Ngành dệt may, da giày Việt Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài từ Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc về nguyên liệu thô như vải và vật liệu trang trí. Ví dụ, năm 2023, tổng giá trị vải nhập khẩu vào Việt Nam là 13,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương hơn 33% tổng giá trị các mặt hàng dệt may xuất khẩu. Hơn nữa, việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường xuất khẩu (trong đó Mỹ là thị trường số một) khiến ngành dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế quan và biến động địa chính trị.
Phó giáo sư Rajkishore Nayak, giảng viên ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang tại RMIT, nhấn mạnh rằng mặc dù Việt Nam tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng chưa có FTA mà mới chỉ có hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Do đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ, khiến hàng Việt kém hấp dẫn hơn so với các sản phẩm từ Ấn Độ và Bangladesh – những quốc gia được hưởng mức thuế quan thấp hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh so với nước láng giềng Campuchia và Lào (có thể chịu mức thuế đối ứng lần lượt là 49% và 48%).
“Việc tăng thuế có thể khiến giá sản phẩm tăng và kim ngạch xuất khẩu giảm, có khả năng góp phần gây ra lạm phát. Thuế cao sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất dệt may, da giày tại Việt Nam, khiến các thương hiệu Mỹ hiện đang nhập khẩu từ Việt Nam có thể tìm kiếm nhà cung cấp thay thế từ các quốc gia khác”, Phó giáo sư Nayak cho biết.
“Ngoài ra, tác động có thể lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp hiện đang phụ thuộc vào nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất giá trị gia tăng, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ”.
Các biện pháp giải quyết
Để ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ việc Mỹ tăng thuế, ngành dệt may, da giày Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng buộc doanh nghiệp phải hành động ngay lập tức, đồng thời cần thay đổi trong trung hạn đến dài hạn để xây dựng khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.
Mức thuế quan điều chỉnh cho thấy ngành dệt may, da giày Việt Nam nên thay đổi theo hướng tự chủ về nguyên liệu thô, phát triển các quy trình sản xuất có đạo đức, đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), đa dạng hóa các loại sản phẩm và tìm kiếm các thị trường thay thế ở châu Á, châu Đại Dương và EU.
Phó giáo sư Nayak nhấn mạnh: “Để bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ, ngành dệt may, da giày Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn bao gồm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, sản xuất xanh và tập trung vào các sản phẩm bền vững”.