Năm gợi ý giúp cấp quản lý “vượt bão” khủng hoảng

Năm gợi ý giúp cấp quản lý “vượt bão” khủng hoảng

COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới điêu đứng. Bối cảnh đặc biệt này đẩy nhiều chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý vào tình thế phải “hy vọng vào điều tốt nhất nhưng cũng chuẩn bị cho điều xấu nhất”.

Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ một số gợi ý giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ các gián đoạn do COVID-19 gây nên.

1. Rà soát nguồn lực

Doanh nghiệp nên xem xét lại quy trình làm việc hiện tại và xác định những quy trình thiết yếu đối với vận hành. Từ đó, cấp quản lý có thể luân chuyển nguồn lực từ các bộ phận hỗ trợ sang những bộ phận thiết yếu hơn. Chẳng hạn, lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạm thời chuyển nhân viên bộ phận nghiên cứu thị trường sang bộ phận chăm sóc khách hàng.

2. Bảo vệ các vị trí trọng yếu

Cân nhắc chia cấp quản lý và nhân viên thành hai nhóm không tiếp xúc trực tiếp với nhau trong suốt giai đoạn khủng hoảng. Điều này rất quan trọng để có thể đảm bảo kinh doanh liên tục. Giám đốc điều hành không được tương tác trực tiếp với cấp phó của mình. Mỗi bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp cần phải có hai lãnh đạo và triển khai cách này tới mọi cấp quản lý từ cao đến thấp. Các quyết định và hành động nên được đưa ra và thực hiện bởi hai đồng lãnh đạo để có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một thành viên không thể tiếp tục làm việc.

3. Làm việc trực tuyến

Tận dụng các công cụ họp trực tuyến và thực hiện “cách ly xã hội” bằng cách cho phép nhân viên làm việc từ xa. Cấp quản lý thường có thể đưa ra quyết định hay thực hiện hành động mà không cần gặp gỡ trực tiếp trong phòng họp. May mắn là hiện có rất nhiều công cụ hỗ trợ, đôi khi còn miễn phí, để họp nội bộ hay với đối tác bên ngoài. Tất nhiên, điều này đòi hỏi cấp quản lý phải tin tưởng nhân viên của mình trong việc thực hiện chính sách làm việc từ xa, đồng thời cung cấp cho họ hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp. Thường thì chỉ cần một chiếc máy tính xách tay là nhân viên có thể tham gia họp trực tuyến.

4. Đẩy mạnh truyền thông

Cần thông tin một cách rõ ràng và kịp thời với toàn thể cán bộ nhân viên và các bên liên quan ngoài doanh nghiệp, bao gồm cả nhà cung cấp và khách hàng, về kế hoạch kinh doanh mới. Sự rõ ràng là điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng. Đừng quên chọn một kênh thống nhất để gửi thông điệp, tránh gây ra hiểu lầm không cần thiết.

5. Rút kinh nghiệm

Sau giai đoạn khủng hoảng, hãy đảm bảo doanh nghiệp rút ra được bài học kinh nghiệm. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp lên kế hoạch ứng phó với các khủng hoảng lớn nhỏ trong tương lai. Quá trình này sẽ giúp cấp quản lý hiểu rõ hơn về những rủi ro có thể gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp.

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Nghiên cứu

Tin tức liên quan