Đại học RMIT tại Việt Nam cho ra trường Tiến sĩ đầu tiên

Đại học RMIT tại Việt Nam cho ra trường Tiến sĩ đầu tiên

Chương trình Tiến sĩ tại Đại học RMIT ở Việt Nam đã có tiến sĩ đầu tiên – Tiến sĩ Heather Swenddal. Đây là thành tựu đáng chú ý nhân kỷ niệm 20 năm trường có mặt tại Việt Nam.

Trong luận án tiến sĩ của mình, Tiến sĩ Swenddal tập trung tìm hiểu về khoa học quản trị, đặc biệt về đặc tính của những trường đại học quốc tế có cơ sở đặt trên toàn thế giới – mà Đại học RMIT là một ví dụ hoàn hảo. 

First PhD graduate at RMIT University in Vietnam Dr Heather Swenddal Người đầu tiên hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại học RMIT ở Việt Nam – Tiến sĩ Heather Swenddal

Tiến sĩ Swenddal chia sẻ rằng bà rất vui khi là tiến sĩ đầu tiên tốt nghiệp từ Đại học RMIT tại Việt Nam, với luận án Tác nhân tự do trong nhóm ít lợi thế: Việc giảng viên tại các cơ sở quốc tế đưa bản sắc cá nhân và chi nhánh mình đang làm việc vào kết cấu hoạt động của toàn tổ chức

“Ra mắt chương trình Tiến sĩ tại Việt Nam vào năm 2016 là dấu mốc quan trọng với Đại học RMIT và tôi rất lấy làm vinh dự được có mặt trong hàng ngũ những nghiên cứu sinh đầu tiên của chương trình này”, bà cho hay.

Mối quan tâm dành cho khoa học quản trị của Tiến sĩ Swenddal khơi mầm từ những ngày bà làm việc cho RMIT Việt Nam, và đảm đương các vị trí lãnh đạo và quản lý khác nhau. 

“Tôi từng làm việc vài năm ở Văn phòng Phó hiệu trưởng (phụ trách học thuật) – vị trí cho tôi hiểu biết sâu về thách thức đối với việc điều phối chương trình học thuật ở các cơ sở thuộc những trường đại học quốc tế như RMIT”, bà nói. “Tôi bắt đầu hứng thú với việc quản trị các phân hiệu đại học ở nước ngoài, đặc biệt với cách mà những giảng viên tại các cơ sở này nhìn nhận vai trò của mình cũng như cơ sở nơi họ đang làm việc trong mối tương quan với tổng thể toàn trường”.

Bà bắt đầu chương trình tiến sĩ vào năm 2016, và thực hiện hầu hết nghiên cứu thực địa và bắt đầu quy trình phân tích dữ liệu dài hơi vào năm 2018.

Tiến sĩ Swenddal cho biết, “để làm luận án, tôi đã đi đến các cơ sở của những trường đại học quốc tế ở châu Á để phỏng vấn giảng viên các trường này và phát triển lý thuyết về xây dựng bản sắc cá nhân của họ dựa trên những gì tôi tìm được. 

Vào giữa năm 2018, Tiến sĩ Swenddal cùng chồng rời Việt Nam và trở về Mỹ. 

“Từ thời điểm này trở về sau, hành trình của tôi trở nên độc lập hơn”, bà nói. “Giáo sư hướng dẫn và tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên, dù cách nhau 12 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, tôi tự thực hiện phần lớn luận án một mình ở nhà”.

Nghiên cứu của bà chỉ ra được một cách thức điều phối của trường mẹ có thể khích lệ và cản trở kết nối liên cơ sở -- điều này sẽ có ích với lãnh đạo các trường đại học trong việc nâng cao quan hệ giữa các cơ sở trong trường. 

Tiến sĩ Swenddal cho biết, “nhìn chung, trong những bối cảnh tôi nghiên cứu, tôi nhận thấy nhiều giảng viên ở các cơ sở chi nhánh bị cách biệt với trường mẹ tới hai lần. Họ thấy cơ sở mình đang làm việc tách biệt với trường mẹ và bản thân họ tách biệt với trường. Tuy nhiên, cảm giác tách biệt này không phải là điều mà nhiều người mong muốn. Người tham gia nghiên cứu muốn cảm thấy kết nối với trường của mình hơn, tuy nhiên thách thức trong quản lý liên cơ sở đã cản trở cảm giác kết nối này”.

Tiến sĩ Swenddal cho biết RMIT Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng với cuộc đời cô, chứ không chỉ với hành trình làm luận án tiến sĩ. 

“Ban đầu tôi vào RMIT làm giáo viên tiếng Anh vào năm 2008. Sau khi quay về Mỹ hoàn tất bằng thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh, tôi trở lại cơ sở Nam Sài Gòn thân thương vào năm 2012”, bà chia sẻ. “Khi cơ hội lấy bằng tiến sĩ về quản trị tại RMIT Việt Nam đến, tôi lập tức chớp lấy. Tôi may mắn có được hai thầy cô hướng dẫn hết sức tuyệt vời: Giáo sư Mathews Nkhoma và Tiến sĩ Sarah Gumbley”.

Giáo sư Mathews Nkhoma hiện là Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị thuộc Đại học RMIT tại Việt Nam.

Ông cho biết: “Nghiên cứu của Tiến sĩ Swenddal đóng góp giá trị cho mảng quản trị giáo dục liên quốc gia đang nổi lên gần đây. Nghiên cứu của bà được giới học thuật quốc tế đón nhận rất tốt”.

“Nghiên cứu xem xét việc hình thành bản sắc của tổ chức xuất phát từ nhân viên, điều diễn ra tương tự với các công ty đa quốc gia nơi có đội ngũ nhân viên đa dạng làm việc ở những vị trí địa lý hết sức cách biệt.

“Nghiên cứu lý luận nền tảng về việc hình thành bản sắc của giảng viên ở các phân hiệu  nước ngoài của các trường đại học cho thấy thầy cô có cảm giác tách biệt với trường mẹ, cũng như hệ quả của việc tách biệt này với tính liên kết và đại diện thương hiệu”.

Tiến sĩ Swenddal, hiện là Giáo sư trợ lý về quản trị tại trường cao đẳng Nichols ở Massachusetts (Mỹ), cho biết bà cảm thấy hài lòng với quyết định theo học chương trình tiến sĩ. “Kết quả đạt được thật tuyệt vời!”.

“Dẫu hành trình làm luận án ngập tràn niềm vui nhưng cũng đầy thách thức”. Bà khuyên những ai muốn theo học chương trình tiến sĩ hãy “cân nhắc toàn bộ các yếu tố xem có nên theo đuổi bằng tiến sĩ không và vào thời điểm nào”.

“Làm nghiên cứu sinh thường được ví như tham gia chạy đua marathon -- môn thể thao đòi hỏi sự bền bỉ, cần nhiều năm nỗ lực không ngừng. Bạn biết mình muốn nghiên cứu gì đóng vai trò quan trọng, nhưng sức khoẻ, thói quen, công việc và hoàn cảnh gia đình -- toàn bộ những điều này -- cũng sẽ quyết định thành công của bạn”, bà chia sẻ. “Tôi may mắn trên hành trình làm luận án tiến sĩ có thời gian làm việc linh hoạt, có mạng lưới hỗ trợ vững mạnh và kinh nghiệm học thuật từ những năm học thạc sĩ. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là tôi có tinh thần làm việc và bền bỉ trong suy nghĩ để tiếp tục tiến lên phía trước dẫu hành trình làm luận án đầy thách thức”.

“Giáo sư hướng dẫn và người chồng tuyệt vời của tôi, Joel, luôn giúp tôi lấy lại cảm hứng khi mệt mỏi và tiếp bước trên hành trình nghiên cứu. Thành công của tôi đến từ sự tổng hoà tuyệt hảo của toàn bộ những yếu tố trên vào đúng thời điểm đặc biệt hiện nay. Tôi may mắn khi năm 2016 là thời điểm Đại học RMIT mở chương trình tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi vô cùng cảm kích với vinh dự tuyệt vời này!”.

Bài: Hoàng Hà

  • Phát triển nghề nghiệp
  • Sau Đại học

Tin tức liên quan