Sinh viên Việt Nam thắng giải tại cuộc thi quảng cáo quốc tế

Sinh viên Việt Nam thắng giải tại cuộc thi quảng cáo quốc tế

Sinh viên Đại học RMIT Việt Nam một lần nữa chinh phục đấu trường sáng tạo quốc tế với giải Đồng tại Young Stars AD Competition 2022.

Được tổ chức bởi Liên hoan MAD STARS (tên cũ: AD STARS), Young Stars AD Competition kêu gọi sinh viên các trường đại học trên toàn thế giới nộp ý tưởng sáng tạo dựa trên một chủ đề cụ thể.

Đề bài năm nay là lập chiến dịch giúp thành phố Busan của Hàn Quốc giành quyền đăng cai Triển lãm Thế giới (World Expo) năm 2030.

Là đội duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách các đội chiến thắng năm nay, Nguyễn Duo gồm sinh viên Nguyễn Khắc Hải Linh và Nguyễn Trọng Nhân đã giành giải Đồng cho ý tưởng ‘Unseen Version Of BusaN’ (tạm dịch: ‘Một Busan chưa từng được thấy’), viết tắt là ‘UV ON’.

Nguyễn Trọng Nhân (bên trái) và Nguyễn Khắc Hải Linh (bên phải) đã giành giải Đồng cuộc thi Young Stars AD Competition 2022. Nguyễn Trọng Nhân (bên trái) và Nguyễn Khắc Hải Linh (bên phải) đã giành giải Đồng cuộc thi Young Stars AD Competition 2022.

Ý tưởng của đội là kể những câu chuyện chưa từng thấy của Busan ở một nơi được nhìn thấy bởi tất cả đại diện của 169 quốc gia sẽ bỏ phiếu vào tháng 11/2023 để chọn ra thành phố đăng cai Triển lãm Thế giới 2030 – bộ hồ sơ dự thầu triển lãm. Bằng cách dùng mực tàng hình [loại mực chỉ hiện lên khi có tia UV chiếu vào] để in đè lên hồ sơ dự thầu gốc, đội thi tôn vinh sự chuyển mình vốn thường bị bỏ qua của thành phố Busan.

Mỗi trang đôi trong bộ hồ sơ dự thầu ban đầu chỉ cho thấy hình ảnh của Busan trước giai đoạn phát triển, nhưng sau khi đèn UV chiếu vào, trang tài liệu sẽ tiết lộ sự biến đổi kỳ diệu của thành phố.

Đôi bạn họ Nguyễn đã có khoảng sáu tuần để hình thành ý tưởng và trong số các định dạng có thể dùng để trình bày ý tưởng, hai bạn đã quyết định thực hiện một đoạn video. Và để hoàn thành video kịp thời, hai bạn đã chia ra - một người phụ trách phần viết và người kia xử lý phần hình ảnh.

Bộ đôi tiết lộ đã áp dụng 'tư duy ngược dòng' trong cách tiếp cận để phân tích đề bài. Busan đang phải cạnh tranh với các thành phố như Rome (Italia) và Riyadh (Ả Rập Xê Út) để giành quyền đăng cai Triển lãm Thế giới 2030. Vì vậy, hai bạn đã thu thập thông tin từ các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu hiện có, và nhận ra một sự thật nổi bật: Busan từ một bến đỗ cho người tị nạn chiến tranh đã trở thành cảng lớn thứ sáu thế giới.

“Đó là một sự chuyển mình mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng lớn và đặc biệt đồng điệu với Việt Nam, một đất nước cũng từng bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, câu chuyện về sự biến đổi kỳ diệu của Busan thường bị bỏ qua hoặc không được kể lại”, Nhân nói.

Đội thi nhận ra rằng nếu Busan muốn giành được quyền đăng cai, vốn được quyết định bởi 169 thành viên có quyển biểu quyết của Tổ chức Triển lãm thế giới (BIE), thì những người dân bình thường trên đường phố sẽ không phải là đối tượng họ cần tiếp cận. Đối tượng mục tiêu của họ phải là các thành viên có quyền biểu quyết của BIE.

Linh giải thích: “Chúng tôi nghĩ các thành viên được biểu quyết có thể không chú ý đến K-pop hoặc các biển quảng cáo cầu kỳ. Nhưng một phần công việc không thể tránh khỏi của họ là xem hồ sơ dự thầu do các thành phố ứng tuyển nộp để làm cơ sở cho quá trình biểu quyết. Vì vậy, chúng tôi nảy ra ý tưởng: tại sao không kể câu chuyện chưa từng thấy về Busan trong một cuốn tài liệu mà tất cả các thành viên BIE đều nhìn thấy? Khi đó, chính phương tiện thể hiện sẽ trở thành thông điệp”.

Linh và Nhân nghĩ ra ý tưởng biến bộ hồ sơ dự thầu gốc (bên trái) thành phiên bản chưa từng thấy của Busan – ‘Unseen Version Of BusaN’ (bên phải) bằng mực tàng hình và đèn UV. Bộ hồ sơ dự thầu gốc (bên trái) biến thành phiên bản chưa từng thấy của Busan – ‘Unseen Version Of BusaN’ (bên phải) bằng mực tàng hình và đèn UV.

Nhân và Linh hiện đều đang học năm thứ hai ngành Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp).

Hai bạn quen nhau từ học kỳ đầu tiên ở trường đại học và dự một số lớp học chung. Tại đây, các giảng viên đã khơi dậy trong hai bạn niềm đam mê với ngành quảng cáo và hứng thú với các cuộc thi.

Kể từ đó, Nhân và Linh đã thử thách bản thân với nhiều cuộc thi khác nhau, trong đó có D&AD và Vietnam Young Lions. Tuy nhiên phải đến Young Stars thì họ mới giành chiến thắng chung đầu tiên.

Hai bạn cho biết: “Chúng tôi coi mỗi cuộc thi như một cơ hội để thực hành kiến thức, trau dồi kỹ năng và tiếp xúc với các doanh nghiệp và tổ chức”.

“Đặc biệt, chủ đề của cuộc thi Young Stars năm nay vô cùng thu hút chúng tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội đưa ra ý tưởng để quảng bá cả một thành phố hay quốc gia. Sẽ thật tuyệt nếu như chúng tôi có thể áp dụng kinh nghiệm này để quảng bá quê hương Việt Nam thân yêu trong tương lai”.

Tiến sĩ Farida Kbar, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Hai năm vừa qua thật sự là khoảng thời gian đáng tự hào đối với sinh viên Khoa Truyền thông và Thiết kế. Các em đã giành được năm giải thưởng toàn cầu lớn cùng với các giải thưởng cao nhất tại cuộc thi lớn nhất toàn quốc về lĩnh vực sáng tạo”.

“Đây là minh chứng cho thấy những tài năng lớn đang trỗi dậy từ Việt Nam. Tương lai của lĩnh vực sáng tạo nơi đây rất tươi sáng nhờ những các bạn trẻ, những người sẽ tiếp tục vượt qua giới hạn bản thân và chia sẻ ý tưởng tuyệt vời của mình với cộng đồng sáng tạo toàn cầu”, cô nói thêm.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Thành tích

Tin tức liên quan