Cần tạo điều kiện tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng trên toàn cầu

Cần tạo điều kiện tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng trên toàn cầu

Tiến sĩ Majo George, Giảng viên khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, phân tích những điểm chính cần cân nhắc để phân phối vắc-xin COVID-19 một cách công bằng giữa các quốc gia trên thế giới.

Sau một năm rưỡi sống chung với đại dịch, thế giới dường như đã chia làm hai thái cực. Với mục đích đảm bảo miễn dịch cộng đồng cho người dân nước mình, một số quốc gia phát triển đã đặt mua lượng vắc xin COVID-19 hơn mức cần thiết, đôi khi gấp nhiều lần, để tạo nguồn dự trữ an toàn. Trong khi đó, nhiều nước thu nhập thấp có thể phải đợi hàng năm trời mới có vắc xin cho công dân của họ.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng chỉ trích các quốc gia giàu có vì đã "ngốn hết" nguồn cung vắc xin toàn cầu. Chẳng hạn, các nước G7 đã mua hơn một phần ba nguồn vắc xin của cả thế giới dù dân số chỉ chiếm 13% toàn cầu.

news-thumbnail-1-fair-global-access-to-covid-19-vaccines-is-a-necessity Tiến sĩ Majo George, Giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT

Điều này khiến cả khâu sản xuất và phân phối vắc xin đều trở nên kém hiệu quả. Câu hỏi lớn nhất giờ đây là một khi các nước giàu hoàn thành tất cả các đợt tiêm vắc xin thì họ sẽ làm gì với lượng vắc xin dư thừa? Các khả năng có thể xảy ra là: họ sẽ vứt bỏ, bán hoặc tặng cho các nước nghèo gặp khó khăn.

Theo Tổng giám đốc WHO, cuộc khủng hoảng này đang khiến thế giới "đứng trước bờ vực thất bại thảm khốc về đạo đức”. Nếu các nước giàu thực sự đang lãng phí những liều vắc xin đặt dư, thì quan điểm của vị lãnh đạo WHO này sẽ càng được củng cố.

Phân bổ lại vắc xin

Trong bối cảnh các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu các liều vắc xin sắp hết hạn hoặc kém hiệu quả hơn ở một số nơi trên thế giới (do biến thể của vi rút) có thể đột nhiên dư dôi với số lượng lớn và sẵn sàng để phân bổ lại cho nước khác.

Một số tổ chức hiện đang thực hiện việc phân phối lại này một cách hiệu quả. Chẳng hạn như Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Gavi đồng sáng lập từ năm 2020, nhằm đảm bảo vắc xin COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, trong đó các nước giàu sẽ hỗ trợ chi phí cho các nước nghèo hơn.

Cơ chế này dự kiến sẽ phân phối đủ vắc xin để bảo vệ ít nhất 20% dân số ở 92 quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, bắt đầu từ nhân viên y tế và các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỉ liều vắc xin trên toàn thế giới vào năm 2021 và 1,8 tỉ liều cho 92 quốc gia thu nhập thấp vào đầu năm 2022.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore từng kêu gọi các nước giàu đầu tư hào phóng vào COVAX và quyên tặng những liều vắc xin dư thừa, vì đó là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch và đưa "nền kinh tế toàn cầu trở lại với guồng quay".

Từng chính phủ sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc hiện thực hóa phân bổ lại vắc xin. Nhiều khía cạnh, trong đó có các mục tiêu chính sách đối ngoại của từng quốc gia, sẽ giữ vai trò quyết định về số lượng bao nhiêu liều vắc xin sẽ được phân phối cho quốc gia nào. Tùy vào từng loại vắc xin, hạ tầng sẵn có để bảo quản vắc xin cũng là một yếu tố rất quan trọng khi xem xét phân bổ lại vắc xin từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng các nước giàu sẽ hưởng nhiều lợi ích trực tiếp từ việc tiêm chủng cho người dân ở các nước nghèo hơn, vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương, đồng thời giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới đe dọa sức khỏe cộng đồng tại những nước giàu đã được tiêm chủng rộng rãi.

Điều cốt yếu là các quốc gia, đặc biệt là các nước có thu nhập cao, phải hỗ trợ nhiều hơn cho các nước có thu nhập thấp, để dân chúng trên toàn thế giới được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Từ đó, hy vọng cuộc sống có thể dần chuyển sang trạng thái bình thường mới nơi doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ trở lại, kinh tế tăng tưởng, mức sống tăng lên, cũng như hòa bình và hòa hợp có thể tồn tại giữa các quốc gia.

Bài: Tiến sĩ Majo George, Giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan