Ông chỉ ra rằng Thái Lan và Malaysia – hai quốc gia có chuỗi cung ứng gắn chặt với Trung Quốc – hiện đang đối mặt với mức thuế cao tương ứng là 36% và 24%. Trong khi đó, Ấn Độ – nhờ quy mô thị trường lớn và vị thế địa chính trị – có khả năng đạt được thỏa thuận thuận lợi hơn. Ngược lại, đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản đang gặp khó: Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung thừa nhận khó đạt thỏa thuận trước thời hạn 9/7, còn Nhật Bản vướng vào yêu cầu Mỹ muốn áp hạn ngạch xuất khẩu ô tô.
Trong bối cảnh này, ASEAN đang áp dụng một chiến lược “lai”, vừa duy trì lập trường chung trong nội khối, vừa linh hoạt để từng quốc gia có thể đàm phán riêng với Mỹ, nhằm tránh bị cô lập trong quá trình thương thảo và giảm thiểu nguy cơ bị gây sức ép đơn phương.
Còn Liên minh châu Âu (EU) thì đang đàm phán từ thế mạnh nhờ thặng dư thương mại lớn với Mỹ và khả năng trả đũa cao. EU không chấp nhận mức thuế cơ sở 10–20% nếu không có nhượng bộ tương ứng từ phía Mỹ – đặc biệt về thuế kỹ thuật số, tiêu chuẩn ESG và quyền tiếp cận thị trường công nghệ. Do đó, đàm phán Mỹ-EU dự kiến sẽ phức tạp và kéo dài hơn, nhưng có thể đạt được một thỏa thuận hai chiều công bằng hơn so với các nước nhỏ và phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
Tiến sĩ Tuấn đưa ra bốn khuyến nghị trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam: (1) đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ; (2) đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng; (3) số hóa toàn bộ hồ sơ chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm; và (4) chủ động thương lượng với khách hàng Mỹ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.
Ông cũng lưu ý rằng thỏa thuận lần này đã phần nào làm dịu lo ngại của giới đầu tư. VN-Index phục hồi nhẹ sau tuyên bố từ ông Trump, và một số tập đoàn FDI cho biết sẵn sàng nối lại kế hoạch mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý tích cực này sẽ không kéo dài nếu các chi tiết của thỏa thuận không sớm được làm rõ.
“Các nhà đầu tư không muốn một hiệp định mang tính chính trị tạm thời”, Tiến sĩ Tuấn nói. “Họ cần một cam kết lâu dài, có hiệu lực pháp lý và thực thi được trong thực tế”. Dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, ông cho rằng thỏa thuận lần này là khoảng đệm quý giá, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan trừng phạt và mở ra thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
“Chúng ta chưa thắng”, ông kết luận. “Nhưng ta đã giữ được cửa. Và nếu tận dụng tốt khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn có thể bước vào kỷ nguyên thương mại mới với vị thế vững vàng hơn”.
Bài: Quân Đinh