Trên cuộc đua toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam, dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khi ngày càng nhiều nhà đầu tư và cơ quan quản lý yêu cầu minh bạch ESG, thành phần và cách vận hành của hội đồng quản trị đang được giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Finance Research Letters, với sự tham gia của các giảng viên từ Đại học RMIT Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo đáng chú ý: những giám đốc có quan hệ rộng trong giới doanh nghiệp – từng được xem là nguồn lực quý giá – thực chất có thể dễ gặp “phốt” liên quan đến ESG. Nghiên cứu với tiêu đề “Do board networks fuel ESG controversies?” đã phân tích hơn 15.000 quan sát theo năm của các công ty Hoa Kỳ từ 2004 đến 2023. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một xu hướng nhất quán: các công ty có hội đồng quản trị có mối quan hệ rộng thường dễ gặp “phốt” về ESG hơn, chẳng hạn như vi phạm môi trường, tranh chấp lao động và bê bối quản trị.
Tiến sĩ Irfan Haider Shakri, tác giả chính của nghiên cứu, giảng viên ngành Tài chính tại RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Phát hiện khiến quan niệm lâu nay rằng càng nhiều mối quan hệ thì quản trị càng hiệu quả - có phần lung lay”.
“Trên thực tế, hội đồng quản trị có quá nhiều mối quan hệ có thể trở thành “buồng vang thông tin”, nơi người bên trong chỉ nghe những gì họ muốn nghe với phần phản biện yếu ớt và vai trò giám sát bị lu mờ”.
Hệ lụy đối với Việt Nam trên hành trình thực thi ESG
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều đó có nghĩa thực hành ESG không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để tiếp cận vốn và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc một giám đốc tham gia nhiều hội đồng quản trị vẫn thường được xem là dấu hiệu của uy tín và có tầm ảnh hưởng.
Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại RMIT Việt Nam, nhận định: “Nghiên cứu này là hồi chuông cảnh tỉnh. Doanh nghiệp Việt Nam cần cân bằng giữa mạng lưới quan hệ của hội đồng quản trị với tính độc lập và mức độ cam kết. Việc một giám đốc ‘ôm đồm’ quá nhiều vị trí có thể làm giảm khả năng giám sát và phản biện với các vấn đề ESG, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro về danh tiếng ngày càng cao”.