HLV Park Hang-seo – từ cánh gà đến bục vinh quang

HLV Park Hang-seo – từ cánh gà đến bục vinh quang

Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia và U23 Việt Nam đã gặt hái được những thành công lẫy lừng từ năm 2017, với công lao không nhỏ là nhờ nghệ thuật lãnh đạo ‘papa leadership’, qua cách ông Park đối đãi với các cầu thủ như một người cha.

Mùa hè năm 2002, cả đất nước Hàn Quốc bừng bừng khí thế như núi lửa phun trào sau khi đội tuyển bóng đá nam của chúng tôi đánh bại Tây Ban Nha ở trận tứ kết World Cup 2002. Ngay sau trận đấu, tôi đáp chuyến bay sang Việt Nam thăm cha mẹ đang sinh sống ở đây. Dù đó mới là lần thứ hai tôi đến Việt Nam, không khó để cảm nhận được niềm đam mê bóng đá của người dân nơi đây khi mà bất kể ngày đêm, luôn có những người ngồi trên các con phố hay trong quán cà phê để xem bóng đá.

Nhưng người hâm mộ bóng đá bây giờ có lẽ không nhận ra HLV Park Hang-seo yêu dấu là người từng đứng sau câu chuyện thành công của đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup năm ấy. Quả thực, thời điểm đó ông không được công chúng chú ý đến vì ông “chỉ là” một trong số các trợ lý huấn luyện viên. Song nhiều người trong giới bóng đá lại cho rằng tuy không lộ liễu, HLV Park từng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối ông Guus Hiddink – huấn luyện viên trưởng người nước ngoài vào thời điểm đó và các cầu thủ Hàn Quốc, vì giữa họ vướng rào cản về giao tiếp và văn hóa.

Sau thành công mới nhất mà HLV Park vừa đạt được ở SEA Games 2022, có lẽ chúng ta nên cùng nhìn lại lý do khiến ông trở thành một lãnh đạo tài ba.

Ông Park Hang-seo mỉm cười trên một sân bóng Bóng đá Việt Nam đã đạt được những đỉnh cao mới trên trường quốc tế dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo. (Ảnh: Shutterstock)

Tôi sang Việt Nam sinh sống vào năm 2003. Kể từ đó, Việt Nam vẫn luôn là nơi tôi có thể thoải mái giao lưu và chia sẻ các giá trị và văn hóa của bản thân. Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, có thể do các giá trị Khổng giáo ảnh hưởng nhiều đến cả hai nước. Trên thực tế, các tài liệu về lý thuyết lãnh đạo cho thấy người dân ở các quốc gia ảnh hưởng bởi giá trị Khổng giáo thường có xu hướng mong đợi lãnh đạo của họ đóng vai trò như là một người cha.

Nói cách khác, khi lãnh đạo vừa rộng lượng vừa có khả năng giao tiếp và dẫn dắt như một người cha hay người mẹ tử tế và đáng kính, mọi người sẽ bị cuốn hút và có động lực hoàn thành công việc tốt hơn mong đợi.

Phong cách lãnh đạo của HLV Park chính là ‘lãnh đạo như người cha’ (hay ‘papa leadership’ trong tiếng Anh) cũng vì lý do này. Các phương tiện truyền thông từng đăng rất nhiều câu chuyện về cách ông luôn nỗ lực xây dựng tình cảm gắn bó như gia đình giữa thành viên các đội bóng mà ông dẫn dắt, cũng như về những hành động thể hiện sự quan tâm và tử tế của ông đối với các cầu thủ.

Quả thật, mỗi khi các cầu thủ Việt Nam ghi bàn hay sút trượt, những phản ứng và cử chỉ đầy xúc cảm của HLV Park trên truyền hình khiến không chỉ toàn đội mà tất cả khán giả phải xúc động. Đôi khi HLV Park giống như một “ông bố cuồng bóng đá” – không bao giờ bỏ lỡ một trận bóng nào của con trai mình và khóc cho mọi thành công cũng như sai lầm.

Tuy vậy, nếu chỉ là một người cha tốt bụng thôi thì HLV Park cũng không thể gặt hái được nhiều thành công đến vậy. Trong thời gian đồng hành cùng World Cup 2002, ông Park đã học hỏi được cách ông Guus Hiddink phá vỡ văn hóa độc hại coi trọng các mối quan hệ hơn thành tích, vốn từng khiến các cầu thủ mất đi động lực cố gắng hết mình. HLV Park là một người cha thân thiện, luôn khiến các cầu thủ mỉm cười và gắn kết như một tập thể, nhưng ông cũng là một nhà lãnh đạo khoa học và công bằng – một người luôn đưa ra quyết định dựa trên thực tế và lẽ phải, một người luôn khuyến khích và gửi thông điệp rõ ràng rằng nỗ lực của các cầu thủ sẽ được đánh giá cao trong thực tế.

Câu chuyện của HLV Park có thể truyền cảm hứng đặc biệt cho những người nước ngoài đang điều hành các tổ chức đa quốc gia tại Việt Nam vì gợi ý cho họ cách bồi đắp khả năng lãnh đạo phù hợp hơn với tình huống dựa trên các giá trị như sự hào phóng, tính kết nối, và quyết định khoa học và bình đẳng.

Đây cũng có thể là một bài học quan trọng cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, bởi mô hình doanh nghiệp chủ đạo tại đây là doanh nghiệp gia đình. Mô hình doanh nghiệp này vốn gặp phải khá nhiều lời chỉ trích vì có thể cổ xúy cho chủ nghĩa gia đình trị và cách đối xử thiên vị, làm giảm động lực và hiệu suất làm việc của nhân viên.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có được một nhà ‘lãnh đạo như gia đình’ phù hợp, đối xử công bằng và bình đẳng với mọi người, thì đây có thể là cách tiếp cận tốt nhất để truyền cảm hứng cho nhân viên nỗ lực vì thành công của tổ chức. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các thế hệ trẻ như Gen Z lấy động lực nhiều hơn từ tính công bằng và bình đẳng, giúp nhấn mạnh thêm về bài học bình đẳng – ‘lãnh đạo như người cha’ cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trở lại với HLV Park, tôi đang hào hứng đón chờ xem ông sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia tiến xa đến nhường nào và phong cách ‘lãnh đạo như người cha’ của ông sẽ trở nên phổ biến ra sao. Trong lúc chờ đợi, hãy cùng tiếp tục lan tỏa niềm vui mừng khôn xiết khi nhìn ông Park nhảy cẫng lên và giơ nắm đấm lên trời để ăn mừng mỗi khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn.

Bài: Tiến sĩ Han Jung Woo

Giới thiệu tác giả

Tiến sĩ Han Jung Woo là quyền Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam. Trước khi bắt đầu làm việc ở RMIT vào năm 2019, ông từng công tác tại các cơ sở giáo dục đại học từ Anh, Mỹ và Singapore trong 10 năm. Ông nhận bằng Cử nhân Thương mại và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ Đại học RMIT, cũng như bằng Thạc sĩ Khoa học về Kế hoạch chiến lược và Tiến sĩ Quản trị kinh doanh từ Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh).

  • Quản trị Nguồn Nhân lực

Tin tức liên quan