Bên cạnh thương mại, tiền điện tử cũng nổi lên như một lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ chính quyền Trump. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, các chính sách mới có thể tạo môi trường thuận lợi hơn cho Bitcoin và các tài sản số khác thông qua kế hoạch miễn thuế lợi tức vốn và xây dựng kho dự trữ Bitcoin quốc gia. Tuy nhiên, trong khi Hoa Kỳ có thể trở thành trung tâm toàn cầu cho tiền điện tử, nhiều quốc gia khác vẫn giữ thái độ thận trọng, dẫn đến sự phân cực trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia lĩnh vực này là rõ ràng, đặc biệt với sự gia tăng nhu cầu sử dụng công nghệ blockchain và giao dịch số. Tuy nhiên, rủi ro từ sự biến động cao và các quy định pháp lý không đồng nhất giữa các thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh rơi vào những tình thế bất lợi trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy biến động.
Thách thức từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và công nghệ
Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc được kích hoạt bởi các chính sách thuế quan của Trump mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà, chuyên gia kinh tế tại RMIT Việt Nam, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư cởi mở. Tuy nhiên, bà Trà nhấn mạnh rằng nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở vai trò gia công và lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng cho nền kinh tế sẽ rất thấp.
Tiến sĩ Scott McDonald từ ngành Quản lý Chuỗi cung ứng tại RMIT Việt Nam nhấn mạnh sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không phải là một cơ hội tự nhiên mà doanh nghiệp có thể tận dụng dễ dàng. Cạnh tranh về giá không còn là lợi thế duy nhất – các doanh nghiệp cần phải hướng tới cạnh tranh dựa trên giá trị. Điều này đòi hỏi không chỉ cải tiến quy trình sản xuất mà còn xây dựng sự hiện diện trực tiếp tại thị trường Mỹ, như thông qua các văn phòng đại diện hoặc trung tâm phân phối. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu tư cao và các rủi ro từ chính sách biến động.