Sinh viên Việt Nam và Tây Ban Nha đề xuất giải pháp cho du lịch đại trà tại Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro

Sinh viên Việt Nam và Tây Ban Nha đề xuất giải pháp cho du lịch đại trà tại Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro

Sinh viên Đại học RMIT Việt Nam và sinh viên Khoa Du lịch, Khách sạn và Ẩm thực, Đại học Barcelona (CETT) đã làm việc với các cấp thẩm quyền trong vùng và khu vực nhằm giải quyết hệ quả tiêu cực từ lượng lớn khách du lịch đến thăm công viên thuỷ sinh lớn nhất Tây Ban Nha.

Với diện tích 320 kilômet vuông, Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro ở phía nam Catalonia là nơi sinh sống của nhiều loại chim, cá và bò sát trong vùng cảnh quan được tạo thành từ biển, sông, đầm lầy muối, rừng cây, đầm phá ven biển và hải đảo.

Khu vực này có quần thể sinh học phong phú nhưng sự hiện diện của con người cũng đông không kém khi họ tham gia các hoạt động giải trí như nuôi sò, câu cá thể thao và các môn thể thao dưới nước.

Du khách ngày càng tấp nập đổ về công viên vì ngày càng nhiều người khao khát trải nghiệm thiên nhiên và không khí ngoài trời sau thời gian bị khoá trái trong nhà và giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

news-1-students-in-vietnam-and-spain-tackle-mass-tourism-in-spains-ebro-delta-natural-park Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro được biết đến như một trong những khu vực quan sát chim tốt nhất ở châu Âu.

Sinh viên ở Việt Nam và Tây Ban Nha đã chia nhóm làm việc nhằm hồi đáp yêu cầu từ Ban thư ký Hành động vì khí hậu của chính quyền vùng Catalonia và Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro.

Các bạn sinh viên được yêu cầu tìm giải pháp giúp cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và các hoạt động du lịch.

Đề xuất của các bạn bao gồm việc di dời bãi đỗ xe công cộng xa khỏi khu vực này và khuyến khích sử dụng các phương tiện di chuyển bằng điện như xe buýt hay xe đạp làm hình thức đi lại duy nhất trong công viên.

Một gợi ý khác là sử dụng công nghệ để xác định sức chứa và mức độ đám đông trong công viên, với hệ thống đèn hiệu giao thông thông báo khi không gian trở nên quá đông đúc.

Các bạn còn đề xuất một khoản phí du lịch sinh thái cho du khách cũng như việc bán hàng hóa bền vững để gây quỹ giúp duy trì khu vực.

Tất cả các đề xuất đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bao hàm các bên liên quan, gồm doanh nghiệp địa phương, đơn vị khai thác du lịch và nhà cung cấp dịch vụ, thông qua các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường.

Sinh viên đã trình bày đề xuất với bà Beatriz Ramírez từ Ban thư ký Hành động vì khí hậu của chính quyền vùng Catalonia và ông Xavier Abril từ Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro.

news-2-students-in-vietnam-and-spain-tackle-mass-tourism-in-spains-ebro-delta-natural-park Đồng bằng sông Ebro cũng là thủ phủ trồng lúa của Catalonia, với hơn 22.000 héc ta dành cho trồng lúa.

Bà Ramírez, từ chính quyền vùng Catalonia, chia sẻ vui mừng khi được hợp tác với sinh viên và giảng viên từ CETT và RMIT Việt Nam.

“Điều cần thiết là tìm kiếm sự hiệp lực giữa tất cả các bên liên quan đến việc bảo tồn các giá trị môi trường của lãnh thổ của chúng ta”, bà nói. “Đề xuất của các bạn sinh viên có tính đổi mới sáng tạo, chặt chẽ và bao hàm nhận thức về môi trường. Chúc mừng các bạn về kết quả công việc rất tốt này!”.

Ông Xavier Abril từ Công viên tự nhiên Đồng bằng sông Ebro, cho biết công viên rất vui và vinh dự được đưa vào trọng tâm dự án của sinh viên.

“Trở thành một phòng thí nghiệm sống và được khám phá những quan điểm và tầm nhìn mới về khu vực từ những góc nhìn khác là một đặc quyền”, ông nói. “Tôi muốn chúc mừng các bạn sinh viên và thầy cô từ CETT và RMIT Việt Nam về những nỗ lực, quyết tâm, và trên hết, nghĩ về tương lai của vùng đồng bằng sông Ebro!”.

Sinh viên RMIT Việt Nam Đỗ Minh Nguyệt và Hoàng Thị Kim Ngân chia sẻ rằng cơ hội có được cùng sinh viên CETT cho phép các bạn ứng dụng những gì đã học vào thực tế.

Nguyệt nói: “Cơ hội làm việc với sinh viên ở Tây Ban Nha trong dự án này đồng nghĩa với việc ứng dụng những gì chúng tôi học trong lớp học vào giải quyết một vấn đề thực tế - đây là một trải nghiệm không thể quên”.

Ngân cho biết nhờ quá trình hợp tác mà bạn trân trọng hơn và có thêm kiến thức mới về công viên thuỷ sinh lớn nhất Tây Ban Nha.

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe về công viên này”, Ngân nói. “Nhờ làm việc với các bạn ở Tây Ban Nha tôi có thêm hiểu biết về khu vực này và tầm quan trọng của nó”.

Sinh viên CETT Oleg Iuzhalin cho biết dự án hợp tác là cơ hội hết sức đặc biệt không chỉ giúp bạn làm quen với việc hợp tác với đồng nghiệp ở nước ngoài, mà còn trao đổi kinh nghiệm và tầm nhìn trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau.

“Tôi rất thích các buổi họp trao đổi công việc và hy vọng rằng năm sau sẽ có nhiều cơ hội tương tự hơn nữa”, Iuzhalin nói.

Cô Jackie Ong và Daisy Kanagasapapathy từ RMIT Việt Nam và cô Elena Ridolfi từ CETT đã quy tụ được nhóm hơn 60 sinh viên ngành du lịch và khách sạn cùng làm việc trong dự án này.

Cô Kanagasapapathy cho biết đây là “trải nghiệm học tạo thay đổi với sinh viên, đẩy mạnh hợp tác giữa RMIT Việt Nam và CETT Barcelona”.

“Sinh viên làm việc trực tuyến để cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung, đồng thời học hỏi thêm về các kỹ năng giao thoa văn hoá”.

Cô Ridolfi thì nhận định đây là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ và trao đổi kiến thức giữa các trường và chính quyền địa phương.

“Sinh viên đã đưa ra ý tưởng và giải pháp mới để quản lý du lịch tại khu vực quan trọng này ở Tây Ban Nha”, cô kết lời.

Bài: Karen Mathews

  • Du lịch & Khách sạn
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan