Viễn cảnh kinh tế Việt Nam sau COVID-19

Viễn cảnh kinh tế Việt Nam sau COVID-19

Dù đại dịch COVID-19 đang tác động khủng khiếp lên kinh tế toàn cầu, nền kinh tế mới nổi tại Việt Nam lại có những phản hồi tốt nhờ những hành động sớm từ phía Chính phủ.

news-vietnam-s-economic-outlook-after-covid-19 VI “Mọi thứ sẽ ít nhiều trở lại bình thường dù nhu cầu thấp khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm”.

Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, đã chia sẻ về những tác động to lớn của COVID-19 lên hoạt động kinh tế tại Việt Nam, cũng như phán đoán của ông về việc quay trở lại trạng thái bình thường trong phần hỏi đáp dưới đây.

Thưa Tiến sĩ John Walsh, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến ​giảm mạnh xuống còn 2,2% trong năm nay và sau đó tăng trở lại 6,3% vào năm 2021. Theo ông, đâu là lý do để lạc quan đến như vậy?

Ngân hàng Phát triển châu Á lãnh trách nhiệm đi đầu trong việc dự đoán và lập kế hoạch cho tương lai, đồng thời sẽ xem xét kịch bản tốt nhất cũng như các kịch bản khác. Chúng ta chứng kiến nhiều chính phủ trên khắp thế giới tuyên bố lạc quan về tương lai nền kinh tế nước họ, một phần để trấn an người dân và phần khác để trấn an thị trường. Tuy nhiên, khi thực tế thay đổi, dự đoán cũng phải thay đổi theo.

Nếu COVID-19 có thể được kiểm soát trên toàn cầu vào cuối quý 2, thì các dự đoán tích cực có thể được chứng minh là đúng. Tuy nhiên, dường như sự lạc quan này không có nhiều khả năng xảy ra. Sẽ có những thay đổi và ngay cả khi những thay đổi này là tốt cho toàn cục thì chúng sẽ vẫn làm đảo lộn những dự đoán kinh tế hiện nay.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới đây?

Rất khó để nhận định chắc chắn điều này vì nhiều yếu tố về đại dịch còn chưa rõ ràng. Liệu chủng virus này có tiếp tục biến đổi? Liệu có đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai không? Trong tương lai, những người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng liệu có lây nhiễm cho người khác không? Hiện chúng ta không thể biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên, vì mỗi đại dịch – theo đúng định nghĩa của từ này, thì mới và có thể hoàn toàn khác so với những đại dịch trước kia.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán về kinh tế Việt Nam ở giai đoạn nào đó trong tương lai khi dịch bệnh trên toàn thế giới giảm xuống và ổn định trở lại. Nếu nhìn một cách lạc quan, mọi thứ phần nào sẽ trở lại bình thường dù nhu cầu sẽ tiếp tục thấp khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm. Từ góc độ này, những nền tảng cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi và hoạt động thương mại đơn thuần sẽ được nối lại.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại cái nhìn bi quan hơn về tương lai. Mối quan hệ Trung – Mỹ có lẽ đang là tâm điểm chú ý. Nếu căng thẳng tăng cao, có thể sẽ có nhiều quốc gia muốn tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu – mảng gần đây bộc lộ tính dễ bị tổn thương, và theo đuổi chiến lược phi toàn cầu hóa. Nếu điều đó xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn trong dài hạn.

Theo ông, hiện Chính phủ nên ưu tiên gói hỗ trợ kinh tế nào? Ông nghĩ thế nào về gói hỗ trợ để kích cầu mà các nước khác đang áp dụng?

Chính phủ các nước khác đang đưa ra những gói kích cầu phản ánh nền kinh tế của từng nước, tuy nhiên, những gói kích cầu này đều có một số điểm chung. Một số chính phủ cam kết phân chia nguồn lực hợp lý hơn các nước khác. Một số phải đối mặt với nhiều phản kháng hơn từ các nhóm lợi ích bảo thủ; họ muốn đảm bảo giữ quyền kiểm soát phần lớn các nguồn lực của chính phủ. Không chính phủ nào không gặp phải những áp lực như vậy.

Điều quan trọng là cần xem xét toàn diện từng lĩnh vực. Vì vậy, nếu chính phủ quyết định hỗ trợ ngành nông nghiệp, họ cũng sẽ cần hỗ trợ tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, v.v. Tương tự với ngành du lịch, không chỉ hỗ trợ khách sạn và nơi lưu trú mà cả phương tiện đi lại, khu nghỉ dưỡng, bán lẻ và những dịch vụ cá nhân. Nhìn chung, sẽ tốt hơn nếu hỗ trợ những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm.

Một loạt các chính sách tài khóa và tiền tệ đang được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế. Ưu - khuyết điểm của các chính sách này là gì?

Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra được những phương án tốt để hỗ trợ nền kinh tế, thể hiện sự quyết đoán và hành động sớm.

Về mặt lãi suất, thật không may là trong hơn một thập kỷ qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng như khủng hoảng thắt lưng buộc bụng sau đó, các chính sách như giảm lãi suất trở nên kém hiệu quả hơn trước đây. Lãi suất hiện ở mức rất thấp ở khắp nơi trên thế giới và điều đó có nghĩa khi dùng biện pháp cắt giảm thêm sẽ kém hiệu quả trong việc việc điều tiết nền kinh tế.

Về thị trường lao động, Chính phủ đã đưa ra chính sách cần thiết hơn nhiều, kết hợp cả chính sách thị trường chủ động và thụ động. Chính sách thụ động bao gồm trợ cấp thất nghiệp để người dân có thể tiếp tục cuộc sống trong một thời gian mà không cần làm việc. Các chính sách chủ động hơn gồm cung cấp những chương trình đào tạo và nâng cấp kỹ năng để giúp người dân tìm việc làm mới.

Tuy nhiên, dù Chính phủ có biện pháp hay chính sách gì đi nữa, cần lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở nên thành công sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở các quốc gia khác nữa. Nếu các chính phủ khác không hành động thích hợp thì nỗ lực của một chính phủ riêng lẻ sẽ không thể đạt được thành công như mong đợi.

Về lâu dài, cần có sự phối hợp và hợp tác rộng lớn hơn nữa trong khối ASEAN để đưa ra các chính sách cho toàn khu vực hòng chống lại những khủng hoảng như hiện nay.

Trong khủng hoảng, chính sách tài khóa thường được ưu tiên. Vậy việc bơm tiền vào nền kinh tế và và hạ lãi suất có tác dụng không?

Chúng ta thấy Hoa Kỳ chi hàng tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia cảm thấy rằng số tiền này vẫn sẽ không đủ. Điều tương tự cũng đang diễn ra với các nước Tây Âu và sẽ sớm xảy ra với Nhật Bản. Vì vậy, sẽ sai lầm khi tuyên bố rằng Chính phủ Việt Nam có thể giải quyết những vấn đề này chỉ bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế. Điều này chắc chắn là cần thiết nhưng có lẽ sẽ không đủ để phục hồi hoàn toàn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chắc chắn đang giảm các hoạt động ở thời điểm hiện nay và đang gặp rắc rối về dòng tiền. Hầu hết các doanh nghiệp này sẽ có khả năng gặp khó khăn nghiêm trọng sau ba tháng nếu không có thu nhập. Có thể không thể cứu được tất cả những doanh nghiệp này nhưng cũng đáng nỗ lực giúp cứu càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.

Đầu tư công có thể được xem là giải pháp tốt hiện nay để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Đây là câu trả lời chính xác cho một nền kinh tế bị suy thoái. Đại diện các nhà đầu tư tư nhân -  chuyên gia kinh tế Paul Krugman giải thích rõ ràng nhất rằng suy thoái có thể cho thấy các nhà đầu tư mất tự tin, nghĩa là họ không có mong muốn đầu tư. Điều này khiến lượng tiền được lưu thông và vận tốc lưu thông giảm xuống, và một vòng xoáy luẩn quẩn bắt đầu. Các chính phủ phải hành động ở đây vì họ là những định chế lớn nên khó có thể đưa ra cam kết rồi lại không thực hiện. Hơn nữa, họ có thể chỉ cần in thêm tiền (thông qua nhiều phương tiện hợp pháp) nếu cần. Bơm tiền vào nền kinh tế giúp khôi phục niềm tin vào hệ thống nói chung và người thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu ngay lập tức, do đó làm tăng vận tốc lưu chuyển dòng tiền. Chúng ta đã thấy cách tiếp cận này thành công trong các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây, và hơn nữa, chúng ta đã thấy rằng cách tiếp cận ngược lại, thắt lưng buộc bụng hoặc giảm chi tiêu công, chưa bao giờ có hiệu quả.

Đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng là quy trình thường cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích để bắt đầu. Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, thì có thể đầu tư vào ngành giáo dục, ví dụ như đầu tư cải tạo các trường tiểu học trên cả nước.

Bài: Lê Mộng Thuý

  • Quản trị Nguồn Nhân lực
  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Phát triển bền vững
  • Quốc tế
  • Logistics

Tin tức liên quan