Thúc đẩy phụ nữ lãnh đạo trong lĩnh vực kiểm soát biên giới ở Đông và Nam Phi

Thúc đẩy phụ nữ lãnh đạo trong lĩnh vực kiểm soát biên giới ở Đông và Nam Phi

Sáng kiến hợp tác mới giữa Đại học RMIT và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đang hỗ trợ nữ lãnh đạo tương lai trong các cơ quan kiểm soát biên giới tại sáu quốc gia châu Phi.

Các cơ quan kiểm soát biên giới trên toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong thời kỳ hậu đại dịch. Chưa bao giờ các vấn đề như chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thuận lợi thương mại và an ninh biên giới lại thu hút nhiều sự chú ý đến vậy. Các cơ quan kiểm soát biên giới nhạy bén đều hiểu rằng công việc phức tạp này đòi hỏi nhân lực đa dạng, có kỹ năng và sẵn sàng cho tương lai.

Thực tế cho thấy tỉ lệ phụ nữ làm việc trong các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh biên giới là rất thấp trên toàn cầu. Theo Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2021, phụ nữ chỉ chiếm 16% vị trí lãnh đạo cấp cao và 37% lực lượng lao động trong ngành hải quan trên toàn cầu.

Chương trình Kiểm soát Container (CCP) của UNODC đã hợp tác cùng với các cơ quan an ninh biên giới ở khu vực Đông và Nam Phi nhằm đẩy mạnh ưu tiên bình đẳng giới trong các đơn vị kiểm soát container. Nhờ vậy mà sự tham gia của phụ nữ ngày càng tăng và tính đến tháng 4/2022, 46% số cán bộ của CCP trong khu vực này là phụ nữ.

Dẫu đây là những tín hiệu tích cực, tỉ lệ phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo vẫn còn thấp. Để thu hẹp khoảng cách này, UNODC đã hợp tác với Đại học RMIT xây dựng Chương trình Phát triển chuyên môn cho phụ nữ thuộc Chương trình Kiểm soát Container (CCP-WPDP) dành riêng cho các nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực kiểm soát biên giới ở Đông và Nam Phi.

Gần đây, chương trình mang tính đột phá và từng đoạt giải thưởng này đã quy tụ 46 nữ lãnh đạo tương lai về kiểm soát biên giới từ sáu quốc gia – Angola, Ghana, Kenya, Namibia, Tanzania và Uganda – trong vòng hai tuần.

Các học viên tham gia chương trình đến từ sáu quốc gia Đông và Nam Phi gồm Angola, Ghana, Kenya, Namibia, Tanzania và Uganda. Các học viên tham gia chương trình đến từ sáu quốc gia Đông và Nam Phi gồm Angola, Ghana, Kenya, Namibia, Tanzania và Uganda.

Thông qua nội dung giảng dạy trực tuyến đa dạng và nhiều hội thảo tương tác, CCP-WPDP tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển kỹ năng lãnh đạo, trở nên tự tin hơn và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp quan trọng trên quy mô khu vực.

Nhà sáng lập CCP-WPDP và Cán bộ chương trình UNODC Anne-Linn Jensen cho biết vạch ra hành trình lãnh đạo tích cực và tạo cơ hội mới cho phụ nữ là mục tiêu chính của chương trình.

“Các cán bộ kiểm soát biên giới ở khắp Đông và Nam Phi đang quản lý một danh mục các hoạt động rất phức tạp để bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện cho giao thương hợp pháp. Thông qua CCP-WPDP, chúng tôi tạo cơ hội cho các nữ lãnh đạo tương lai xây dựng mạng lưới tin cậy và củng cố vai trò lãnh đạo để chống lại các hoạt động vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp trên toàn cầu một cách hiệu quả hơn”.

Ông Phillip Dowler, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm An ninh xuyên quốc gia tại Đại học RMIT, nhận định:

“Thông qua chương trình CCP-WPDP được tổ chức lần đầu ở châu Phi, chúng tôi đã kết nối được những phụ nữ có động lực phấn đấu và vô cùng giỏi giang với những tấm gương đi trước từ các cơ quan quốc tế và khu vực tư nhân. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện cho các nữ lãnh đạo trang bị đầy đủ năng lực và sự tự tin để làm việc bình đẳng với các đồng nghiệp nam ở các vị trí điều hành và lãnh đạo”.

Các học viên của chương trình CCP-WPDP đã nhiệt tình đón nhận các cơ hội học hỏi và kết nối. Họ kết thúc khóa học với tư duy mới và các kỹ năng lãnh đạo quan trọng, cũng như tinh thần tự tin mới vào bản thân. Không chỉ vậy, họ còn tạo ra một mạng lưới chặt chẽ và đáng tin cậy trên quy mô khu vực để hỗ trợ và thúc đẩy hành trình lãnh đạo của chính họ.

Cô Gyllian Kwamboka Nyang’au, học viên đến từ Kenya với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh sân bay, chia sẻ sau khi hoàn thành chương trình: “Các hoạt động bất hợp pháp ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Để ngăn chặn và làm gián đoạn sự di chuyển bất hợp pháp của hàng hóa và con người, chúng ta cần phải đoàn kết chung tay. Không một cá nhân, cơ quan hay quốc gia riêng lẻ nào có thể làm điều đó một mình”.

“Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy quyết tâm và sẵn sàng để trau dồi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và cố vấn cho những nhà lãnh đạo tương lai. Tôi mong muốn rằng với tư cách là những người chị em cùng giữ nhiệm vụ kiểm soát biên giới, chúng ta sẽ tiếp tục cam kết thực hiện trọng trách cao cả là giữ vững an toàn biên giới quốc gia và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn cho chúng ta và các thế hệ mai sau”, cô nói.

Với kinh nghiệm 10 năm làm việc cho Ủy ban Kiểm soát ma túy Ghana, cô Elaina Annor-Agyapong đã tham gia một số khóa học phát triển chuyên môn quốc tế trong suốt sự nghiệp của mình tại cơ quan này. Cô cho rằng điều làm nên sự khác biệt của CCP-WPDP là việc chú trọng vào duy trì mạng lưới các nữ lãnh đạo kiểm soát biên giới, đẩy mạnh sự tham gia của nữ giới trong các khu vực nam giới chiếm đa số, và hỗ trợ lẫn nhau.

Cô cho biết: “Tôi đã được làm quen với 45 nữ cán bộ thực thi pháp luật khác – những người đồng cảm và thấu hiểu khó khăn của nữ giới làm lãnh đạo, và luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình lãnh đạo”.

Bài: Anneka Farrington, Anita Dodds và Hoàng Minh Ngọc

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan