Biến căng thẳng thương mại thành lợi thế chiến lược
Nghịch lý thay, tranh chấp thương mại có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội độc nhất để củng cố lĩnh vực năng lượng tái tạo của đất nước. Khi các công ty trên toàn thế giới tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể định vị mình như một trung tâm chiến lược về sản xuất năng lượng tái tạo.
Bằng cách phát triển năng lực sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước, Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời tạo ra việc làm mang lại giá trị cao và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các hiệp định thương mại hiện có, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cho Việt Nam khả năng tiếp cập đầy cạnh tranh vào các thị trường đa dạng, thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Định hướng tương lai: xây dựng khả năng phục hồi
Để duy trì vị thế dẫn đầu trong năng lượng tái tạo, có một số ưu tiên mà Việt Nam cần thực hiện. Thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua hỗ trợ tài chính, giảm thuế và các quy trình quản lý liền mạch. Tăng cường quan hệ đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực và liên doanh, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Một trọng tâm quan trọng khác là thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới và các giải pháp kỹ thuật. Việc ưu tiên nghiên cứu và phát triển các công nghệ tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng có thể định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và phục hồi. Các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân nên hợp tác để phát triển những giải pháp cấp tiến phù hợp với điều kiện trong nước.
Đầu tư vào hiện đại hóa lưới điện và các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến cũng là một điểm quan trọng. Nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ giúp tích hợp và ổn định các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu các vấn đề gián đoạn và nâng cao độ tin cậy. Đẩy mạnh quan hệ đối tác công-tư có thể huy động thêm nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật, đẩy nhanh việc cải thiện cơ sở hạ tầng.
Thiết lập các chính sách năng lượng tái tạo ổn định, minh bạch và dài hạn là một ưu tiên khác cần chú ý. Các khung pháp lý có thể dự đoán, được sự hỗ trợ bởi những ưu đãi rõ ràng và nhất quán, sẽ thu hút nguồn tài trợ quốc tế bền vững và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Truyền thông về chính sách rõ ràng sẽ định vị Việt Nam là điểm đến đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu đáng tin cậy và hấp dẫn.
Mặc dù căng thẳng thương mại và thuế đối ứng tiềm ẩn rủi ro, song chính điều này cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội độc đáo để xây dựng ngành năng lượng tái tạo tiên tiến và có khả năng phục hồi. Bằng cách tận dụng các nguồn lực hiện có, giải quyết những lỗ hổng thông qua nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật, cũng như áp dụng các chính sách toàn diện, Việt Nam có thể biến những thách thức này thành quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Bài: Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Khương, giảng viên Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam
Hình đại diện: Hanoi Photography – stock.adobe.com
Hình đầu trang: Dong – stock.adobe.com