trước, tôi đã có một khoảng thời gian dài vinh dự được làm việc tại nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, vùng Caribe và châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, quản trị khách sạn lại không phải là lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên của tôi. Thực ra, tôi từng theo học tại OCS - Trường Đào tạo sĩ quan Singapore và suýt nữa trở thành sĩ quan của Lực lượng vũ trang Singapore. Nhưng do chấn thương nặng nên kế hoạch đó phải thay đổi.
Tôi chuyển sang học quản trị khách sạn và rồi đem lòng yêu thích làm việc trong ngành này. Tôi cũng chắt lọc ra được nhiều bài học từ quân đội để áp dụng vào công việc quản trị khách sạn.
Khi chuyển sang làm việc trong ngành khách sạn, tôi nhận ra đây là một ngành tuyệt vời vì nó thực sự đa diện. Khách sạn có mảng vận hành gồm bộ phận buồng phòng, nhà hàng, quầy uống, nhân viên hỗ trợ khu vực tiền sảnh, v.v. Bên cạnh đó là các phòng ban hành chính và hỗ trợ chung như kế toán, nhân sự hay tiếp thị. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên một doanh nghiệp toàn diện.
Nhưng phải khẳng định rằng làm việc trong ngành khách sạn không phải là công việc “bàn giấy” ngày nào cũng lặp đi lặp lại. Mỗi ngày lại có một thử thách mới chờ bạn giải quyết.
Dịch vụ thực sự là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và ngành khách sạn ở Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc.
Thị trường khách sạn dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 2 tỉ đô la Mỹ từ năm 2021 đến năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 14%.
Trong tương lai, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ tại Việt Nam. Người Việt Nam vốn hiếu khách, nồng hậu và thân thiện. Nhưng điều chúng ta cần là tính nhất quán trong dịch vụ.
Chúng ta cần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ với những tiêu chuẩn, quy định mà các khách sạn có thể tuân thủ và đáp ứng.
Hiện nay, quan niệm truyền thống ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác là nghề dịch vụ không phải là nghề nhiều người muốn làm, nhất là khi họ có thể bị coi là người phục vụ.
Nhưng điều đó không đúng, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ, nơi ngành dịch vụ khách sạn được chuyên nghiệp hóa, với chứng nhận và chứng chỉ chuyên môn chuyên biệt.
Vì vậy, chúng ta cần thay đổi nhận thức của mọi người. Những người làm nghề dịch vụ là những người chuyên nghiệp. Khách hàng nên nhìn nhận người làm nghề dịch vụ, đặc biệt là các nhà quản trị khách sạn, như những người chủ nhà đang đón tiếp khách, thay vì là phục vụ khách.
Đặc biệt là sau đại dịch COVID, sức khỏe đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người. Chúng ta cần đảm bảo rằng người làm nghề khách sạn coi nghề này là cơ hội để có được sự bền vững và lối sống cân bằng.
Chúng ta không muốn những người trẻ, đầy nhiệt huyết gia nhập ngành này rồi cuối cùng kiệt sức vì có quá nhiều lo toan và áp lực.
Chúng ta cần đảm bảo rằng họ có thể phát triển bền vững và có khả năng chăm sóc bản thân cũng như sự nghiệp của họ một cách bền lâu.
Ngành khách sạn không còn chỉ xoay quanh hoạt động kinh doanh đơn thuần mà phải bao gồm những cân nhắc về cộng đồng và gia đình, để có được sự tăng trưởng bền vững và phát triển tốt cho người làm nghề.