RMIT cung cấp chương trình đào tạo giúp đối phó với tội phạm xuyên quốc gia

RMIT cung cấp chương trình đào tạo giúp đối phó với tội phạm xuyên quốc gia

Đại học RMIT phối hợp với Cảnh sát Liên bang Úc và Bộ Công an Việt Nam vừa khai giảng khóa đào tạo chuyên ngành nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong khu vực đối phó hiệu quả hơn với tội phạm xuyên quốc gia giữa đại dịch.

Dù COVID-19 khiến việc di chuyển xuyên biên giới bị hạn chế đáng kể, tội phạm có tổ chức vẫn đang nhanh chóng điều chỉnh hoạt động nhằm thích nghi với điều kiện bình thường mới để duy trì dòng lợi nhuận bất hợp pháp.

Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an Việt Nam, “lệnh đóng cửa và hạn chế đi lại mà các chính phủ thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 không chặn đứng được các đường dây tội phạm”.

“Ngược lại, các tổ chức tội phạm đã lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động phạm tội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn”, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành nhận định.

news-1-new-training-program-deals-with-transnational-crime-in-covid-19 Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an Việt Nam.

Cảnh sát Liên bang Úc, Bộ Công an Việt Nam và Đại học RMIT vừa phối hợp khai giảng khóa đào tạo trực tuyến mới về khả năng ứng phó với đại dịch cho các cơ quan phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, trong khuôn khổ dự án hợp tác hàng đầu giữa ba bên mang tên Chương trình Quản lý thực thi pháp luật châu Á (ARLEMP).

Trong vòng bốn tuần, học viên được tìm hiểu cách các cơ quan thực thi pháp luật ứng phó với COVID-19 và trau dồi hiểu biết chuyên sâu nhằm đối phó với các mối nguy từ tội phạm xuyên quốc gia đang nổi lên và chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ khủng hoảng y tế toàn cầu nào sắp tới.

Toàn bộ 50 học viên tham gia khóa học đều là thành viên tích cực của mạng lưới ARLEMP, chuyên trách mảng buôn lậu ma túy, khủng bố, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng, mua bán người và đưa người di cư trái phép.

Theo Đại tá Roger Brown, Trưởng sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam, các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới đang cố gắng đi trước đón đầu tội phạm xuyên quốc gia - những kẻ đang nhanh chóng điều chỉnh mô hình hoạt động và tìm kiếm phương thức mới để thu lợi bất chính.

“Điểm mấu chốt là hợp tác. Thông qua chương trình ARLEMP, chúng tôi đem đến cho học viên cơ hội chiến lược thảo luận một chủ đề mang tính thời sự và có thể ứng dụng ngay lập tức vào cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia”, Đại tá Brown cho biết.

news-2-new-training-program-deals-with-transnational-crime-in-covid-19 Từ phải qua trái: Đại tá Roger Brown (Trưởng sĩ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Úc tại Việt Nam), Thượng tá Vũ Thu Hạnh (Bộ Công an Việt Nam) và ông Phillip Dowler (Trưởng cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT).

Từ năm 2005, ARLEMP đã tổ chức 50 khóa đào tạo (chủ yếu diễn ra tại các cơ sở của Đại học RMIT ở Việt Nam) cho hơn 1.000 cán bộ thực thi pháp luật thuộc 38 quốc gia, chủ yếu đến từ châu Á.

Do đại dịch khiến các khóa ARLEMP không thể diễn ra trực tiếp, phương thức giảng dạy trực tuyến mới đem đến một nền tảng cấp tiến hơn để đẩy mạnh kết nối giữa các lực lượng cảnh sát trong khu vực.

Học viên vẫn được tiếp cận với các bài tham luận chuyên sâu của giảng viên và chuyên gia quốc tế, trong đó có lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan thực thi pháp luật, đại diện các tổ chức trong Liên Hiệp Quốc và chuyên gia từ khu vực tư nhân.

Khóa học bán thời gian cũng cân nhắc đến thực trạng lực lượng cảnh sát đang phải dàn trải để đáp ứng yêu cầu tăng cường đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Peter Coloe cho biết nhà trường tự hào đem đến chương trình đào tạo tiên phong trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực đối phó với những làn sóng tội phạm xuyên quốc gia mới.

“Tính đến nay, hợp tác giữa RMIT, Cảnh sát Liên bang Úc và Bộ Công an Việt Nam suốt 15 năm qua là một trong những mối quan hệ đối tác đáng quý và hiệu quả nhất của nhà trường trong hai thập kỷ hoạt động tại Việt Nam”.

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của cựu học viên ARLEMP trong việc vừa đảm bảo an toàn xã hội, vừa tập trung phát hiện và phòng chống tội phạm trong thời gian đại dịch, đồng thời hy vọng rằng chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ họ tăng cường và mở rộng kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết để đương đầu với các thách thức mới”, Giáo sư Coloe cho biết.

Alt Text is not present for this image, Taking dc:title 'news-3-new-training-program-deals-with-transnational-crime-in-covid-19' Từ năm 2005, ARLEMP đã tổ chức 50 khóa đào tạo (chủ yếu diễn ra tại các cơ sở của Đại học RMIT ở Việt Nam) dành cho hơn 1.000 cán bộ thực thi pháp luật thuộc 38 quốc gia, chủ yếu đến từ châu Á.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Quốc tế
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan