Tiến bộ công nghệ ảnh hưởng thế nào đến phiên dịch viên?

Tiến bộ công nghệ ảnh hưởng thế nào đến phiên dịch viên?

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Dương Thị Hoàng Oanh từ Đại học RMIT Việt Nam, phiên dịch viên lành nghề không cần lo bị công nghệ thay thế.

Đúng hơn, tiến bộ công nghệ sẽ tác động tích cực đến ngành phiên dịch.

Phó giáo sư Oanh, Giảng viên ngành Cử nhân Ngôn ngữ, cho biết phát triển công nghệ giúp phiên dịch viên thuận lợi hơn trong công việc.

Bà chia sẻ: “Thời trẻ, tôi từng phải lục tung cả cuốn từ điển chỉ để tìm nghĩa của một từ; Internet đã giúp việc này dễ dàng hơn nhiều. Công nghệ là công cụ quyền lực mà chúng ta cần hiểu, thông thạo và điểm mấu chốt là cần khai thác đúng mục đích. Phiên dịch viên có thể được lợi rất nhiều từ những công nghệ mới ra mắt và hoàn thành các dự án biên phiên dịch hiệu quả hơn”.

Phó giáo sư Dương Thị Hoàng Oanh trong một giờ học của chương trình Cử nhân Ngôn ngữ. Phó giáo sư Dương Thị Hoàng Oanh trong một giờ học của chương trình Cử nhân Ngôn ngữ.

Google Translate (ứng dụng dịch đa ngôn ngữ miễn phí) ra mắt năm 2002 đã đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên mới trong công nghệ dịch thuật. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa dịch thuật bằng máy và bởi con người, và bản dịch trên máy phải được kiểm tra lại và thường xuyên phải viết lại toàn bộ.

Phó giáo sư Oanh cho biết: “Phiên dịch viên không chỉ thành thạo ngôn ngữ mà còn phải có kiến thức chuyên ngành, am hiểu văn hóa, khả năng tương tác và cảm xúc. Vì vậy, công nghệ sẽ khó thay thế con người, ít nhất là với thế hệ này. Theo tôi, một phiên dịch viên giỏi cần thông thạo ngoại ngữ phải dịch và thể hiện như người bản ngữ. Ngoài ra, phiên dịch viên phải có trí nhớ tốt, kỹ năng ghi chú và trình bày hiệu quả”.

Sinh viên lớp phiên dịch sử dụng nguồn tài liệu trực truyến để hoàn thành bài tập. Sinh viên lớp phiên dịch sử dụng nguồn tài liệu trực truyến để hoàn thành bài tập.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh), giai đoạn 2017-2025, mỗi năm thành phố cần khoảng 1.000 biên phiên dịch viên đạt chuẩn. Điều này có nghĩa các chuyên gia ngôn ngữ sẽ có thêm nhiều cơ hội làm việc mới trong những lĩnh vực chuyên biệt khác nhau, đặc biệt với cách mạng công nghệ thông tin và xu hướng hội nhập của thế kỷ 21.

Phó giáo sư kết lời: “Gia tăng hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhu cầu lớn về biên dịch và phiên dịch, đồng thời rộng cửa cho bất kỳ ai đam mê lĩnh vực này. Tôi sống với châm ngôn 'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh' và tôi tin câu tục ngữ này vẫn giữ nguyên giá trị với ngành biên phiên dịch ngày nay”.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Ngôn ngữ

Tin tức liên quan