Từ khoa học máy tính đến chiến lược doanh nghiệp - Bước chuyển từ tấm bằng MBA

Từ khoa học máy tính đến chiến lược doanh nghiệp - Bước chuyển từ tấm bằng MBA

Cùng theo dõi câu chuyện đầy cảm hứng của cựu cử nhân khoa học máy tính trong hành trình thăng tiến sự nghiệp trong lĩnh vực cố vấn chiến lược kinh doanh và sau đó là bước ngoặt quan trọng khi tham gia vào công cuộc nâng cao chất lượng đời sống của nhiều người thông qua việc phát triển thị trường cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới!

Trần Quang Vũ vốn bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học máy tính với vị trí chuyên viên phân tích rủi ro, phụ trách thiết kế các báo cáo quản trị rủi ro dựa trên cơ sở dữ liệu SQL, trích xuất và phân tích dữ liệu ở các tổ chức tài chính. Thế nhưng, Vũ lại tìm thấy niềm đam mê đặc biệt với kinh doanh và chiến lược. Đó là lý do anh quyết định theo học MBA, lựa chọn RMIT để không phải ra nước ngoài và hoàn thành chương trình toàn thời gian trong vòng 1 năm.  

“Nhìn lại chặng đường Thạc sĩ, tôi đã có một thời gian học tập và phát triển đáng nhớ ở RMIT, được quen biết bạn mới và kết nối với nhau ngay cả sau khi tốt nghiệp. Với kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là tư duy mới, tôi có được “tấm vé” để trở thành tôi của ngày hôm nay.” 

Sau khi tốt nghiệp, Vũ làm việc tại một Quỹ đầu tư kiêm công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Nhật Bản cho vị trí mà nếu không có tấm bằng Thạc sĩ, anh khó mà ứng tuyển thành công. Thế nhưng, công việc mới đòi hỏi rất nhiều thời gian tự tìm tòi. “Những ngày đầu vô cùng thử thách, tôi phải dành nhiều thời gian để làm quen với nhu cầu công việc. Nhưng may mắn là tôi có một tinh thần học tập tích cực và khả năng thích nghi, nhờ đó vượt qua những thách thức một cách thành công.”  

Cũng vào lúc đó, Vũ tự hỏi “Liệu việc mình làm có thể mang lại những ảnh hưởng như thế nào với xã hội?” 

Sau đó là một bước ngoặt mở ra giai đoạn phát triển nhanh chóng của Vũ trong vai trò cố vấn. Vũ chuyển sang Deloitte, sau đó đến THP với vị trí Corporate Strategy Manager & Investment Manager, và tiếp đến làm việc ở KPMG với vị trí Manager rồi thăng bậc lên Associate Director. Đó là một hành trình mà trong đó anh luôn hướng đến việc hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất cho khách hàng của mình. 

“Từ khoảnh khắc đặt ra câu hỏi về ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của công việc mình làm, tôi nhận ra rằng dù làm gì đi nữa, cũng phải tìm thấy niềm vui từ việc đó. Phải cố gắng học thật nhiều điều hay từ bạn bè, khách hàng, giảng viên đến cả mentor. Dù bạn học được gì từ họ đi nữa, hãy tin rằng một lúc nào đó những bài học này sẽ trở nên hữu ích.” 

Trên hành trình kiến tạo những ảnh hưởng tích cực, Vũ quyết định tham gia hỗ trợ gia đình nhà vợ, thành lập công ty phân phối nhằm phát triển thương hiệu “Gạo Ông Cua", sản phẩm được làm từ giống lúa đạt giải “Ngon Nhất Thế Giới”. Vũ chia sẻ “Tôi rất tôn trọng và khâm phục những nỗ lực của ba vợ. Với ông, những lợi ích về tài chính không phải là mục tiêu cuối cùng, ngược lại, ông mong muốn mang đến một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân Việt và tạo nên thương hiệu quốc tế cho gạo Việt. Ông dành ra 40 năm để phát triển các giống lúa thơm và đã thành công vang dội với giống lúa ST25 từ Sóc Trăng, và giờ đây ST25 đã trở thành loại gạo được săn đón hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam.” 

Một trong những giá trị quan trọng hàng đầu mà công ty theo đuổi là giúp tăng thu nhập cho người nông dân. “Bạn có thể thấy rất rõ giá trị gia tăng được phân bổ một cách rõ ràng trong toàn bộ chuỗi giá trị. Nông dân có thu nhập cao hơn, các nhà sản xuất và phân phối cũng thế. Mọi người đều tự hào là một phần của chuỗi giá trị này. Điều này cho thấy ta sẽ đạt được các kết quả tốt đẹp khi nghiêm túc quan tâm đến lợi ích chung”  

Một chương trình Thạc sĩ có thể là “tấm vé” để tạo ra bước ngoặt quan trọng trong hành trình tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Bạn có muốn là một phần của hành trình đó? Cùng tìm hiểu các chương trình Thạc sĩ đang được giảng dạy tại RMIT! 

Chia sẻ

Tin tức liên quan