Việt Nam có sẵn sàng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Việt Nam có sẵn sàng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Ba giảng viên Đại học RMIT nhận định về tiềm năng của Việt Nam để trở thành cường quốc sản xuất chip bán dẫn.

Báo chí truyền thông gần đây đưa tin rộng rãi về sự quan tâm của nước ngoài đối với ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam – từ dự định đào tạo kỹ sư thiết kế chip, đến đầu tư vào các cơ sở sản xuất linh kiện và vật liệu bán dẫn.

FPT Semiconductor, công ty trực thuộc Tập đoàn FPT, mới đây đã công bố dòng chip bán dẫn tích hợp đầu tiên của hãng được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Hàn Quốc.

Trước đó, ông lớn trong ngành viễn thông Việt Nam là Viettel cũng đã đề xuất tự sản xuất chip trong bối cảnh khan hiếm chip trên toàn cầu.

Đâu là động lực đằng sau những diễn tiến này? Cùng tìm hiểu góc nhìn của ba giảng viên RMIT: Tiến sĩ Majo George, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Kinh doanh và Quản trị) và Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy (Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ).

(Từ trái qua phải) Tiến sĩ Majo George, Tiễn sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy (Từ trái qua phải) Tiến sĩ Majo George, Tiễn sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy

Tiến sĩ Majo George: “Quyết định đúng đắn và đúng thời điểm”

COVID-19 gây nên tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng trên toàn cầu. Đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại bốn “công xưởng” sản xuất bán dẫn lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương gồm Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xu hướng làm việc tại nhà cũng làm tăng doanh số bán máy tính xách tay, hệ thống giải trí tại gia và máy chơi game, khiến nhu cầu về chip gia tăng và mất cân bằng cung-cầu trên thị trường.

Quyết định sản xuất chip tại Việt Nam được đưa ra đúng thời điểm, khi thế giới đang thiếu chip còn Việt Nam thì đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip sẽ là cơ hội để Việt Nam tự phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất. Bước tiến này có thể đầy thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực trong tương lai.

Các ngành công nghiệp trong nước có thể mua chip sản xuất nội địa. Và sản lượng chip của Việt Nam có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu và khu vực.

Cần ưu tiên đảm bảo chất lượng cho chip bán dẫn sản xuất tại Việt Nam, cũng như nghiên cứu và cập nhật sản phẩm định kỳ. Việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu và chuyên gia có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm sẽ là một thách thức. Việt Nam sẽ phải tăng cường đào tạo và phát triển lao động có kỹ năng trong nước, có thể là thông qua hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu có uy tín.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Xây dựng chuỗi cung ứng ổn định”

Việc sản xuất chip ở Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển “Make in Vietnam”. Hầu hết mọi khía cạnh của xã hội hiện đại đều cần đến chất bán dẫn. Nếu thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ chen chân vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sự.

Tuy nhiên, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh thì không chỉ cần có vốn đầu tư. Tiếp cận công nghệ phù hợp, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định sẽ là một bài toán nhiều ẩn số.

Quy trình sản xuất chip bán dẫn có ba công đoạn chính: (1) thiết kế, (2) sản xuất, và (3) lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (assembly, testing, and packaging - ATP). Giai đoạn 1 và 2 là những quy trình có nhiều giá trị và hàm lượng công nghệ cao, gắn liền với nghiên cứu và phát triển (R&D), phần mềm chuyên dụng cho thiết kế và các thiết bị sản xuất dặc thù. Giai đoạn 3 có hàm lượng lao động cao và các rào cản thấp nhất.

Tham gia giai đoạn 3 có vẻ là dễ dàng nhất với Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc Việt Nam tham gia thị trường đầy cạnh tranh này nên là thúc đẩy năng lực thiết kế chip và tiến tới sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy: “Vạch ra chiến lược trung hạn và dài hạn”

Ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 10% năm 2022 và lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức doanh thu 600 tỉ đô la, sớm trở thành ngành công nghiệp nghìn tỉ đô vào năm 2030.

Việc tham gia vào quy trình R&D, thiết kế, sản xuất và cung ứng chip bán dẫn toàn cầu sẽ mang đến lợi thế kinh tế vô cùng lớn cho Việt Nam. Với vị thế và khả năng của Việt Nam, cần có chiến lược trung và dài hạn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Về trung hạn, Việt Nam cần tham gia vào những công đoạn R&D đòi hỏi chủ đạo là yếu tố con người. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Samsung, Intel, Synopsys, Cadence, v.v. thành lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam. Song song với đó, cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. 

Về dài hạn, Việt Nam cần nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn tất cả các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn.

Về phía Đại học RMIT Việt Nam, kỹ thuật thiết kế và phát triển ứng dụng dựa trên chip bán dẫn đang được tích hợp giảng dạy trong một số chương trình kỹ sư. Sinh viên được học và thực hành với phần mềm thiết kế chip bán dẫn của các doanh nghiệp hàng đầu như Mentor Graphics hay Synopsys, đồng thời làm dự án cuối khóa hoặc thực tập tốt nghiệp với các đối tác doanh nghiệp đầu ngành như Intel, Faraday, Renesas.

Ngoài ra, hiện tại chúng tôi đang đánh giá tính khả thi của việc giới thiệu một chương trình đào tạo kỹ sư chuyên biệt cho lĩnh vực bán dẫn. Mong muốn của chúng tôi là có thể cộng tác sâu rộng với các trường đại học trong nước cũng như các tập đoàn lớn trên toàn cầu để đóng góp vào sự nghiệp phát triển lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

Tin tức liên quan