Ý nghĩa Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai với Việt Nam

Ý nghĩa Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai với Việt Nam

Giới phân tích trên thế giới đã dành nhiều tháng bình luận về Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, từ việc cải thiện mối quan hệ và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đến phá hủy các cơ sở hạt nhân và chấm dứt thử nghiệm tên lửa. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh này có ý nghĩa gì với nước chủ nhà tổ chức sự kiện? Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chuyên gia kinh tế và Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam, đã thảo luận về cơ hội có một không hai này.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Chuyên gia kinh tế và Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Chuyên gia kinh tế và Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam

Tại sao Việt Nam được chọn làm nước chủ nhà

Mỹ và Triều Tiên đã đối đầu trong nhiều thập niên và có những thời điểm đôi bên tưởng chừng đã đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Giống như Singapore – nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh lần hai đã gián tiếp đưa Việt Nam vào tâm điểm của giới truyền thông, cho Việt Nam cơ hội đánh bóng hình ảnh đất nước và giới thiệu con người, chính sách đối ngoại và nhiều cơ hội đầu tư trên quy mô toàn cầu. Và cũng như Singapore, Việt Nam có mối quan hệ nồng hậu với cả hai nước tham gia hội nghị, nhưng theo những lý do khác nhau.

Việt Nam và Mỹ đã phát triển mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ sau lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, thể hiện qua sự thịnh vượng và hòa bình.

Còn hai nước Việt Nam và Triều Tiên đều theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, cũng như có chính sách kinh tế và đối ngoại tương đồng. Tuy nhiên, từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986), Việt Nam đã mở cửa thị trường và đa phương hóa chính sách đối ngoại.

Việt Nam cũng đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) (và Việt Nam cũng từng là ủy viên không thường trực, đại diện châu Á, của tổ chức này). Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 12 FTA hiện đang có hiệu lực và hơn 10 FTA khác đang được nghiên cứu, đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết. Nhờ đó, hàng hóa dịch vụ từ Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn, thể hiện qua độ mở lớn của kinh tế Việt Nam chỉ xếp sau Singapore.

Hà Nội - Thủ đô Việt Nam là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Hà Nội - Thủ đô Việt Nam là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Các cơ hội cho Việt Nam

Đưa cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đến Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội giúp đất nước phát triển. Tiến sĩ Trung đã xác định được năm cơ hội tiềm năng dưới đây:

1. Việt Nam đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới

Nếu quan hệ Mỹ - Triều tiến triển xấu sẽ có nguy cơ tạo ra bất ổn ở cả quy mô lớn và nhỏ, dẫn đến nhiều hệ lụy dai dẳng về kinh tế, chính trị và quân sự như cấm vận, thử tên lửa hạt nhân, cũng như căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia.

Do đó, Việt Nam có thể đóng góp vào đối thoại để mang đến hòa bình và thịnh vượng, giúp đất nước có được danh tiếng tốt hơn trên trường quốc tế.

2. Tiếp cận với hàng tỉ người trên thế giới qua truyền thông quốc tế

Khi đóng vai trò nước chủ nhà trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên vào tháng 6/2018, Singapore đã chào đón khoảng 2.500 nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới, ước tính đạt được 767 triệu đô Singapore giá trị truyền thông lan truyền (dựa vào tính toán từ việc lắng nghe những đề cập trên các phương tiện truyền thông – media monitoring và chỉ số quy đổi giá trị quảng cáo tương đương AVE). Chỉ số AVE một tháng trước sự kiện ước tính khoảng 270 triệu đô Singapore.

Nếu so sánh ngân sách du lịch Việt Nam với Singapore, con số này ở Singapore lớn hơn vài trăm lần. Với ngân sách du lịch eo hẹp, đây sẽ là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua dễ dàng.

3. Quảng bá tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mới

Địa chính trị được cho là có tác động vô cùng to lớn đến quá trình phát triển kinh tế và sức mạnh của một quốc gia. Trong kinh doanh quốc tế, tiềm năng ảnh hưởng của địa chính trị đến các quyết định đầu tư và kinh doanh của một quốc gia là rất lớn. Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, khi hai phần ba giao thương hàng hóa toàn cầu là hàng hóa trung gian, các chuỗi giá trị toàn cầu đang góp phần tái định hình lại thương mại quốc tế và toàn cầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy các quốc gia có vị trí địa lý chiến lược sẽ rất thành công trong kinh doanh quốc tế.

Dù sở hữu vị trí chiến lược ở châu Á cùng nhiều tiềm năng địa chính trị cho kinh doanh khác, Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt những lợi thế của mình. Vì vậy, Hội nghị thượng định Mỹ - Triều có thể cho các nhà đầu tư quốc tế và các công ty đa quốc gia hiểu biết tốt hơn về Việt Nam để có thể đưa ra những quyết định đầu tư trong tương lai.

4. Cơ hội phát triển ngành du lịch quốc gia

Bên cạnh những quần thể kiến trúc lâu đời, Việt Nam còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận như Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long và Tràng An.

Việt Nam còn không ngừng mở rộng cơ sở hạ tầng ngành hàng không, phát triển các khách sạn và resort chuẩn quốc tế, cũng như tiếp tục phát triển loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp với gặp mặt, thưởng, hội nghị/hội thảo và triển lãm).

Dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Lực lượng nhà báo và các hãng truyền thông đông đảo đến Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá du lịch nước nhà.

5. Tăng độ tin cậy về khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn

Nếu tổ chức tốt sự kiện này, Việt Nam sẽ nâng cao danh tiếng trên trường quốc tế.

Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện quốc tế cấp cao, trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 vào tháng 9/2018, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 1/2018, Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 và Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015.

Một khi đã nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện lớn, Việt Nam có thể thu hút các sự kiện quốc tế khác trong tương lai.

Nhìn chung, sự kiện này là cơ hội để Việt Nam quảng bá một đất nước hòa bình và thịnh vượng, và một khu vực để đầu tư nước ngoài. Cuộc gặp Thượng đỉnh có thể giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế cả về kinh doanh lẫn chính trị, đồng thời cải thiện và quảng bá về cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, an ninh công cộng, hạ tầng giao thông và các trung tâm đô thị .

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Quốc tế
  • Cộng đồng
  • Sự kiện

Tin tức liên quan