Kiến tạo di sản văn hóa-xã hội cho tương lai

Kiến tạo di sản văn hóa-xã hội cho tương lai

Nhiều chuyên gia quốc tế hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, thiết kế và nhiếp ảnh đã hội tụ tại Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) 2023 để thảo luận về di sản tương lai đa dạng của Việt Nam và làm thế nào có thể định hình chúng từ những hành động có chủ đích ngày hôm nay.

Hiểu một cách đơn giản, khái niệm “di sản tương lai” chỉ ra rằng những quyết định có chủ ý được đưa ra ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Có thể đó là một đề án cải tạo đô thị quy mô lớn, một loại vải bền vững, hay những nỗ lực hiện đại hóa các nghề thủ công truyền thống. Thông qua hành động của mình, những người làm nghề sáng tạo và cộng đồng rộng lớn hơn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo những gì mà thế hệ tương lai sẽ coi là di sản.

Để thúc đẩy trao đổi kiến thức và hợp tác vì di sản tương lai Việt Nam, Đại học RMIT và các đối tác gần đây đã tổ chức hai hội thảo chuyên đề tại TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Hà Nội trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam thường niên lần thứ năm.

Một phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo Di sản tương lai tại TP.HCM (Hình: VFCD) Một phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo Di sản tương lai tại TP.HCM (Hình: VFCD)

Ba mươi diễn giả trong và ngoài nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực sáng tạo khác nhau đã chia sẻ hiểu biết chuyên môn của mình trong các buổi hội thảo này.

Được đồng tổ chức bởi Đại học RMIT và Đại học Kiến trúc TP.HCM, hội thảo tại TP.HCM tập trung vào vai trò của việc thiết kế và thiết lập bản đồ không gian như kho lưu trữ ký ức, ý nghĩa và bản sắc Việt Nam.

Trong khi đó, mục đích của sự kiện ở Hà Nội là đem đến nền tảng để thảo luận về giá trị sáng tạo của “tính Việt Nam” – điều gì tạo nên tính độc đáo của Việt Nam ở thời điểm hiện tại và cần được tiếp nối trong tương lai.

Nhà sáng lập và Kiến trúc sư trưởng từng nhận nhiều giải thưởng của MIA Design Studio, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh là một trong những diễn giả tại sự kiện ở TP. Hồ Chí Minh. Là một chuyên gia về thiết kế công trình khách sạn và nhà ở thân thiện với môi trường, ông Mạnh trình bày cách kiến trúc có thể chuyển đổi những thành phố đang phải vật lộn với biến đổi khí hậu như TP.HCM theo hướng tích cực.

Kiến trúc sự từng nhận nhiều giải thưởng Nguyễn Hoàng Mạnh (Hình: VFCD) Kiến trúc sự từng nhận nhiều giải thưởng Nguyễn Hoàng Mạnh (Hình: VFCD)

Các dự án của ông đã đem đến những tòa nhà có tính tương tác “cho và nhận” với thiên nhiên, chẳng hạn như thông qua những khoảng trống và không gian xanh tích hợp bên trong.

Ông Mạnh cho biết: “Mỗi yếu tố thiết kế nhỏ đều có thể góp phần vào phát triển bền vững xã hội với nhiều không gian xanh mở”.

“Thật tuyệt vời khi được giao lưu với các đồng nghiệp trong giới kiến trúc và thiết kế với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm đa dạng như vậy. Hy vọng rằng chúng tôi có thể cùng nhau tạo động lực cho các kiến trúc sư trẻ Việt Nam và cộng đồng xã hội phát triển đất nước song song với bảo tồn thiên nhiên cho thế hệ tương lai”.

Còn đối với kiến trúc sư Paul-Antoine Lucas và Bùi Quý Sơn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực sáng tạo đa dạng đã thôi thúc họ mở ra một cách tiếp cận khác đối với di sản tương lai tại hội thảo ở Hà Nội.

Bùi Quý Sơn (trái) và Paul-Antoine Lucas (phải) thuộc dự án Exutoire (Hình: Exutoire) Bùi Quý Sơn (trái) và Paul-Antoine Lucas (phải) thuộc dự án Exutoire (Hình: Exutoire)

Bộ đôi này đã sáng lập dự án thực hành sáng tạo Exutoire vào năm 2019, hiện đang hoạt động ở các thành phố Oslo, Paris và Hà Nội. Kể từ khi chuyển đến Hà Nội sinh sống từ đầu năm nay, họ đã tiến hành nghiên cứu thông qua thiết kế nhằm khám phá cách ứng dụng các nghệ thuật thủ công khác nhau vào tạo dựng không gian.

Những chuyến đi thực địa đến các làng nghề trong nội đô và xung quanh Hà Nội đã giúp họ khám phá lại nghệ thuật làm gạch, sơn mài, tre hun khói, v.v. và kết nối hợp tác với nghệ nhân địa phương.

Nhóm cho biết: “Nghiên cứu mà chúng tôi đang thực hiện xoay quanh việc làm mới cách tiếp cận kiến thức truyền thống như một di sản vật thể và phi vật thể. Dự án này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những cách mà các tập quán thủ công địa phương có thể truyền cảm hứng cho tính bền vững xã hội và môi trường trong thiết kế”. 

Phó trưởng khoa Nhiếp ảnh Đại học RMIT, Tiến sĩ Alison Bennett đã dùng nhiếp ảnh làm phương tiện để trình bày với khán giả Hà Nội về ý tưởng “nối dài di sản”.

mô hình 3D không gian sống ở phố cổ Hà Nội Tiến sĩ Alison Bennett đã tạo mô hình 3D của một không gian sống trong phố cổ Hà Nội từ ảnh chụp. (Hình: Alison Bennett)

Tiến sĩ Bennett đặt câu hỏi: “Việc tạo một bản sao kỹ thuật số có ý nghĩa gì? Liệu nó có mở rộng và chia sẻ giá trị của hiện vật không? Hay liệu nó có làm cho hiện vật dễ bị tổn thương hơn không?”.

Nhiếp ảnh gia/nhà giáo này đến thăm Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1993 và trở lại thành phố thủ đô tròn ba mươi năm sau cùng một nhóm sinh viên RMIT Australia đi trao đổi học tập tại đây. Hành trình chụp ảnh của nhóm tại Hà Nội đã ghi lại những kiến trúc đặc trưng của thành phố, từ biệt thự Pháp đến nhà tập thể xây dựng từ những năm 1980 và những căn nhà ống, đồng thời cũng khám phá cách các công trình này không ngừng thích nghi với thời đại.

“Chúng ta cần hiểu rằng mọi lựa chọn của chúng ta đều sẽ du hành thời gian vươn tầm ảnh hưởng đến tương lai. Thêm nữa, không thể tách rời các yếu tố văn hóa, công nghệ và sinh thái khỏi nhau – chúng có mối liên hệ sâu sắc với nhau trong mỗi di sản”, Tiến sĩ Bennett nói.

Diễn giả và khán giả tại hội thảo Di sản tương lai tại TP.HCM (Hình: VFCD) Diễn giả và khán giả tại hội thảo Di sản tương lai tại TP.HCM (Hình: VFCD)

Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, một trong những tâm điểm của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam chính là quan hệ hợp tác quốc tế – đặc biệt là giữa Việt Nam và Australia. Các hội thảo chuyên đề về di sản tương lai là một minh chứng rõ rệt cho điểm nổi bật này.

Tiến sĩ Rachel Jahja, giảng viên Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại RMIT Việt Nam kiêm chủ trì hai hội thảo trên, cho biết: “Tôi nhận thấy ngày càng nhiều cơ hội hợp tác trao đổi trong tương lai giữa RMIT và cộng đồng sáng tạo ở cả Việt Nam lẫn Australia. Nhiều người tham gia hội thảo thể hiện rõ nét mối quan tâm đến việc phát triển thêm các dự án và ấn phẩm xung quanh chủ đề di sản tương lai, và đó là một kết quả hết sức tích cực”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Cộng đồng

Tin tức liên quan