Từng bước nâng cao năng lực với chương trình MBA

Từng bước nâng cao năng lực với chương trình MBA

Ngô Trần Thục Anh, học viên MBA tại RMIT, đã chia sẻ về những khó khăn ban đầu trong sự nghiệp và hành trình phát triển mà bạn đi qua cùng chương trình học để đổi mới tư duy và phát triển năng lực quản lý.

Đứng trước kế hoạch theo học chương trình Thạc sĩ, đa số học viên đều băn khoăn liệu nên làm việc vài năm tích lũy kinh nghiệm hay theo đà học tiếp Thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp Cử nhân. Những bạn chọn ưu tiên công việc thường đã đạt được một vài bước tiến sự nghiệp trước khi bắt đầu chương trình học. Nhưng với Ngô Trần Thục Anh, công việc lúc bấy giờ lại khiến bạn đối diện nhiều khó khăn.

Thục Anh yêu thích tìm tòi nghiên cứu và phát triển kỹ năng quản lý, thế nhưng bạn không tìm thấy cơ hội để phát huy sở trường của mình. Cùng lúc đó, việc bước vào năm đầu tiên của chương trình MBA dường như càng tăng thêm áp lực. “Năm đầu thật sự khó khăn. Đôi khi tôi phải thức đến sáng sớm để làm bài tập và hoàn thành công việc được giao. Thỉnh thoảng tôi phải xin nghỉ phép để dành thời gian cho việc học. Với quá nhiều gánh nặng, tôi quyết định chuyển hướng trong công việc của mình.”

Việc chọn dành thời gian tập trung cho năm học cuối đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. “Trong thời gian khá “nhẹ gánh” này, tôi bắt đầu có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn về tương lai. Lúc đó, tôi quyết định tìm hướng đi riêng cho bản thân và sáng lập WANNA DREAM. Chúng tôi cung cấp những giải pháp đổi mới và đáng tin cậy để xây dựng nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.” Thục Anh cho biết ý tưởng ban đầu tập trung vào hai tôn chỉ. Đầu tiên, WANNA DREAM vận hành với hình thức hợp tác thay vì theo kiểu mẫu công ty truyền thống. Ngoài ra, đối tượng khách hàng chính là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc công ty gia đình. 

Ngô Trần Thục Anh, học sinh MBA tại RMIT Việt Nam Ngô Trần Thục Anh, học sinh MBA tại RMIT Việt Nam

Một cách tình cờ, việc vận hành WANNA DREAM có nhiều điểm tương đồng với những gì được học trong chương trình MBA. Thục Anh hiểu hơn về con người, về cách họ đi đến kết luận và ra quyết định. Bạn cũng nhận ra, dù đã quen với những công cụ đằng sau digital marketing, việc ứng dụng chúng trong môi trường startup là một câu chuyện phức tạp hơn.

Với Thục Anh, các môn học như “Chiến lược”, “Kinh doanh khởi nghiệp thời kỹ thuật số”, “Thương hiệu cá nhân và lãnh đạo đích thực” đã tạo nên những tiến bộ tích cực cho bạn trong vai trò quản lý. “Với môn học về quản lý thương hiệu cá nhân, chúng tôi được yêu cầu tự thiết kế logo cá nhân và tìm ra thông điệp chính mà mình muốn truyền tải cho khách hàng và đồng nghiệp. Tôi tự xác định mình là kiểu người chăm sóc - mang đến những bữa ăn và niềm vui ấm áp. Tôi thiết kế logo cá nhân dựa trên cảm hứng từ một nhân vật đầu bếp người Ý, nơi vốn có văn hóa tập trung vào giá trị gia đình, ẩm thực và sự ấm cúng.” 

Một trong những bài học để lại dấu ấn với Thục Anh cũng là vấn đề mà nhiều quản lý trẻ gặp phải. “Tôi hỏi giảng viên về phương pháp quản lý những người lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi muốn biết cách để họ lắng nghe và tin tưởng mình. Thầy khuyên tôi nên là một người bạn, đừng chỉ là một người sếp. Hãy hỏi thăm và lắng nghe về những mối quan tâm của họ. Nói với họ rằng tôi sẵn sàng ở đó hỗ trợ khi họ cần.” Thục Anh đã lấy bài học này làm kim chỉ nam cho công việc quản lý hằng ngày của mình. Nhờ đó, bạn có thể đạt được sự thấu cảm tốt hơn và quản lý hiệu quả hơn.

Chia sẻ

Tin tức liên quan