Trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp
Tuy nhiên, hậu quả không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý. Về mặt xã hội và hình ảnh cá nhân, người nổi tiếng có thể mất đi niềm tin từ công chúng, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và sự nghiệp. Việc mất niềm tin công chúng có thể dẫn đến việc mất các hợp đồng quảng cáo và các cơ hội hợp tác khác.
Hơn nữa, hành vi vi phạm của một người nổi tiếng có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành nghề liên quan. Ví dụ, nếu một người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, điều này có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào tất cả các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, kể cả những sản phẩm chất lượng và uy tín.
Công chúng thường có xu hướng “mặc định tin tưởng” vào những lời giới thiệu của người nổi tiếng. Khi một người nổi tiếng giới thiệu một sản phẩm, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe hoặc sắc đẹp, người tiêu dùng thường coi đó là một lời khuyên đáng tin cậy. Điều này đặt ra một yêu cầu đạo đức rất cao đối với người nổi tiếng: họ không được vì lợi nhuận cá nhân mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra cho người tiêu dùng.
Không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng xứng đáng được quảng cáo, và người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận lời quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó. Các tiêu chí cân nhắc có thể bao gồm: sản phẩm có an toàn cho người sử dụng không? Đã được kiểm định chất lượng đầy đủ chưa? Nguồn gốc xuất xứ có minh bạch và rõ ràng không?
Để đảm bảo trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp, người nổi tiếng cần tuân thủ nguyên tắc “biết - kiểm chứng - chịu trách nhiệm”. Họ cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, kiểm chứng các tuyên bố quảng cáo trước khi phát ngôn, và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những lời nói công khai của mình.
Nhìn về tương lai hoạt động quảng cáo với KOL
Quảng cáo sản phẩm không chỉ là một hoạt động thương mại đơn thuần, mà còn là một cam kết về trách nhiệm đối với cộng đồng. Người nổi tiếng, với tầm ảnh hưởng lớn của mình, cần nhận thức sâu sắc về điều này. Họ cần không ngừng nâng cao nhận thức pháp lý, hiểu rõ các quy định liên quan đến quảng cáo, và xây dựng đạo đức nghề nghiệp vững chắc, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận cá nhân.
Về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo rằng nó phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của môi trường số và các hành vi truyền thông hiện đại. Việc thực thi pháp luật cần được tăng cường, đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe, đồng thời có các biện pháp giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Tóm lại, người nổi tiếng không thể chỉ đơn thuần “lên tiếng khi được trả tiền” mà phải chịu trách nhiệm cho những lời nói của mình, đặc biệt khi tiếng nói ấy có khả năng dẫn dắt công chúng đi sai hướng. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường quảng cáo lành mạnh, minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bài: Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam
Hình đầu trang: stnazkul – stock.adobe.com | Hình đại diện: KMPZZZ – stock.adobe.com