Công nghệ vì lợi ích cộng đồng: Blockchain và an ninh kinh tế

Công nghệ vì lợi ích cộng đồng: Blockchain và an ninh kinh tế

Blockchain có thể cải thiện an ninh kinh tế ở các nước đang phát triển ra sao? Sau đây là nhận định từ chuyên gia Shehzad Bhanji – diễn giả chính và cố vấn cuộc thi RMIT Fintech Blockchain 2022.

Là lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực marketing toàn cầu, đổi mới kỹ thuật số và fintech với kinh nghiệm làm việc hơn hai thập kỷ ở châu Á và châu Âu, ông Shehzad Bhanji chia sẻ về những tiềm năng vô tận mà công nghệ blockchain và fintech có thể đem lại nhằm giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới.

Ông nhấn mạnh vào cách blockchain có thể đưa ra giải pháp cho ba vấn đề an ninh kinh tế ở các quốc gia đang phát triển – đó là thiếu khả năng tiếp cận hạ tầng ngân hàng, thiếu quyền sở hữu tài sản và các vấn đề về pháp quyền.

“Ứng dụng blockchain sẽ đặc biệt có lợi cho những người đã và đang phải hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện nay họ thường phải sử dụng dịch vụ với mức phí cao hơn hoặc điều khoản không hợp lý”, ông Bhanji cho biết.

Tiếp cận tiện ích ngân hàng giá rẻ

Một trong những đóng góp lớn nhất của fintech là thúc đẩy tài chính toàn diện, chẳng hạn thông qua việc cung cấp các khoản vay vi mô hay vay ngắn hạn với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí vay truyền thống từ các ngân hàng.

Ông Bhanji trích dẫn ví dụ từ sản phẩm cho vay vi mô được ra mắt tại Indonesia bởi ngân hàng QNB Indonesia, công ty viễn thông địa phương Indosat Ooredoo Hutchison và ngân hàng số lớn nhất từ Trung Quốc.

Bằng cách kết hợp thế mạnh của mỗi bên, các đối tác này đã cùng nhau tạo ra một nền tảng cho phép các khoản vay nhỏ được chuyển giao nhanh nhất trong vòng ba phút.

Người vay đủ điều kiện được xác nhận thông qua “hồ sơ kỹ thuật số” – một phương pháp thay thế cho điểm tín dụng và có tính đến thói quen chi tiêu của khách hàng cũng như khả năng chi trả các khoản vay trong thực tế của họ.

Đảm bảo quyền sở hữu tài sản

Theo ông Bhanji, blockchain còn có thể ứng dụng vào quy trình đăng ký quyền sở hữu tài sản, cả kỹ thuật số và phi kỹ thuật số. Chủ sở hữu sẽ được bảo vệ khỏi hành vi trộm cắp vì blockchain có tính bảo mật cao.

“Blockchain là một công nghệ sổ cái phân tán. Điều này có nghĩa là hành vi sai trái cố gắng thay đổi một khối (block) trong một chuỗi (chain) sẽ bị phát hiện ngay lập tức”, ông giải thích. “Nếu tin tặc muốn phá hoại một hệ thống blockchain, chúng sẽ phải thay đổi mọi khối trong chuỗi, trên tất cả các phiên bản phân tán của chuỗi”.

Nhờ ưu điểm này, việc sử dụng blockchain để đăng ký quyền sở hữu tài sản sẽ cho phép chuyển giao quyền sở hữu một cách chính xác sau khi mua bán, đồng thời cũng dễ dàng giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa gian lận.

Xây dựng nguyên tắc pháp quyền

Khu vực kinh tế phi chính thức đã mở rộng ngoài vòng kiểm soát của pháp quyền. Như ông Bhanji giải thích: “Các bên thường bỏ qua việc ký kết hợp đồng, các khoản thanh toán thì bị trì hoãn hoặc bị từ chối thẳng thừng, còn các tranh chấp thường phải trình lên tòa án để giải quyết, khiến mất rất nhiều thời gian và tiền bạc”.

Nhưng hợp đồng thông minh có thể giúp giải quyết những vấn đề như vậy.

Hợp đồng thông minh là một dạng giao thức máy tính có khả năng thực hiện các điều khoản được chỉ định trong một thỏa thuận hoàn toàn tự động trên nền tảng blockchain, sau khi một số điều kiện nhất định được đáp ứng.

Ông Bhanji nói: “Các tổ chức và công dân sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi tuân thủ pháp luật và các thỏa thuận đã được thống nhất. Điều này giúp việc tuân thủ luật pháp tiết kiệm hơn và hoạt động kinh tế phi chính thức cũng bớt đi”.

Tích hợp ý tưởng vào đề xuất

Cuộc thi RMIT Fintech Blockchain (RFBC) 2022 mang đến cho học sinh trung học và sinh viên tại Việt Nam một nền tảng để thỏa sức sáng tạo, đưa fintech và blockchain vào giải quyết các vấn đề như đã đề cập ở trên và hơn thế nữa.

Tiếp nối thành công của mùa đầu vào năm ngoái, RFBC đã trở lại với chủ đề mới - “Xây dựng một thế giới bền vững với fintech và blockchain”, dựa trên các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc.

Cuộc thi hoan nghênh các ý tưởng có thể hỗ trợ năm SDG do ban tổ chức lựa chọn gồm SDG 1 – Xóa nghèo, SDG 2 – Không còn nạn đói, SDG 4 – Giáo dục có chất lượng, SDG 8 – Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế và SDG 13 – Hành động về khí hậu.

Giảng viên Tài chính Đại học RMIT và điều phối viên của cuộc thi, Tiến sĩ Devmali Perera cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức cuộc thi này và hiện chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn đăng ký của các đội thi”.

“Cuộc thi năm nay thúc đẩy hơn nữa quan hệ với đối tác doanh nghiệp trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Giải thưởng dành cho người chiến thắng cũng rất hấp dẫn. Vì vậy, tôi rất háo hức đón đợi các ý tưởng cũng như các mối quan hệ hình thành từ cuộc thi này”.

Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại https://www.event.rmit.edu.vn/rfbc-2022

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Tin tức liên quan