Tiến sĩ Lam cũng cho rằng việc sử dụng bao bì chống làm giả (tamper-proof packaging) vẫn là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ sản phẩm thiết yếu khỏi hàng giả. Loại bao bì này được thiết kế để ngăn chặn việc mở hoặc can thiệp vào sản phẩm mà không để lại dấu hiệu rõ ràng.
Các loại bao bì chống làm giả phổ biến hiện nay bao gồm băng keo niêm phong, vòng co, niêm phong cảm ứng, bao bì bọt hoặc vỉ, và nhãn an ninh với keo hoặc thiết kế đặc biệt. Các loại bao bì này không thể tái sử dụng để ngăn chặn ý đồ sản xuất hàng giả. Trên bao bì phải có đặc điểm nhận dạng như hoa văn, tên, nhãn hiệu đã đăng ký, logo, hoặc hình ảnh mà không thể dễ dàng sao chép.
Nhà sản xuất cũng có thể in mã QR hoặc mã vạch lên bao bì để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của từng lô sản phẩm trên trang web chính thức bằng cách quét mã trên điện thoại thông minh. Đối với các mặt hàng giá trị cao, sử dụng các chip công nghệ như RFID hay NFC gắn vào từng sản phẩm cũng là phương án chống hàng giả hữu hiệu.
In ấn thủy vân số trực tiếp vào sản phẩm (cyber-physical watermarking) là một công nghệ quan trọng và tiết kiệm chi phí để chống hàng giả, đặc biệt trong ngành thực phẩm và dược phẩm. Thủy vân số, vốn đã khá quen thuộc với các sản phẩm kỹ thuật số, là hình mờ được chèn trên các video hay hình ảnh để đánh dấu bản quyền. Kỹ thuật này có thể được kết hợp với công nghệ in ấn vật lý để đánh dấu xác thực lên các sản phẩm thiết yếu.
Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Advanced Functional Materials đã tìm ra cách in phun hình ảnh thủy vân số bằng phẩm màu thực phẩm an toàn lên từng liều thuốc, thậm chí từng viên thuốc, cung cấp giải pháp xác thực sản phẩm.
Các công nghệ này thêm các lớp bảo vệ bổ sung, khiến cho việc sao chép sản phẩm trở nên khó khăn hơn đối với những kẻ làm giả, đồng thời đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được hàng hóa chính hãng, nguyên vẹn và an toàn.
Song song với việc ứng dụng các phương pháp này, doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông tới người dùng, giúp khách hàng cảnh giác hơn, giảm thiểu sự phổ biến của sản phẩm giả.
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức
Về phía người tiêu dùng, việc tự nâng cao nhận thức là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin về hàng giả trên thị trường và ưu tiên mua hàng từ các nguồn hàng uy tín, Tiến sĩ Hùng cho rằng người tiêu dùng cần tăng cường hiểu biết về các phương pháp chống hàng giả mà các doanh nghiệp đang ứng dụng.
“Người dùng cần tạo thói quen dùng điện thoại thông minh của mình để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ mã QR, chip gắn liền hoặc thủy vân số in trên sản phẩm, đồng thời nên sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm minh bạch, có kiểm chứng”, Tiến sĩ Hùng khuyến nghị.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng bài trừ hàng giả cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, bởi từ lâu nay chúng ta đã quen với việc mua các sản phẩm nhái ở các ngành hàng như đồ thời trang hay thiết bị điện tử.
Theo Tiến sĩ Hùng, thói quen mua hàng giả của một bộ phận người tiêu dùng đang cổ xúy cho một vòng xoáy xuống cấp, nơi các đơn vị sản xuất hàng nhái lấn chiếm thị phần của các doanh nghiệp chân chính, tạo ra một nền kinh tế méo mó, dung túng cho hành động phi pháp.
“Điều này khuyến khích ra đời các chuỗi cung ứng hàng giả tinh vi với quy mô lớn, làm sản sinh ra những mặt hàng không chỉ kém chất lượng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe. Đây là một xu hướng mà chúng ta cần phải tìm mọi cách đảo ngược”, Tiến sĩ Hùng kết lời.
-----
Hình đại diện: CandyRetriever – stock.adobe.com | Hình đầu trang: coffmancmu – stock.adobe.com