Sinh viên học bổng tìm thấy sức mạnh từ ý tưởng được lan tỏa

Sinh viên học bổng tìm thấy sức mạnh từ ý tưởng được lan tỏa

“Vượt qua giới hạn của chính mình và thử sức với mọi thứ”, đó là phương châm sống giúp Nguyễn Phú Thịnh giành Học bổng toàn phần từ Đại học RMIT.

Là một trong tám sinh viên nhận Học bổng toàn phần Đại học RMIT Việt Nam năm nay, Thịnh gây ấn tượng với hội đồng xét học bổng nhờ thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa.

Cậu bạn từng đoạt giải tại một số cuộc thi cấp thành phố và quốc gia. Trong đó phải kể đến giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, nơi cậu so tài cùng với hầu hết là các anh chị lớp 12 khi bản thân mới học lớp 11.

Ngoài giờ học, Thịnh tích cực tham gia các cuộc thi tranh biện và từng là chủ nhiệm của The Colosseum – CLB tranh biện ở ngôi trường THPT mà cậu theo học. Cậu cũng từng là chủ tịch của Hinges, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và tâm lý học, đồng thời là trưởng ban nội dung của dự án văn hóa GẤC ĐỎ.

Thịnh (đứng giữa trong hình) cùng gia đình và lãnh đạo Đại học RMIT. Thịnh (đứng giữa trong hình) cùng gia đình và lãnh đạo Đại học RMIT.

“Tôi là người thích tư duy, hùng biện và viết lách. Quan trọng hơn, tôi tin vào sức mạnh của việc chia sẻ ý tưởng”, Thịnh viết trong hồ sơ xin học bổng của mình.

“Những năm qua, tôi đã nỗ lực không ngừng để nâng cao kỹ năng lan tỏa những câu chuyện và ý tưởng có ý nghĩa của bản thân, cũng như đấu tranh cho quyền được thể hiện mình của người khác”.

Nhưng không phải lúc nào Thịnh cũng vậy. Nghe chàng trai trẻ trò chuyện nhiệt huyết ngày hôm nay, hầu hết mọi người đều không thể ngờ rằng Thịnh từng là một cậu bé ít nói và sống thu mình sau khi mất mẹ năm 10 tuổi.

“Đã có một khoảng thời gian tôi không nói chuyện với ai hết. Dù bị bạn học bắt nạt nhưng tôi vẫn hoàn toàn im lặng. Tôi bị tê liệt bởi cảm giác đau khổ kể từ khi mẹ qua đời và vì còn quá nhỏ nên khi đó tôi không biết cách nào để vượt qua”, Thịnh nhớ lại.

Mọi thứ thay đổi khi cậu chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình trong một bài kiểm tra cuối năm lớp 6. Những chia sẻ chân thực trong bài viết đã khiến cô giáo Ngữ văn của Thịnh vô cùng cảm động. Cô chọn cậu tham gia một cuộc thi viết văn ở quận sau đó. Thịnh giành được giải ba cùng một tấm vé vào vòng thi cấp thành phố.

“Kể từ ngày đó, tôi cởi mở hơn và bắt đầu tham gia nhiều hoạt động để chia sẻ suy nghĩ của mình về những vấn đề xung quanh. Tôi nhận ra rằng việc lan tỏa ý tưởng có sức mạnh chữa lành nỗi đau và khả năng tác động lên từng cá nhân nói riêng và xã hội nói chung”.

Thịnh (phía trước trong hình) cùng đồng đội tại một giải đấu tranh biện. Thịnh (phía trước trong hình) cùng đồng đội tại một giải đấu tranh biện.

Thịnh đang theo học ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT với mong muốn có thể “lan tỏa ý tưởng của bản thân, khuyến khích mọi người xung quanh cất lên tiếng nói của riêng mình, và cùng nhau tạo tác động lên xã hội”.

Vào năm lớp 10, Thịnh có dịp tham gia một buổi trải nghiệm học tập tại cơ sở Nam Sài Gòn của RMIT. Ngay từ lúc bước chân vào trường, cậu bạn đã xác định đây sẽ là nơi mình muốn gắn bó trong suốt những năm tháng đại học.

“Là một người muốn mang lại tiếng nói và giá trị cho cộng đồng qua những dự án và hoạt động khác nhau, tôi tin rằng với môi trường năng động, sáng tạo, và tràn đầy nhiệt huyết tại RMIT, mình sẽ có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân và cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng”, Thịnh chia sẻ.

‘RMIT hoặc không là gì cả’ là mục tiêu mà Thịnh đặt ra cho bản thân suốt ba năm cấp 3 để phấn đấu giành học bổng RMIT.

“Một lời khuyên cho những bạn học sinh muốn chinh phục học bổng như mình là hãy xây dựng một câu chuyện mang đậm dấu ấn của bản thân. Hãy kể câu chuyện bằng hình ảnh, câu từ, hay những thước phim. Hãy kể câu chuyện theo cách riêng của mình và bạn sẽ có thể nổi bật trong đám đông ứng viên”.

Thịnh chia sẻ thêm: “Vòng phỏng vấn là vòng bất ngờ nhất vì có tới gần 10 thầy cô cùng tham gia phỏng vấn. Các bạn hãy tỏ ra tự tin và nhiệt huyết hết sức có thể. Dù bạn có thể trả lời không xuất sắc lắm, nhưng chính sự tự tin và nhiệt huyết ấy sẽ là điểm cộng rất lớn.”

Hình chụp chân dung Thịnh Thịnh giữ cân bằng giữa cuộc sống và công việc học tập bằng cách dành thời gian cho những sở thích như ăn uống, xem phim, dưỡng da, bói bài tarot, hay học thiết kế đồ họa và ngoại ngữ.

Khác với định kiến “học sinh giỏi tối ngày dùi mài kinh sử”, Thịnh luôn cố gắng giữ cân bằng giữa cuộc sống và công việc học tập bằng cách dành thời gian cho những sở thích như ăn uống, xem phim, dưỡng da, bói bài tarot, hay học thiết kế đồ họa và ngoại ngữ.

Cựu nam sinh trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã học tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Trung được một thời gian. Ban đầu Thịnh chỉ học vì sở thích cá nhân nhưng dần dà cậu nhận thấy ngoại ngữ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu về các nền văn hóa khác và giao tiếp với mọi người tốt hơn.

“Tôi mong muốn trong tương lai xa có cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau để trau dồi kinh nghiệm và đa dạng hóa tư duy của bản thân trong công việc truyền thông sau này”.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Học bổng

Tin tức liên quan