Tương lai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

Tương lai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

“Các sáng kiến kinh tế trong thỏa thuận hợp tác mang tính lịch sử này là tin vui cho sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong dài hạn” là nhận định của Tiến sĩ Burkhard Schrage đến từ Đại học RMIT.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 10/9/2023, lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung về nâng cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, trong đó phải kể đến việc tăng cường vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng thương mại, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cải thiện cơ sở hạ tầng nhờ đầu tư từ Hoa Kỳ, và hợp tác vì phát triển bền vững.

Bên cạnh khía cạnh kinh tế, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này còn củng cố thêm hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, từ ngoại giao, khoa học, đến văn hóa và giáo dục.

Động lực mới cho đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam

Kinh tế Hoa Kỳ dựa trên sự đổi mới và được công nhận rộng rãi với vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghệ cao. Do đó, Hoa Kỳ là đối tác phù hợp khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2050 thông qua việc thay thế các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.

Đáng chú ý, các giám đốc điều hành cấp cao của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đã tham dự Hội nghị Đổi mới và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ sau khi tuyên bố chung về Đối tác chiến lược toàn diện được đưa ra. Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo đến từ nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Những thông báo hợp tác và FDI lớn đầu tiên trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới đã được công bố. Theo đó, Nvidia và Microsoft sẽ triển khai các dự án lớn về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Các tập đoàn có trụ sở tại bang California như Synopsys và Marvell đã thông báo sẽ xây dựng các trung tâm thiết kế chip bán dẫn tại TP. Hồ Chí Minh. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu đô la Mỹ.

robot sản xuất công nghệ cao Kinh tế Hoa Kỳ dựa trên sự đổi mới và được công nhận rộng rãi với vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghệ cao. (Hình: IM Imagery – stock.adobe.com)

Một điểm đáng chú ý là FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong những năm gần đây ở mức tương đối thấp trong tương quan với sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, xếp khoảng thứ 6, đứng sau Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể là do các doanh nghiệp Hoa Kỳ ưu tiên triển khai FDI thông qua các công ty con ở nước ngoài hoặc hướng dẫn các nhà cung cấp của họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, như cách nhà cung cấp chính của Apple là Foxconn (một doanh nghiệp Đài Loan) đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta có thể mong đợi sự tăng trưởng trong FDI từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ sau thỏa thuận này. Việc Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp nước họ đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hội đồng quản trị đưa ra quyết định phân bổ vốn và các nguồn lực khác cho Việt Nam.

Và chắc chắn, chúng ta có thể mong đợi hiệu ứng lan tỏa kiến thức tích cực bên cạnh hiệu ứng chuyển giao công nghệ bài bản hơn. Những tác động lan tỏa thường làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và có ý nghĩa rất quan trọng đối với giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của họ. Giai đoạn này năng lực cạnh tranh trên quy mô toàn cầu nên đòi hỏi phải có phương pháp quản lý và sản xuất tốt nhất.

Chuẩn bị sẵn sàng thu hút nhà đầu tư

Ở mức độ cơ bản, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này bao gồm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu.

Ở mức độ cụ thể hơn, nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp hỗ trợ khi thu hút FDI. Bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam có thể thu hút doanh nghiệp dựa vào các ngành này.

chân dung Tiến sĩ Burkhard Schrage Tiến sĩ Burkhard Schrage là Chủ nhiệm cấp cao chương trình MBA/EMBA tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ trong công nghệ cao là gì? Đây có thể là các cơ sở giáo dục tập trung vào thiết kế vi mạch, lập trình, kỹ thuật điện tử, các lĩnh vực tiên tiến trong y học, v.v. Nhiều nhà sản xuất linh kiện chuyên dụng cũng là một phần của các ngành công nghiệp hỗ trợ thiết yếu.

Ví dụ, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động khuyến khích các công ty trong nước nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, đồng thời tuân thủ các thông lệ tốt nhất trong sản xuất kể từ khi Samsung bắt đầu đầu tư trực tiếp vào tỉnh này năm 2008. Từ năm 2012 đến 2023, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao hoạt động trong địa bàn tỉnh đã tăng mạnh từ con số 126 lên 600 doanh nghiệp. Kết quả là nhiều doanh nghiệp FDI công nghệ cao khác đã đổ bộ vào tỉnh này trong những năm gần đây.

Các dự án FDI gồm Foxconn sản xuất linh kiện cho Apple, Dell và Sony; Canon sản xuất máy in và máy quét; Microsoft sản xuất máy tính bảng Surface. Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng nhiều hoạt động “công nghệ thấp” cũng là thành tố quan trọng của các cụm công nghệ cao. Chẳng hạn, các công ty đóng gói chất lượng cao hiểu rõ yêu cầu trong ngành điện tử tiêu dùng hoặc các công ty hậu cần có thể xử lý hàng hóa nhạy cảm một cách đáng tin cậy.

Trường hợp cụm công nghệ cao của Bắc Ninh đưa ra lộ trình điển hình cho những gì mà quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ có thể mở ra trên quy mô quốc gia: nếu Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trở thành đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy cho dòng vốn FDI từ nước ngoài thì tương lai của Việt Nam sẽ rất tươi sáng, với triển vọng chuyển đổi sang sản xuất có giá trị cao hơn và trở thành một phần ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu.

Bài: Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao chương trình MBA/EMBA, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.

Hình đầu trang: tippapatt – stock.adobe.com | Hình thumbnail: Argus – stock.adobe.com

Tin tức liên quan