Tân tiến sĩ chia sẻ về trải nghiệm RMIT

Tân tiến sĩ chia sẻ về trải nghiệm RMIT

Theo hai tân tiến sĩ người Việt mới tốt nghiệp Đại học RMIT, con đường đến với tấm bằng tiến sĩ là một hành trình phát triển bản thân không thể nào quên.

Đối với Tiến sĩ Võ Ngọc Thảo Nguyên và Tiến sĩ Trần Hà Uyên Thi, lễ tốt nghiệp năm 2021 của Đại học RMIT đã khép lại chặng đường học tập quan trọng nhất tính đến nay trong cuộc đời họ.

Hai nghiên cứu sinh nhận bằng tại lễ tốt nghiệp của Đại học RMIT ở Việt Nam năm nay đều đang là giảng viên đại học và đều bắt đầu chương trình tiến sĩ vào tháng 2/2017.

Trong khi Tiến sĩ Thi quyết định sang Úc sinh sống một vài năm để hoàn thành chương trình Tiến sĩ Chuỗi cung ứng & Logistics thì Tiến sĩ Nguyên lại lựa chọn hoàn thành luận án Tiến sĩ Kinh doanh ở Việt Nam. Tuy vậy, cả hai cho biết trải nghiệm quốc tế mà họ nhận được đều phong phú và đáng trân trọng.

Tiến sĩ Võ Ngọc Thảo Nguyên (phía trái) và Tiến sĩ Trần Hà Uyên Thi (phía phải) tại lễ tốt nghiệp của Đại học RMIT năm 2021.

Hiện đang là giảng viên Đại học Quốc tế Miền Đông ở Bình Dương, Tiến sĩ Nguyên đã nghiên cứu về thực trạng quản trị lợi nhuận ở các ngân hàng Châu Á - Thái Bình Dương cho luận án của mình.

Với hỗ trợ của Đại học RMIT, cô đã trình bày đề tài của mình tại Hội nghị khoa học dành cho nghiên cứu sinh do Hiệp hội Kế toán và Tài chính Úc và New Zealand tổ chức tại Brisbane (Úc) vào năm 2019.

Tiến sĩ Nguyên chia sẻ: “Đó là lần đầu tiên tôi được giao lưu với các giáo sư nổi tiếng như vậy trong lĩnh vực tài chính và kế toán. Kiến thức và đam mê của các giáo sư cũng như các bạn nghiên cứu sinh khác tại hội nghị đã tạo động lực giúp tôi cố gắng hơn nữa trên con đường mình đã chọn”.

“RMIT cũng đã hỗ trợ tôi tham dự hội thảo ở Mỹ và Ba Lan. Trong suốt quá trình học, tôi đã tận dụng được nguồn tài liệu và cơ sở dữ liệu toàn cầu dồi dào mà trường cung cấp. Nhìn lại thời gian qua, tôi cảm thấy mình học hỏi được thêm nhiều không chỉ về lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn mà còn về văn hóa và lịch sử nữa”, cô nói.

Tiến sĩ Võ Ngọc Thảo Nguyên (đứng thứ tư từ bên trái ở hàng sau) tại Hội nghị khoa học dành cho nghiên cứu sinh do Hiệp hội Kế toán và Tài chính Úc và New Zealand tổ chức vào tháng 7/2019.

Trong khi đó, Tiến sĩ Thi cho biết cô lựa chọn học tập tại Đại học RMIT vì uy tín của trường ở Úc.

“Thật tuyệt vời khi theo học tiến sĩ tại một nơi mà tôi vừa có thể nâng cao kiến ​​thức, vừa được tận hưởng môi trường đa văn hóa. Tôi rất biết ơn vì được làm việc với những giảng viên hướng dẫn cũng như những học giả và đồng nghiệp tuyệt vời. Họ là những người đã giúp tôi cán đích với tấm bằng tiến sĩ”, cô chia sẻ.

Luận án của Tiến sĩ Thi tập trung vào cách các tổ chức ở những nước đang phát triển đã và đang áp dụng mô hình phát triển bền vững xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam được lấy làm điển hình nghiên cứu.

Không chỉ nhận giải thưởng từ Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế (nơi Tiến sĩ Thi đang giảng dạy) cho luận án tiến sĩ hoàn thành trước thời hạn, đề tài nghiên cứu này cũng giúp giảng viên hướng dẫn của cô là Tiến sĩ Charles Lau giành Giải thưởng Hướng dẫn nghiên cứu sau đại học tại Đại học RMIT năm ngoái.

Khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Tiến sĩ Thi là một trong những hành khách trên chuyến bay hồi hương đầu tiên do RMIT phối hợp tổ chức đưa sinh viên và cán bộ giảng viên của trường về Việt Nam vào tháng 9/2020.

“Tôi rất cảm kích vì có cơ hội đoàn tụ với gia đình một cách an toàn. Trường đã cung cấp hỗ trợ tuyệt vời trong suốt quá trình học tập của tôi, bao gồm cả cơ hội nhận bằng tốt nghiệp tại Việt Nam”, cô cho biết.

Tiến sĩ Trần Hà Uyên Thi (đứng thứ hai từ trái) tại Hội nghị nghiên cứu sau đại học của Đại học RMIT năm 2019.

Tiến sĩ Thi và Tiến sĩ Nguyên cho rằng trải nghiệm học tiến sĩ ở Đại học RMIT có thể đem lại sự hài lòng như nhau dù theo học ở Úc hay Việt Nam.

“Lựa chọn nơi để học tiến sĩ là việc cần phải cân nhắc kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn trong ba đến bốn năm sau đó. Có thể bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ khi chọn đi du học, đặc biệt nếu gia đình bạn ở Việt Nam”, chia sẻ của Tiến sĩ Nguyên – vốn là người đầu tiên giành học bổng dành cho phụ nữ làm luận án tiến sĩ tại RMIT Việt Nam.

“Tôi tin rằng nếu bạn biết cách chủ động nắm bắt cơ hội thì thời gian học tiến sĩ tại RMIT sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ và đáng quý cho dù bạn chọn học tập ở cơ sở nào”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Học bổng
  • Tốt nghiệp
  • Phát triển bền vững
  • Sau Đại học

Tin tức liên quan