Các diễn giả cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc trang bị kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế cho sinh viên.
Ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng bộ phận Dịch vụ doanh nghiệp kiêm Giám đốc Tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại KPMG Việt Nam, đề xuất: “Các trường đại học có thể đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kết nối các nhà sáng lập ở giai đoạn đầu với các thành tố hỗ trợ khác trong hệ sinh thái như cố vấn, chuyên gia và nhà đầu tư. Các trường đại học có thể hợp tác chặt chẽ với chính phủ để giúp sinh viên giao lưu quốc tế nhiều hơn”.
Ông Mex Cao bổ sung: “Các trường đại học nên tạo điều kiện trao đổi đa văn hóa với những trường ở nước ngoài và giúp sinh viên tiếp cận các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu ở các quốc gia khác nhau thông qua những chương trình trại hè hoặc trại đông”.
Theo ông, mặc dù rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo bắt nguồn từ các trường đại học, nhưng sinh viên thường chỉ coi dự án ở trường đơn thuần là bài tập thay vì là những dự án kinh doanh nghiêm túc, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tế và tạo ra lợi nhuận. Hơn nữa, các nhà sáng lập startup trẻ Việt Nam thường thiếu kiến thức thực tế và khả năng tiếp cận các xu hướng công nghệ quốc tế.
Ông Cao nói: “Các trường đại học thường dạy sinh viên cách vượt qua các kỳ thi và bài tập, nhưng lại không dạy sinh viên cách thất bại. Khởi nghiệp cần có sự thất bại – cần thất bại nhanh chóng để học hỏi từ những thất bại đó”.
Ông Jeffrey Nah, Giám đốc điều hành của JN Capital & Development Advisory, nhận định: "Theo tôi, trau dồi kiến thức và kỹ năng thông qua sự cố vấn và huấn luyện của các nhà sáng lập dày dạn kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thêm nhiều công ty khởi nghiệp giàu tiềm năng. Điều này, một cách tự nhiên, sẽ giúp thu hút vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, miễn là tỷ lệ rủi ro-lợi nhuận nằm trong khả năng chấp nhận của họ".