Xây dựng thương hiệu cá nhân với mô hình SWOT

Xây dựng thương hiệu cá nhân với mô hình SWOT

SWOT không chỉ là mô hình dành cho doanh nghiệp, mà còn vô cùng hữu ích trong việc giúp bạn định hình thương hiệu cá nhân và lên kế hoạch phát triển bản thân. Cùng tìm hiểu cách ứng dụng mô hình SWOT cho chính bạn!

Với những ai đã có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực kinh doanh, mô hình SWOT hẳn không hề xa lạ. SWOT (trong tiếng Anh là viết tắt của các chữ Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats) là mô hình phân tích các yếu tố nội tại và bên ngoài để đánh giá vị thế cạnh tranh của công ty và đề ra chiến lược phù hợp.

Thế nhưng, ít ai biết rằng mô hình này hoàn toàn có thể được ứng dụng trên phương diện cá nhân để hỗ trợ kế hoạch phát triển và xây dựng thương hiệu cá nhân. Tiến sĩ Rajeev Chib, giảng viên thỉnh giảng tại RMIT đồng thời đang giữ vị trí COO bộ phận Client & Business Development tại City Bank Asia, đã sử dụng mô hình SWOT như một công cụ cho môn học “Xây dựng thương hiệu cá nhân & lãnh đạo đích thực” của chương trình MBA.

Có 3 điểm lưu ý quan trọng trong việc sử dụng SWOT trong phân tích cá nhân:

  1. Với một mô hình SWOT phân tích cá nhân đầy đủ, bạn không chỉ xác định các kỹ năng cốt lõi, sở trường, sở đoản mà còn khám phá những đường hướng mới mẻ để phát triển bản thân và sự nghiệp.
  2. Với những thế mạnh và điểm yếu được xác định, việc làm rõ những cơ hội và nguy cơ cũng giúp bạn có chiến lược phù hợp cho kế hoạch phát triển của bản thân nhằm tận dụng những điều kiện có lợi cũng như giảm thiểu các rủi ro cản trở bạn đạt được mục tiêu.
  3. Một khi đã xây dựng và nuôi dưỡng một thương hiệu cá nhân xuyên suốt, bạn cũng cần thường xuyên nhìn lại và so sánh với mục tiêu đã đề ra.
Tiến sĩ Rajeev Chib tại RMIT Việt Nam Tiến sĩ Rajeev Chib tại RMIT Việt Nam

Theo Tiến sĩ Chib, trong quá trình hoàn thành bản SWOT phân tích cá nhân, một trong những trở ngại mà đa số mọi người gặp phải là việc xác định điểm yếu và thách thức. Do đó, để có được một bản phân tích đầy đủ và hoàn chỉnh, bạn cần dành thời gian nhìn lại quá khứ, từ thời niên thiếu cho đến bây giờ. Từ đó, bạn có thể phản tư một cách sâu sắc hành trình đã đi qua. “Hãy nghĩ xem bạn đã xây dựng mối quan hệ xung quanh như thế nào. Đâu là giá trị, niềm tin và đam mê của bạn? Nhìn lại tất cả dưới một bức tranh tổng thể bạn có thể phát hiện đâu là những yếu tố có thể hoặc không thể kết hợp với nhau.” Đó chính là bước đầu tiên để “bóc tách từ tận gốc rễ của vấn đề”.

Ngoài ra, cần chấp nhận một thực tế rằng bản thân bạn khó có thể công bằng hoàn toàn với bản đánh giá. Do đó, bạn cũng cần một vài người hiểu rõ bạn xem qua bản phân tích để góp thêm ý kiến. Với cách làm này, bạn thậm chí có thể nhìn ra một số thiên kiến mà bản thân chưa ngờ tới.

Khi đã hoàn thành những bước này, SWOT trở thành một công cụ hỗ trợ bạn trong phát triển bản thân. Dựa vào đó, bạn xác định những mục tiêu tương lai một cách hợp lý và khả thi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm ra và bồi đắp những thế mạnh đặc thù. Nhưng, như lưu ý ở trên, bạn cần thường xuyên xem xét và điều chỉnh bản phân tích này mỗi vài tháng để cập nhật thực tế một cách sát sao.

Để tìm hiểu thêm về môn học “Xây dựng thương hiệu cá nhân và lãnh đạo đích thực”, đọc bài viết tại đây.

Chia sẻ

Tin tức liên quan