Nhà bán lẻ có thể hưởng lợi từ hành vi “mua sắm trả đũa” dịp lễ tết

Nhà bán lẻ có thể hưởng lợi từ hành vi “mua sắm trả đũa” dịp lễ tết

Nhu cầu chi tiêu dồn nén sau nhiều tháng giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng trên toàn cầu mua sắm thả ga, giúp nhà bán lẻ lấy lại một phần lợi nhuận đã mất trong thời gian qua.

Giới phân tích và các giảng viên Đại học RMIT nhận thấy mức chi tiêu và lượng khách mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng tăng cao sau khi nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa do dịch COVID-19.

Tự do trong bình thường mới cùng với nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng mua sắm thả ga để “trả đũa” cho thời gian giãn cách vừa qua. Đây là nhận định của hai chuyên gia Đại học RMIT – Thạc sĩ Hứa Mỹ Sang (Giảng viên Digital Marketing) và Tiến sĩ Seng Kiat Kok (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp).

news-1-the-opportunity-and-risk-of-revenge-spending Thạc sĩ Hứa Mỹ Sang (Giảng viên Digital Marketing) và Tiến sĩ Seng Kiat Kok (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp), Đại học RMIT.

Hai giảng viên Đại học RMIT trích dẫn số liệu của Statista về hành vi mua sắm trả đũa của người dân Seoul (Hàn Quốc), ghi nhận thấy người tiêu dùng dành 20% chi tiêu cho đồ điện tử và 13,1% cho hàng xa xỉ và thời trang trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến Quý 1/2021.

Theo khảo sát của Shopper, người tiêu dùng Australia cũng được dự báo sẽ chi tiêu lớn khi quy định hạn chế nới lỏng. Cụ thể, họ có nhu cầu mua sắm các sản phẩm giá trị lớn từ 500-2,000 đô la Australia (tương đương 8-32 triệu đồng). Người dân Australia cũng kỳ vọng sẽ chi tiêu nhiều hơn để đi ăn ngoài và giải trí, tương tự như người dân Hàn Quốc.

Tiến sĩ Seng Kiat Kok cảnh báo rằng “trào lưu này có thể hàm chứa rủi ro vì nguy cơ các thành phố bị phong tỏa trở lại vẫn luôn hiển hiện”.

Trích dẫn bài viết của Reuters, vị chuyên gia RMIT cho biết thêm: “Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng đã cải thiện so với năm 2020, nhưng thay vì đổ xô đến các cửa hàng để mua sắm trực tiếp thì giờ đây người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến”.

Theo Think with Google, người tiêu dùng Việt Nam đang quay sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tân trang cho bản thân và nhà cửa, hoặc mua quà tặng. Chẳng hạn, Tiki cho biết lượng giao dịch vào tháng 1/2021 trước dịp Tết Nguyên Đán đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Còn theo Khảo sát người tiêu dùng của Google vào tháng 5/2021, 39% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch mua sắm trực tuyến nhiều hơn vào dịp Tết 2022.

Theo thông tin của Kantar, sau thời gian gần nửa năm giãn cách xã hội nghiêm ngặt và gặp phải nhiều khó khăn tài chính cũng như không có dịp ăn mừng lớn thì người tiêu dùng Việt Nam đang rất háo hức chờ Tết đến. 44% người tiêu dùng ở Việt Nam có kế hoạch mua sắm từ hai tuần trước Tết. Kantar cũng nhấn mạnh rằng trong mấy tháng vừa qua, người tiêu dùng giảm tần suất đi mua sắm nhưng lại chi tiêu nhiều hơn mỗi lần mua hàng. Thói quen mới này sẽ thay đổi cách người dân mua sắm cho dịp Tết 2022. Do vậy, các nhãn hàng và nhà bán lẻ nên đẩy mạnh bán hàng theo các gói sản phẩm để tối đa hóa tiềm năng từ xu hướng mua sỉ.

Thạc sĩ Hứa Mỹ Sang nhận định: “Cần phải cân bằng giữa cơ hội và rủi ro từ trào lưu mua sắm trả đũa. ‘Mây đen’ COVID-19 vẫn có thể tiếp tục đe dọa sự phục hồi kinh tế khi mà các đợt bùng phát dịch và biến thể COVID-19 mới vẫn là nỗi lo thường trực”.

Theo cô Sang, không phải tất cả các cộng đồng dân cư đều hứng thú với mua sắm trả đũa. Chẳng hạn, tờ South China Morning Post đăng tải thông tin 52% người dân Hồng Kông “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn do nhu cầu tiết kiệm tăng cao, khá giống với xu hướng ở Trung Quốc và Singapore.

Tương tự, đơn vị nghiên cứu thị trường Passport (thuộc Euromonitor) dự báo rằng chi tiêu cho tiêu dùng của các hộ gia đình tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục ở mức thấp nhất toàn cầu, một phần do người dân chú trọng tiết kiệm, một phần là do bất bình đẳng kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng làm giảm sự tự tin của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cô Sang nhận xét: “Người tiêu dùng dường như đang có cái nhìn thực dụng hơn, tập trung vào tiết kiệm và duy trì các nhu cầu cơ bản”.

Giảng viên RMIT chia sẻ thêm rằng mặc dù số liệu của Statista cho thấy 33% chi tiêu mua sắm trả đũa của người Hàn Quốc dành cho các sản phẩm hữu hình, phần lớn chi tiêu còn lại dành cho thực phẩm (44%). Theo kết quả Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam của Deloitte được công bố vào tháng 2/2021, tại Việt Nam, chi tiêu cho nhu yếu phẩm tăng mạnh so với năm 2019, và bởi giãn cách xã hội, nhiều người tiêu dùng ở nhà và tự nấu ăn nhiều hơn.

Cô Sang chỉ ra rằng, “mặc dù thị trường bán lẻ và lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có thể hưởng lợi đầu tiên khi các quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ, xu hướng mua sắm trả đũa phải được xem xét một cách thận trọng”.

“Tâm lý người tiêu dùng đang hướng tới nhu cầu tiết kiệm cũng như thận trọng trong chi tiêu do nhận thức rằng điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều bất định”, cô giải thích.

Báo cáo năm 2021 của Deloitte cũng khẳng định điều này. So với năm 2019, có thêm 30% người được khảo sát cho biết họ đang tìm cách giảm chi tiêu. Tỉ lệ tiết kiệm cao ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng là minh chứng cho xu hướng hiện nay, đúng như kết quả nghiên cứu của Passport. Mặc dù trào lưu mua sắm trả đũa là có thật, nhưng người tiêu dùng giờ đây thận trọng hơn với mỗi quyết định chi tiêu.

Tiến sĩ Kok khuyến cáo rằng trước xu hướng này và tình hình bình thường mới còn nhiều bất định, “doanh nghiệp ở Việt Nam cần điều hướng quá trình phục hồi một cách cẩn thận”.

Ông cho biết: “Tất nhiên là nhiều doanh nghiệp sẽ mong muốn trở lại kinh doanh như bình thường bằng cách tăng cường đầu tư và chi tiêu, cũng như tập trung tìm cách vào bù đắp cho khoản thu nhập bị mất trong thời gian đóng cửa. Điều doanh nghiệp không muốn là rơi vào vòng xoáy nợ nần, nơi cơ hội lại trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của họ”.

Vị chuyên gia RMIT cũng nhận xét thêm rằng trào lưu mua sắm trả đũa và tâm lý tiêu dùng “săn sale thả ga” có thể chỉ là giai đoạn “xả hơi” ngắn hạn sau những bất ổn kinh tế mà đại dịch mang đến.

Tiến sĩ Kok nói: “Xu hướng dài hạn cho thấy người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn với túi tiền của mình. Không chỉ cần đem lại giá trị gia tăng tốt hơn, mà dịch vụ và sản phẩm giờ đây còn phải hấp dẫn hơn nữa để thôi thúc người tiêu dùng chi tiêu”.

Trích dẫn Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 của Deloitte, Tiến sĩ Kok lưu ý xu hướng người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hiểu biết và chọn lọc hơn. Khi cuộc sống ngày càng sung túc hơn thì giá cả sẽ không còn là tiêu chí quan trọng như trước nữa mà thay vào đó, các thuộc tính về chất lượng mới trở thành yếu tố đáng cân nhắc.

Tuy vậy, theo kết quả nghiên cứu của Passport, Đông Nam Á được dự báo tiếp tục là thị trường tiêu dùng lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2021-2040 sắp tới, chủ yếu là do đô thị hóa cao và kinh tế phát triển. Với việc các đô thị lớn ở Việt Nam đang mở rộng và đẩy cao mức chi tiêu của người tiêu dùng, các giảng viên RMIT tin rằng có nhiều cơ hội lớn để tăng trưởng và phục hồi.

Hai vị chuyên gia RMIT cùng đưa ra lời khuyên: “Tương tự như tâm lý của người tiêu dùng, doanh nghiệp nên có cách tiếp cận thận trọng trong tương lai hậu COVID-19. Đây không chỉ là cách tiếp cận cân bằng và thấu đáo để hướng tới thành công, mà còn là định hướng tư duy phù hợp cho năm 2022”.

  • Quan hệ doanh nghiệp

Tin tức liên quan