Sáu tư duy giải quyết vấn đề trong thời đại của biến đổi

Sáu tư duy giải quyết vấn đề trong thời đại của biến đổi

Những vấn đề của thời đại mới đòi hỏi ở chúng ta cả sự bền bỉ lẫn tính linh hoạt để tiếp cận và giải quyết một cách hiệu quả. Cùng điểm qua 6 lời khuyên về giải quyết vấn đề cần thiết cho các thử thách của giai đoạn bất ổn như hiện nay.

Sau những biến động kinh tế, địa chính trị, đại dịch và gần đây nhất là sự ra mắt của hàng loạt tiến bộ trong công nghệ AI, thế giới mà ta quen thuộc đã dần lùi xa trong khi bối cảnh xã hội mới thay đổi ngày một nhanh chóng. Những vấn đề của thời đại mới, do đó cũng đòi hỏi ở chúng ta cả sự bền bỉ lẫn tính linh hoạt để tiếp cận và giải quyết một cách hiệu quả.

Cùng điểm qua 6 lời khuyên về giải quyết vấn đề cần thiết được McKinsey & Company khuyến nghị cho các thử thách của giai đoạn bất ổn như hiện nay.

#1 Giữ lấy tính tò mò

Trải qua giai đoạn học hành và làm việc, người trưởng thành thường dễ đánh mất tính tò mò vốn sẵn có từ thuở bé. Thay vào đó, chúng ta bắt đầu có những thiên kiến làm hẹp đi các giới hạn trong thấu hiểu và tiếp cận vấn đề. Bởi tính tò mò là chìa khóa cho sáng tạo và triển vọng tìm ra giải pháp, hãy không ngừng đặt câu hỏi “tại sao” và đặt lên hàng đầu tâm thế cởi mở cho mọi khả năng.

#2 Khiêm tốn và chấp nhận sự thiếu hoàn hảo

Một chuyên gia giải quyết vấn đề không phải là thiên-tài-luôn-đúng, mà là người không ngừng thử-sai- lặp lại một cách khoa học để tìm đến hiểu biết khách quan về vấn đề. Khi biết khiêm tốn và học được cách chấp nhận tính thiếu hoàn hảo của hiểu biết sẵn có và tư duy lối mòn, chúng ta có nhiều triển vọng đến gần hơn với giải pháp tối ưu nhất.

#3 Áp dụng lăng kính “chuồn chuồn”

Với kết cấu mắt đặc biệt, chuồn chuồn có năng lực thị giác vô cùng đa dạng. Con người, với năng lực thấp hơn ở đôi mắt nhưng lại có khả năng vô hạn trong tư duy, cần học cách “nhìn thấy” vấn đề ở nhiều góc độ nhằm có được những hiểu biết xa hơn kiểu mẫu có sẵn. Hãy bước lùi lại, nhìn rộng ra và sẵn sàng vượt qua vùng hiểu biết quen thuộc để tăng khả năng tìm ra giải pháp.

Alt Text is not present for this image, Taking dc:title 'news-2-rmit-vietnam-launches-new-bachelor-of-business'

#4 Thực nghiệm

Bên cạnh những thông tin và dữ liệu sẵn có hay dễ dàng mua được, đừng ngại tự mình làm các thực nghiệm khi cần thiết. Từ kết quả có được, bạn có thêm dữ liệu, kiểm tra giả thuyết và giảm thiểu sự mơ hồ. Điều này đặc biệt cần thiết trong trường hợp nghiên cứu một vấn đề mới bởi nhiều hiểu biết mới mẻ khó mà được rút ra từ những dữ liệu cũ, nhất là khi các dữ liệu này cũng có thể được tiếp cận bởi đối thủ.

#5 Khai thác nguồn lực cộng đồng

Như Chris Bradley, tác giả quyển “Strategy Beyond the Hockey Stick” nhận định “thật sai lầm khi nghĩ rằng bạn đã có đủ những người thông minh nhất trong team của mình. Chẳng đủ đâu, bởi nhân tài mà bạn cần có thể ở bất kỳ đâu.” Bằng cách sử dụng nguồn lực bên ngoài, có thể từ một đôi nhóm khác, hoặc từ việc kêu gọi ngoài xã hội, bạn có thể tìm ra lời giải cho một vấn đề phức tạp tưởng như vô phương giải quyết. Tuy nhiên, cần ý thức được đầy đủ các chi phí, thời gian và giới hạn khi áp dụng phương pháp này.

#6 "Show and tell"

Sau bước tìm ra giải pháp, việc trình bày giải pháp cũng cần chiến lược phù hợp. Những người mới và thiếu kinh nghiệm thường rơi vào bẫy “tỏ ra nguy hiểm” với một rừng lý thuyết che mờ giải pháp cốt lõi của vấn đề. Người có kinh nghiệm hơn là người biết cách trình bày giải pháp một cách tinh tế và rõ ràng. Bạn cần xác định rõ: đâu là ý tưởng chính yếu để tạo ra khác biệt, từ đó trình bày lập luận của mình theo kiểu dễ theo dõi nhất về mặt thị giác.

Chia sẻ

Tin tức liên quan