Khai sáng chánh niệm từ góc nhìn khoa học

Khai sáng chánh niệm từ góc nhìn khoa học

Chánh niệm, tâm chỉ gắn liền với Phật giáo truyền thống, ngày càng được đón nhận, nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực bao gồm y tế và nhiều lĩnh vực khác trên khắp thế giới. Nghiên cứu viên từ Đại học RMIT đã tạo ra một bản đồ hệ thống nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát về các định nghĩa và phân loại chánh niệm trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khác nhau của khoa học hiện đại.

Kết quả từ nghiên cứu có ý nghĩa hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách y tế thiết lập quy định và tiêu chuẩn để quản lý ứng dụng chánh niệm trong y học - xác định xem liệu chánh niệm là phương pháp điều trị bệnh hay liệu pháp tâm lý (hay cả hai) trong lâm sàng, đồng thời đưa ra tiêu chí đánh giá khoa học cho việc thực hành chánh niệm đại trà. Kết quả còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu chọn ra khái niệm và thang đánh giá phù hợp nhất cho từng nghiên cứu.

Phan Nhật Trâm (bút danh Phan-Lê Nhật Trâm), chủ nhiệm nghiên cứu và nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học RMIT, chia sẻ rằng trong y tế, chánh niệm hiện là xu hướng được sử dụng như một phương pháp điều trị lâm sàng và can thiệp y tế, không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho nhân viên y tế.

“Chánh niệm được xem là một công cụ để ngăn ngừa và điều trị bệnh, tăng khả năng đối phó với cơn đau và bệnh mãn tính, cũng như giảm căng thẳng”, cô nói.

“Đối với nhân viên y tế, chánh niệm đôi khi được bao gồm trong đào tạo chăm sóc sức khỏe nhằm giảm căng thẳng, nuôi dưỡng lòng nhân từ hay sự cảm thông với bệnh nhân, và giảm thiểu sai sót y tế. Bên cạnh lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chánh niệm còn được thực hành rộng rãi trong trường học, nhà tù, các tập đoàn, các đội chơi thể thao và qua ứng dụng điện thoại”.

Chánh niệm đã trở thành một ngành công nghiệp với vốn hóa lên đến hàng tỉ đô la. Tính đến tháng 5/2020, hơn 20.000 cuốn sách về chánh niệm được bán ra trên Amazon, quảng bá lợi ích của việc ngủ trong chánh niệm, dạy trong chánh niệm, vẽ trong chánh niệm, lãnh đạo trong chánh niệm, và một quốc gia có chánh niệm (sách A Mindful Nation của Tim Ryan),... Và Headspace, ứng dụng phổ biến nhất về thực hành chánh niệm, có tới 31 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo Trâm, hiện tồn tại tranh luận liên quan đến việc “thao túng” và lạm dụng chánh niệm, đặc biệt là trong y học.

Trâm chia sẻ: “Một số nhà nghiên cứu Phật giáo đưa ra ý kiến rằng những thực hành chánh niệm đại trà hiện nay tự nhận hoặc đánh đồng với thực hành chánh niệm nguyên thuỷ trong Phật giáo mà không tuân thủ theo quy chuẩn đạo đức, tỉnh giác, quán tâm, quán pháp, v.v. phản ánh trong Phật giáo truyền thống. Một số nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm ‘Chánh niệm mì ăn liền’ để chỉ trích việc dùng cụm từ chánh niệm một cách đại trà như một hình ảnh tiếp thị cho lối sống lý tưởng”.

Mặc dù hiện chưa có định nghĩa chính thức nào của chánh niệm được đồng thuận hoàn toàn trong nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu chỉ ra một định nghĩa có ảnh hưởng quan trọng trong mảng chăm sóc sức khỏe được trích dẫn hơn 4.000 lần trên Google Scholar (số liệu được cập nhật đến tháng 7/2022) theo chương trình Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR) phát triển bởi Giáo sư Jon Kabat-Zinn.

Theo đó, chánh niệm được định nghĩa là “sự nhận thức và quan sát trải nghiệm trong thời điểm hiện tại một cách không phán xét, bao gồm cảm giác cơ thể, tình trạng tinh thần nội tại, suy nghĩ, cảm xúc, xung động và ký ức, nhằm giảm khổ hạnh và mang đến an lạc”.

“Theo trường phái tư tưởng này, chánh niệm được định nghĩa như một hành động hay hành vi mang đến kết quả về mặt tình cảm và nhận thức”, Trâm giải thích.

Mặc dù định nghĩa của Giáo sư Kabat-Zinn hữu ích trong chương trình MBSR của ông, định nghĩa này không toàn vẹn trong bối cảnh cuộc sống thường nhật khi chánh niệm là một lối sống hay một đặc điểm tính cách. Các định nghĩa khác cũng gặp vấn đề tương tự. Vì vậy, có rất nhiều tranh luận xoay quanh việc cái gì là chánh niệm và cái gì không phải chánh niệm trong các bối cảnh và lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Những định nghĩa khác nhau và những lĩnh vực không rõ ràng cản trở việc nghiên cứu và ứng dụng chánh niệm liên ngành. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là đưa ra các lĩnh vực nghiên cứu hiện nay về chánh niệm và định nghĩa phù hợp của chánh niệm trong từng lĩnh vực.

Nghiên cứu của nhóm gồm hai giai đoạn: thực hiện tổng quan tài liệu đa chiều phân loại các chánh niệm khác nhau (giai đoạn 1) và xây dựng một bản đồ nội dung hoàn chỉnh bằng phần mềm khai thác dữ liệu (giai đoạn 2).

Kết quả nghiên cứu từ giai đoạn 1 cho thấy có ba nhóm phân loại chánh niệm gồm: 

  1. Tác động ngắn hạn của chánh niệm
  2. Tác động dài hạn của chánh niệm
  3. Thực hành chánh niệm

Tác động ngắn hạn của chánh niệm nhìn vào ảnh hưởng của hoạt động này đối với một trạng thái nhất định của tâm trí. Thực hành thuộc lĩnh vực này đa phần trong bối cảnh lâm sàng và có chủ đích với phần mô tả có chung các yếu tố: mục đích hoặc ý định, thời điểm hiện tại và không phán xét.

Tác động lâu dài của chánh niệm xem xét tác động của hoạt động này lên các đặc điểm và hành vi bao gồm nhận thức về bản thân, hình thành khái niệm và siêu nhận thức. Tác động lâu dài bao hàm kết quả của thực hành chánh niệm, chẳng hạn như khả năng tập trung vào trải nghiệm hiện tại, tâm trí khai mở và nhận thức về bản thân. Lĩnh vực này bao gồm các yếu tố như nhận thức và chú ý, cũng như chủ ý và mục đích, nhưng được hình thành dựa trên ý tưởng rằng những kỹ năng này có thể được dạy, để dẫn đến trải nghiệm nâng cao.

Cuối cùng là các phương pháp thực hành chánh niệm, bao gồm nguồn gốc và quá trình sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Hầu hết nghiên cứu trong lĩnh vực này quan tâm đến việc liệu một thực hành chánh niệm nào đó có được thực hành hay nghiên cứu theo một quy trình khoa học hay tôn giáo đã được thiết lập hay không. Tranh luận chính trong lĩnh vực thực hành chánh niệm là liệu các phương pháp thực hiện chánh niệm đương thời có đang tước bỏ các giá trị đạo đức của các phương pháp thực hành Phật giáo/Ấn độ giáo nguyên thủy hay không. Vì lẽ đó, tranh luận trong lĩnh vực này là về nhận thức luận, tiên đề học và sự xứng đáng được xem là đạo đức hay không của cái gọi là và không gọi là “chánh niệm” từ các khía cạnh khác nhau. Trong bối cảnh này, tiên đề học bao hàm cả giá trị đạo đức và thẩm mỹ. 

news-1-light-up-mindfulness-from-a-scientific-perspective Các nghiên cứu viên Đại học RMIT đề xuất một bản đồ khái niệm chia nghiên cứu chánh niệm đương thời thành bốn lĩnh vực riêng biệt: sức khỏe tinh thần/hạnh phúc, thay đổi hành vi, khoa học thần kinh/nhận thức và những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu và thục hành chánh niệm.

Tuy nhiên, kết quả từ bản đồ nội dung ở giai đoạn 2 cho thấy chánh niệm đương đại được chia thành bốn lĩnh vực riêng biệt gồm: (1) sức khỏe tâm thần/hạnh phúc, (2) thay đổi hành vi, (3) khoa học thần kinh/nhận thức, và (4) những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu và thực hành chánh niệm.

Lĩnh vực đầu tiên và nổi trội nhất trong nghiên cứu chánh niệm -- lĩnh vực sức khỏe tâm thần và hạnh phúc chủ yếu đề cập đến việc dùng chánh niệm như một phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần và được nghiên cứu như một phương tiện giải quyết các tình trạng bệnh lý và những vấn đề liên quan đến y học.

Trọng tâm chính của lĩnh vực thứ hai là ảnh hưởng của chánh niệm lên việc thúc đẩy thay đổi hành vi đối với các mối quan tâm về môi trường/xã hội, liệu pháp hành vi và kiểm soát hạnh phúc về lâu dài.

Nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh/nhận thức quan tâm đến sự điều chỉnh chánh niệm ở các cấp độ nhận thức, cũng như tác động của chánh niệm lên não. Đây là chủ đề được y học hóa nhiều nhất, khi cả bác sĩ và nhà tâm lý học đều kiểm tra tác động của chánh niệm đối với một loạt quy trình như lão hóa khỏe mạnh, cấu trúc não và trạng thái tinh thần có nguy cơ cao.

Nghiên cứu trong chủ đề cuối cùng – những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu và thực hành chánh niệm bao gồm các nghiên cứu về giá trị cốt lõi và các phương pháp thực hành của chánh niệm.

Trâm cho biết so với cách phân chia cũ, bốn lĩnh vực nghiên cứu này trình bày một phương thức tiếp cận thực tế giúp giảm sự chồng chéo và trùng lặp hiện có giữa các lĩnh vực, và tạo cơ hội giúp các phương pháp và hướng tiếp cận nghiên cứu rõ ràng về mặt khái niệm.

“Sự rành mạch này mang lại cơ hội trao đổi ý tưởng giữa các lĩnh vực trong nghiên cứu tương lai, cho phép tăng cường hiểu biết về lý thuyết và ứng dụng của chánh niệm từ nhiều khía cạnh”, cô nói.

“Ví dụ, cụm các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu và thực hành chánh niệm khác biệt với cụm khoa học thần kinh nhận thức. Vậy nên, định nghĩa về chánh niệm ở hai cụm này khác nhau vì chúng tồn tại trong các bối cảnh lý thuyết khác nhau. Mặt khác, cụm khoa học thần kinh và cụm thay đổi hành vi chia sẻ một kết nối mạnh cho thấy các yếu tố chung trong định nghĩa của hai cụm này, là tiềm năng để phát triển thêm trong các dự án hoặc chương trình trị liệu liên ngành”.

Nhóm tin rằng việc tìm ra các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau của chánh niệm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thiết kế nghiên cứu liên ngành.

Là sinh viên từng dành học bổng Chevening, cựu sinh viên RMIT Việt Nam và người sáng lập thương hiệu chăm sóc cá nhân bền vững Herb n’Spice, Phan Nhật Trâm hứng thú nghiên cứu nhiều lĩnh vực từ chánh niệm, phát triển bền vững và hành vi người tiêu dùng.

Nghiên cứu đầu tiên của cô với tư cách chủ nhiệm nhóm nghiên cứu với sự hướng dẫn của hai học giả từ Đại học RMIT Giáo sư Linda Brennan và Phó giáo sư Lukas Parker – “Tìm hiểu định nghĩa mang tính khoa học trong nghiên cứu chánh niệm: Kết quả từ một phân tích tổng quan đa chiều” được công bố trên nhà xuất bản nguồn mở uy tín về khoa học và y học PLOS One.

Bài nghiên cứu là lời tri ân của nhóm nghiên cứu dành để tưởng niệm thiền sư Thích Nhất Hạnh và những ảnh hưởng của ông đến sự hình thành và lan toả phương pháp chánh niệm ở phương Tây.

Bài: Hoàng Hà

  • Nghiên cứu
  • Phát triển bền vững

Tin tức liên quan