Sinh viên RMIT dành giải Ba tại cuộc thi hackathon khu vực về nhân sự

Sinh viên RMIT dành giải Ba tại cuộc thi hackathon khu vực về nhân sự

Tranh tài cùng 28 đội đến từ Singapore và khu vực, nhóm năm sinh viên RMIT đã giành giải Ba tại cuộc thi Hackathon thường niên do Viện Quản trị nhân sự Singapore (SHRI) tổ chức.

news-1-rmit-students-won-third-place-at-regional-human-resource-hackathon Đội thắng cuộc từ RMIT Việt Nam tại cuộc thi Hackathon thường niên của Viện Nhân sự Singapore (SHRI): (hàng cuối cùng trong hình, từ trái sang) sinh viên ngành Kinh doanh (Quản trị nguồn nhân lực) Đại học RMIT Nguyễn Hoàng Du Vân, Trần Bích Thy, Vũ Ngọc Khánh Linh, Nguyễn Linh Giang và Ngô Doãn Minh Khanh.

Nhóm G5, gồm năm sinh viên ngành Kinh doanh (Quản trị nguồn nhân lực) Đại học RMIT gồm Nguyễn Linh Giang, Ngô Doãn Minh Khanh, Trần Bích Thy, Vũ Ngọc Khánh Linh và Nguyễn Hoàng Du Vân, đã giải mã thành công thách thức trong thế giới thực, đồng thời đưa ra được giải pháp đổi mới sáng tạo cho “khách hàng” được giao – Under Armour.

Trưởng nhóm Nguyễn Linh Giang chia sẻ rằng đại dịch đang diễn ra khiến cuộc sống hàng ngày của chúng ta bị đảo lộn hoàn toàn và tạo ra muôn vàn thách thức cho doanh nghiệp.

“Cuộc thi Hackathon thách thức chúng tôi đưa ra giải pháp cho một số chủ đề như gắn kết nhân viên, lương thưởng và chế độ chính sách, nhập môn cho nhân viên mới và tuyển dụng, và học tập và phát triển chuyên môn”, Giang nói. “Trường hợp mà nhóm chúng tôi được giao chủ yếu là thay đổi từ huấn luyện trực tiếp và giấy tờ, thành các giải pháp số hoá và không dùng giấy đối với quy trình nhập môn và nghỉ việc cho nhân viên Under Armour Retail”.

news-2-rmit-students-won-third-place-at-regional-human-resource-hackathon Nhóm G5 trình bày chương trình huấn luyện và phát triển chuyên môn năm cấp độ dành cho nhân viên Under Armour với ban giám khảo cuộc thi Hackathon thường niên của Viện Nhân sự Singapore (SHRI).

Rút tỉa từ hàng trăm ý tưởng từ từng thành viên trong nhóm cũng như từ các cố vấn của họ, G5 đã quyết định chọn nâng cao trải nghiệm nhân viên từ ngày đầu đến chặng đường cuối cùng bằng ứng dụng điện thoại thân thiện với người dùng – UAReady (tạm dịch: Bạn đã sẵn sàng), sau khi cân nhắc các mặt khác nhau trong quản trị nguồn nhân sự, trong đó có việc ngày càng gia tăng các vấn đề quanh sức khoẻ tâm thần trong quá trình điều chỉnh sang làm việc tích hợp và chuyển đổi không gian làm việc.

Giang cho biết: “Chúng tôi tạo nên một ứng dụng gồm hệ thống quản lý học tập với hiển thị mô phỏng game nhằm thu hút và tạo động lực cho lực lượng lao động trẻ”.

“Ứng dụng đem đến hàng loạt thử thách toàn diện hằng ngày nhằm hỗ trợ nhân viên duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt, trong đó có Hệ thống Huy hiệu thưởng [được dùng để trao đổi lấy phiếu mua hàng của Under Armour] khi nhân viên hoàn thành nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao mức độ tham gia và cam kết của họ. Quy trình nghỉ việc được thiết kế tự động qua hộp trò chuyện tự động nhằm giảm tương tác và lãng phí thời gian”.

Thành viên của nhóm bạn Ngô Doãn Minh Khanh phân tích lo lắng quanh vấn đề đầu tư và nhấn mạnh rằng lợi ích mà ứng dụng của nhóm mang lại có thể đánh bại bất kỳ khiếm khuyết nào.

“Lợi nhuận thu về sẽ lớn vì quy trình giúp giảm thời gian nhập môn cho nhân viên mới xuống còn 1/3,  giảm thiểu việc nhân viên phải tham gia vào quy trình này, đồng thời tăng mức độ hài lòng trong quá trình nghỉ việc. Và ứng dụng có thể thực hiện trong dài hạn, còn có thể dùng cố định chứ không chỉ cho mục đích nhập môn và nghỉ việc”, Khanh cho hay.

Dù chưa từng gặp gỡ hay làm việc cùng nhau trong thực tế trước khi tham gia cuộc thi, cả nhóm vẫn có thể xoay xở xây dựng kết nối và tạo dựng niềm tin dành cho nhau. Nhờ đó, các bạn đã có thể thoải mái trao đổi ý tưởng, thậm chí tranh luận mang tính xây dựng trong các cuộc gọi thoại kéo dài hai tiếng đồng hồ.

Không có nền tảng về công nghệ hay phát triển ứng dụng, Khanh chia sẻ rằng cuộc thi cho cả nhóm cơ hội mạo hiểm vượt ra khỏi không gian an toàn và học hỏi về các khía cạnh khác của quản trị nhân sự không chỉ nằm ở mảng nhân sự, mà còn liên quan đến phân tích và bền vững”.

Khanh cho biết chính nhờ sự hỗ trợ của Quản lý cấp cao về Đối tác nhân sự của Under Armour Bắc châu Á-Thái Bình Dương Tan Zhi Jia, cả nhóm đã có cơ hội “biết nhiều hơn về các giai đoạn và chiến lược hiện tại cũng như những nhiệm vụ cần thiết để hỗ trợ hai quy trình nhập môn và nghỉ việc tại Under Armour”.

“Điều này cho chúng tôi kiến thức thực tế mà chúng tôi không thể học từ lớp học. Và nhờ tham gia trao đổi và làm việc trong môi trường văn hoá nghịch giao, chúng tôi có cơ hội nâng cao kỹ năng xã hội, điều chúng tôi tin rằng cực kỳ quan trọng cho thành công trong tương lai”.

Cả nhóm đều tán dương chương trình Quản trị nguồn nhân lực RMIT vì đã chuẩn bị cho các bạn đầy đủ cho cuộc thi.

“Nhiều tài liệu và bài tập của chương trình được cập nhật để đưa thêm khía cạnh công nghệ vào, chẳng hạn như làm việc và kết nối trực tuyến, phần mềm quản lý và phân tích nhân sự”, bạn Nguyễn Hoàng Du Vân, một thành viên khác của G5, chia sẻ.

“Điều này tương thích với khuynh hướng số hoá trên thị trường cũng như những thách thức hiện tại mà doanh nghiệp không chỉ ở Singapore, mà trên toàn thế giới, đang đối mặt. Bên cạnh tài liệu học, RMIT còn chủ trì tổ chức nhiều buổi nói chuyện tham luận, huấn luyện, trao đổi của diễn giả khách mời về chủ đề quản trị nguồn nhân lực kỹ thuật số --điều đã hỗ trợ chúng tôi nghiên cứu trong quá trình tham gia cuộc thi”, Vân cho biết và lấy ví dụ từ buổi chia sẻ gần đây về huấn luyện và phát triển chuyên môn số do Shopee chia sẻ mà chương trình Quản trị nguồn nhân lực tổ chức vào học kỳ 2 năm học 2021.

Nguyễn Hoàng Du Vân, Ngô Doãn Minh Khanh và Trần Bích Thy còn là thành viên sáng lập CLB Phát triển nhân lực mới thành lập, chuyên tập trung vào bộ môn quản trị nhân sự.

“Dẫu mới tham gia điều hành câu lạc bộ một thời gian ngắn, chúng tôi đã có cơ hội học hỏi vô vàn khía cạnh và ý tưởng mới về quản trị nhân sự từ các thành viên khác cũng như từ các sự kiện mà chúng tôi đã tổ chức”, Vân cho biết.

“Hơn hết thảy, thành công của chúng tôi tại SHRI Hackathon 2021 là kết quả tổng hoà của tài liệu học, các sự kiện do trường tổ chức và tham gia hoạt động câu lạc bộ”, cô bạn kết lời.

Bài: Hoàng Hà

  • Quản trị Nguồn Nhân lực

Tin tức liên quan