Sáng kiến Australia-Việt Nam hỗ trợ ngăn ngừa tội phạm xuyên quốc gia

Sáng kiến Australia-Việt Nam hỗ trợ ngăn ngừa tội phạm xuyên quốc gia

“Đi trước trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia” là chủ đề của Chương trình Quản lý thực thi pháp luật châu Á (ARLEMP) lần thứ 55 do Cảnh sát Liên bang Australia, Bộ Công an Việt Nam và Đại học RMIT tổ chức.

Hai mươi mốt cán bộ thực thi pháp luật đến từ 16 quốc gia đã tham gia chương trình ARLEMP mới đây. Chương trình gồm hai học phần giảng dạy trực tuyến và một học phần trực tiếp kéo dài 9 ngày tại TP. Hồ Chí Minh.

Khóa học tập trung vào xây dựng góc nhìn mới về cách các cơ quan thực thi pháp luật dùng năng lực chuyên môn đa dạng, như pháp y, kỹ thuật, tài chính và tình báo, vào công tác điều tra tội phạm xuyên quốc gia.

Các học viên của chương trình ARLEMP 55 đến từ 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam) Các học viên của chương trình ARLEMP 55 đến từ 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thường hoạt động theo mạng lưới toàn cầu chằng chịt, bài bản, với nguồn lực tài chính dồi dào. Những mạng lưới tội phạm này có khả năng thích nghi cao với bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Hoạt động cảnh sát truyền thống và điều tra theo kiểu ứng phó đã và đang hiệu quả trong việc phát hiện tội phạm tuyến đầu. Tuy nhiên, làm thế nào để các cơ quan thực thi pháp luật có thể xác định được những nhân vật chủ chốt đang cầm đầu các tổ chức tội phạm, cũng như nâng cao nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và triệt phá tội phạm xuyên quốc gia?

Nghiên cứu chỉ ra rằng hành động sớm, lấy ý kiến chuyên gia và kết nối theo thời gian thực với các nhóm chuyên gia là nền tảng dẫn đến thành công.

“Tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nếu các cơ quan thực thi pháp luật không liên tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tìm kiếm các cơ hội mới để tạo ra môi trường phòng chống tội phạm an toàn”, bà Jen Cullen, Trưởng sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Australia cho biết.

“ARLEMP có thể hỗ trợ điều đó bằng cách đào tạo ra những lãnh đạo cấp tiến, có khả năng thích nghi, sẵn sàng hợp tác và chủ động. Chương trình này cũng thúc đẩy kết nối tích cực giữa các điều tra viên và chuyên gia để đưa ra những giải pháp chủ động nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Phát biểu tại lễ khai giảng ARLEMP 55, Thiếu tướng Lưu Thành Tín, Phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết: "Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia. Cá nhân tôi rất hiểu tác động của ARLEMP bởi vì khi còn là một sĩ quan cấp thấp, tôi từng tham gia chương trình ARLEMP 2 vào năm 2005. Trong 18 năm qua, tôi đã chứng kiến sức mạnh của mạng lưới này trong việc đoàn kết các cán bộ cảnh sát và xây dựng những mối quan hệ lâu dài, giúp chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn, phát hiện và chống lại tội phạm”.

Trung tá Rachanatvy Hangchoun từ cơ quan Cảnh sát Quốc gia Campuchia cho biết: “Khi thăng tiến trong sự nghiệp, tôi phải chịu trách nhiệm về những quyết định lớn ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và an ninh quốc gia. ARLEMP giúp tôi tự tin để thực hiện trọng trách này. Theo tôi, chúng ta cần tăng cường hợp tác và kết nối trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Trong khi đó, ông Obain, Trợ lý ủy viên cảnh sát Bangladesh, chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đặt chân đến đất nước Australia, nhưng thông qua chương trình này, tôi cảm thấy được gắn kết với Cảnh sát Liên bang Australia, trường đại học của Australia [RMIT] và đại gia đình ARLEMP”.

Các lãnh đạo đại diện cho Bộ Công an Việt Nam, Cảnh sát Liên bang Australia, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam, cùng Đại học RMIT tham dự lễ khai giảng ARLEMP 55 (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam). Các lãnh đạo đại diện cho Bộ Công an Việt Nam, Cảnh sát Liên bang Australia, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam, cùng Đại học RMIT tham dự lễ khai giảng ARLEMP 55 (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam).

Kể từ năm 2005 đã có 55 chương trình ARLEMP diễn ra với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ thực thi pháp luật đến từ 42 quốc gia.

Chương trình tập trung vào xây dựng năng lực, cách tiếp cận và những mối liên kết mới nhằm giúp lãnh đạo tương lai trong các cơ quan thực thi pháp luật có thể phòng chống tội phạm xuyên quốc gia hiệu quả hơn.

Ông Phillip Dowler, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm An ninh xuyên quốc gia thuộc Đại học RMIT, cho biết: “Trong suốt 18 năm qua, mối quan hệ hợp tác bền chặt và sự tin tưởng giữa các học viên ARLEMP đã mang lại những kết quả to lớn trong việc triệt phá tội phạm xuyên quốc gia”.

“Chương trình này là một ví dụ điển hình về cách quan hệ hợp tác Australia-Việt Nam có thể tạo ra tác động không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Điều này phản ánh sinh động mối quan hệ ngoại giao bền chặt suốt 50 năm qua giữa hai quốc gia chúng ta, và Đại học RMIT rất vinh dự được đóng vai trò hỗ trợ cho tiến trình này”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Tin tức liên quan