Thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong các lĩnh vực có nhu cầu cao

Thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong các lĩnh vực có nhu cầu cao

Theo Tiến sĩ Divya Juneja, giảng viên Quản trị nguồn nhân lực, Đại học RMIT, cần nỗ lực của cả tập thể trong việc lấp đầy khoảng cách kỹ năng của nguồn nhân lực, để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn trong tương lai.

[Trong bài viết dưới đây, Tiến sĩ Juneja đã diễn giải cho nhận định trên và tổng hợp ý kiến chia sẻ của một số chuyên gia khác.]

Trong vài năm qua, nền kinh tế trong nước đã tăng trưởng đáng kể. GDP của Việt Nam ước tính tăng từ 304,47 tỉ đô la Mỹ năm 2018 lên 657,28 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào và khả năng kết nối toàn cầu đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học RMIT, cho biết các doanh nghiệp FDI quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro. Do đó, các doanh nghiệp này xem trọng ứng viên sở hữu những kỹ năng có thể giúp các bên liên quan nâng cao năng suất, tính minh bạch và an toàn tài chính. 

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng giám đốc HR2B, cho biết: “Điều quan trọng là lực lượng lao động phải có bộ kỹ năng phù hợp để thu hút vốn FDI. Càng được đảm bảo rằng rằng lực lượng lao động được trang bị đầy đủ các kỹ năng phù hợp với chiến lược kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ càng tự tin hơn đầu tư vào Việt Nam”.  

Nỗ lực của cả tập thể đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động (hình: Freepik).  Nỗ lực của cả tập thể đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động (hình: Freepik). 

Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT, cũng cho biết: “Thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Từ những gián đoạn do công nghệ, doanh nghiệp phải tạo ra các chiến lược nhân sự toàn diện và hiệu quả. Đó là điều cực kỳ quan trọng trong thời đại kỹ thuật số này”.  

Tuy nhiên, vấn đề chính mà hầu hết các nhà tuyển dụng đang gặp phải đều liên quan đến kỹ năng hiện có tại thị trường Việt Nam. 

Kỹ năng phân tích và kỹ thuật số của người Việt đã được cải thiện theo thời gian. Thế nhưng, theo khảo sát của TalentNet, 61% các công ty tin rằng họ không thể tìm được đúng người có kỹ năng vào đúng thời điểm. Hiện có rất ít ứng viên sở hữu kỹ năng có thể sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay. Theo khảo sát, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân viên có tay nghề cao khi tái cấu trúc bộ máy nhân sự theo các chương trình cải cách. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên với hiện trạng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự lành nghề. 

“Thuê ngoài trở thành phương án chủ yếu thỏa lấp yêu cầu về nhân công lành nghề. Phương án này hiệu quả nhưng cũng tốn kém và khiến quá trình học hỏi tiến bộ của nhân sự Việt chậm lại”, Tiến sĩ Velasquez nói.  

Bà Trần Thu Thảo, chuyên viên Tuyển dụng và Đào tạo nhân sự tại Navigos Group, cho biết: “Theo Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group, các công việc mới trong tương lai nghiêng về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Vì vậy, các nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật, khoa học máy tính sẽ tiếp tục thiếu hụt nhân lực trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao”. 

Ngành khách sạn và du lịch cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc tuyển dụng lao động tay nghề cao. Một trong những nguyên nhân là do lượng sinh viên đăng ký học ngành du lịch sụt giảm. Xu hướng này đã xuất hiện từ trước đại dịch, tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thu hút được sinh viên. Ngành phải tuyển dụng nhân sự từ các ngành khác để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt, song khoảng cách về kỹ năng thì vẫn còn. Ngành này cần những người có tay nghề cao ở mọi cấp độ để đáp ứng mong đợi của khách hàng và phục vụ họ tốt hơn. 

Sản xuất và chăm sóc sức khỏe là những ngành khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch về kỹ năng này là giáo dục Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong việc theo kịp nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.  

Nhu cầu ngày càng tăng về ngoại ngữ cũng là một thách thức khác, khi chỉ một phần nhỏ lực lượng lao động Việt Nam thông thạo tiếng Anh.  

Quan trọng là cần phải triển khai đào tạo thực tế, chẳng hạn như theo dự án và học tập tích hợp với công việc thực tế (hình: Freepik). Quan trọng là cần phải triển khai đào tạo thực tế, chẳng hạn như theo dự án và học tập tích hợp với công việc thực tế (hình: Freepik).

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc AIMS International Việt Nam, cho biết: “Trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút nhiều du khách và doanh nghiệp đến từ Đông Á, thị trường việc làm không chỉ cần những người thông thạo tiếng Anh mà cả các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Hàn”. 

Cả nước đang ở thời kỳ “dân số vàng” với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi, điều này đặc biệt thu hút FDI bởi lực lượng lao động trẻ và năng động. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đầu tư vào các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực, các chương trình giáo dục và đào tạo nghề để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng. 

Những sáng kiến nhằm nâng cao và đào tạo lại kỹ năng kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình, an toàn thông tin và trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội cho các cá nhân cải thiện khả năng làm việc và tạo khác biệt cho các lĩnh vực đang phát triển này. 

Tiến sĩ Han cho biết: “Đào tạo thực tiễn và có tính ứng dụng, chẳng hạn như học hỏi từ dự án thực tế là đặc biệt cần thiết trong kỷ nguyên AI và công nghệ robot tiên tiến. Đặc biệt vì cách thức này có thể giúp sinh viên hình thành các kỹ năng về con người như giao tiếp và phục hồi, đây có thể là những kỹ năng trọng yếu trong thị trường việc làm tương lai đang bị công nghệ làm cho gián đoạn”.  

Một khi khoảng cách được thu hẹp, khu vực tư nhân sẽ dễ dàng tiếp cận với các chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh. Ngoài ra, các tổ chức giáo dục sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc tài trợ, giúp nghiên cứu và giảng viên của họ theo sát những thách thức trong thế giới thực. Bằng cách hợp tác với nhau, các tổ chức này có thể xác định chính xác năng lực mà các lĩnh vực khác nhau cần nhằm đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động. 

Bài: Tiến sĩ Divya Juneja, giảng viên Quản trị nguồn nhân lực, RMIT Việt Nam 

Tin tức liên quan