Đại học RMIT ra mắt ngành Cử nhân Công nghệ thông tin tại cơ sở Hà Nội

Đại học RMIT ra mắt ngành Cử nhân Công nghệ thông tin tại cơ sở Hà Nội

Sinh viên theo học ngành Cử nhân Công nghệ thông tin vừa ra mắt tại cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT, sẽ thông thạo các kỹ năng được săn đón trong nền kinh tế số như phát triển ứng dụng di động, điện toán đám mây và lập trình.

news-thumbnail-rmit-launches-bachelor-of-it-program-in-hanoi Sinh viên theo học chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin RMIT sẽ thông thạo các kỹ năng được săn đón trong nền kinh tế số như phát triển ứng dụng di động, điện toán đám mây và lập trình Internet vạn vật.

Đại học RMIT vừa chính thức ra mắt chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (CNTT) tại cơ sở Hà Nội. Lứa sinh viên đầu tiên dự kiến sẽ nhập học vào tháng 10/2021.

Chương trình được công nhận bởi Hiệp hội Máy tính Úc (ACS) đã có mặt tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường hơn mười năm nay.

Theo Bảng xếp hạng theo ngành học các trường đại học thế giới QS 2020, Đại học RMIT nằm trong nhóm 10 trường hàng đầu tại Úc và 150 trường hàng đầu trên toàn thế giới về giảng dạy khoa học máy tính và hệ thống thông tin.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Đại học RMIT, nhận định rằng chương trình Công nghệ thông tin được đưa ra Hà Nội đúng thời điểm các ông lớn công nghệ như Samsung, Google và Qualcomm đang thiết lập cơ sở sản xuất, và cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), mới ở Hà Nội cũng như các vùng lân cận, gia tăng nhu cầu về nhân lực CNTT chất lượng cao ở các khu vực này.

“Theo khảo sát năm 2019 của Đại học RMIT, 95% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT có việc làm toàn thời gian trong vòng ba tháng và 5% quyết định học lên cao. Phương pháp học tập kết hợp thực tiễn của trường đem đến nhiều ích lợi cho sinh viên, tạo cơ hội cho các em hoàn thành chương trình thực tập và các dự án thực tế với những doanh nghiệp CNTT uy tín”, Giáo sư Gaimster cho biết.

news-2-rmit-launches-bachelor-of-it-program-in-hanoi Theo khảo sát năm 2019 của Đại học RMIT, 95% sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có việc làm toàn thời gian trong vòng ba tháng và 5% quyết định học lên cao.

Thủ khoa ngành CNTT Đại học RMIT năm 2019 Võ Thị Cẩm Linh chia sẻ rằng trải nghiệm học tại RMIT giúp cô bạn chuyển tiếp sang môi trường làm việc một cách suôn sẻ tại một công ty của Đan Mạch, khởi đầu từ vị trí Kỹ sư Phát triển phần mềm và Vận hành (DevOps) lên vị trí Chuyên viên tư vấn CNTT hiện nay.

“Thực ra, công ty hiện tại đã tuyển dụng tôi từ ngày tôi còn là sinh viên thông qua một sự kiện kết nối doanh nghiệp do nhà trường tổ chức”, Linh cho biết.

“Tôi đánh giá cao việc chương trình học tại RMIT chú trọng vào cả kỹ năng làm việc độc lập lẫn làm việc nhóm, cũng như nội dung giảng dạy thường xuyên được cập nhật có sự tham vấn của đối tác trong ngành nhằm theo kịp những xu hướng mới nhất. Nhờ đó, tôi có thể tích lũy được kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết để tự tin bước vào thế giới việc làm”.

Chủ nhiệm bộ môn cấp cao Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy cho biết chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin Đại học RMIT được thiết kế đặc biệt đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số và Gen Z – thế hệ đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ và sinh ra giữa những đổi thay chóng mặt của công nghệ.

Từ học kỳ thứ ba, sinh viên có thể chọn từ nhiều môn tự chọn liên quan tới Công nghiệp 4.0 như học máy, điện toán đám mây hay lập trình Internet vạn vật.

Chương trình học còn bao hàm những kỹ năng luôn được săn đón trên thị trường lao động như quản lý hệ thống CNTT, phát triển ứng dụng di động, lập trình web hay an ninh mạng.

Tiến sĩ Duy nhận định, “sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ Z không hề thua kém bạn bè năm châu trong khoản sử dụng công nghệ hằng ngày. Tuy nhiên, để trở thành chuyên gia CNTT và nhà đổi mới sáng tạo thực thụ -- không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới -- thành công sẽ đến với những bạn trẻ sở hữu kiến thức kỹ thuật vững chắc cũng như kỹ năng mềm nâng cao”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Kỹ thuật số
  • Phát triển nghề nghiệp

Tin tức liên quan