Cựu sinh viên RMIT tìm cảm hứng và thành công từ hành trình khám phá bản thân

Cựu sinh viên RMIT tìm cảm hứng và thành công từ hành trình khám phá bản thân

"Làm thế nào để biết được sứ mệnh của mình trong cuộc sống?" Đối với cựu sinh viên RMIT Nguyễn Huyền Châu, nỗ lực tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này là một hành trình khám phá bản thân đầy kỳ thú.

Hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp Đại học RMIT, Châu vẫn nhớ rõ khóa học về kỹ năng lãnh đạo trong chương trình Cử nhân Thương mại mà cô từng theo học. Đó là lần đầu tiên cô được làm trắc nghiệm tính cách với công cụ MBTI (Myers–Briggs Type Indicator).

“Kết quả bài trắc nghiệm cho thấy tôi mang tính cách ENFP, thuộc nhóm ‘những người khám phá’. Cũng có lẽ vì thế mà cuộc sống của tôi về sau giống như một quá trình liên tục khám phá những môi trường làm việc khác nhau”, Châu chia sẻ.

news-1-nguyen-huyen-chau-alumnus Nguyễn Huyền Châu (bên trái trong hình) tốt nghiệp Cử nhân Thương mại Đại học RMIT vào năm 2008.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Châu làm việc cho một công ty bất động sản đa quốc gia rồi chuyển sang đầu quân cho tổng công ty đầu tư lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước ở Việt Nam. Nhưng sau đó cô quyết định từ bỏ công việc văn phòng để tìm hướng đi cho riêng mình.

“Năm 27 tuổi, tôi rơi vào ‘khủng hoảng một phần tư cuộc đời’. Thời gian này khiến tôi tự vấn về định danh và giá trị của bản thân, cũng như mục tiêu của cuộc đời mình. Sau nhiều đêm mất ngủ thì tôi nhận ra rằng mình chưa sống một cuộc sống như mong muốn. Vì vậy tôi quyết định bắt đầu làm việc theo cách của mình”, Châu kể lại.

Châu dành một vài năm “gap year” để tham gia các dự án cộng đồng và làm freelance cho một số tổ chức phi chính phủ, giúp xây dựng trường học và cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Cô cũng là một thành viên tích cực của cộng đồng Global Shapers thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Hà Nội.

news-2-nguyen-huyen-chau-alumnus Châu (phía giữa hình, đối diện ống kính) trong một chuyến công tác ở Hà Giang cho dự án “Action for Lùng Tám” nhằm thiết kế cơ sở sản xuất mới cho hợp tác xã dệt vải lanh của cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương.

Cô còn mở một trung tâm dạy nhảy vào năm 2011 (hiện đã ngừng hoạt động) và đồng sáng lập ra CA' Library (thư viện đầu tiên ở Hà Nội chuyên về nghệ thuật và kiến trúc) vào năm 2017. Đứa con tinh thần gần đây nhất của Châu là VAN•HOA, một công ty giải pháp sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa mà cô là người sáng lập và giám đốc điều hành.

Châu cho biết mình đã phải trải qua nhiều thử nghiệm và sai lầm thì mới xác định được trọng tâm cần ưu tiên. Hiện cô dành nhiều thời gian để xây dựng hệ thống sinh thái của riêng mình trong lĩnh vực sáng tạo.

“Công việc của tôi tại VAN•HOA nhằm mục đích truyền cảm hứng và kết nối các thế hệ khác nhau thông qua các ý tưởng sáng tạo có nguồn gốc văn hóa bản địa. Còn CA’ Library thì cung cấp không gian để những người thực hành sáng tạo có thể trao đổi ý tưởng và kiến thức về nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế và văn hóa”, Châu giải thích.

Châu nảy ra ý tưởng sáng lập VAN•HOA sau khi đi dự nhiều hội thảo quốc tế mà không thể tìm được những món quà chất lượng cao và giàu bản sắc văn hóa Việt để tặng cho bạn bè nước ngoài.

“Tôi nhận ra rằng trên thị trường vẫn còn thiếu những thiết kế thị giác hay sản phẩm mà không cần đề chữ ‘Made in Vietnam’ nhưng người nhận vẫn tự hiểu được rằng nó đến từ Việt Nam”, Châu cho biết.

“Vì vậy tôi đã sáng lập nên VAN•HOA và quyết định bước đi đầu tiên là tiếp cận các doanh nghiệp thông qua hàng loạt sản phẩm và dịch vụ sáng tạo đa dạng. Tôi mong muốn làm cầu nối giữa những người làm nghề sáng tạo với cộng đồng doanh nghiệp, để từ đó mọi người có lý do ủng hộ nhiều hơn cho mảng văn hóa”.

news-3-nguyen-huyen-chau-alumnus Châu (bên trái trong hình) đại diện cho công ty VAN•HOA ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tò He Việt nhằm khôi phục Con giống bột Việt Nam - nghệ thuật ngàn năm tuổi đang có nguy cơ thất truyền.

Là một người có nhiều sở thích khác nhau, Châu tin rằng hành trình của mình sẽ không dừng lại ở VAN•HOA. Cô cảm thấy may mắn vì vẫn liên tục khám phá những cơ hội mới.

“Đại học thực sự là môi trường học tập đầu tiên mà tôi được khuyến khích đặt câu hỏi, dẫu câu hỏi đó có phần ngô nghê đi chăng nữa. Tôi được thử những ý tưởng mới và giao lưu với những cá tính khác nhau đến từ nhiều nền văn hóa. Khoảng thời gian đó đã định hình rõ nét cách tôi nhìn nhận về sự phát triển của cá nhân”, Châu chia sẻ.

“Mọi người thường nói hành trình quan trọng hơn đích đến. Thông qua hành trình của mình, tôi đã khôn ngoan hơn, biết thông cảm hơn và sẵn sàng học hỏi hơn. Đó là những điều khiến tôi tự hào nhất”.

Tìm hiểu thêm về câu chuyện của Nguyễn Huyền Châu qua đoạn phim do Đại học RMIT thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Phát triển nghề nghiệp
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan