Tân khoa RMIT góp sức thúc đẩy an ninh mạng trong môi trường học trực tuyến

Tân khoa RMIT góp sức thúc đẩy an ninh mạng trong môi trường học trực tuyến

Tân khoa ngành kỹ sư phần mềm RMIT đã lưu dấu ấn tại hội thảo khoa học tổ chức bởi IEEE, tổ chức nghề nghiệp về công nghệ lớn nhất thế giới, qua ứng dụng thuộc khuôn khổ một nghiên cứu khoá học.

news-rmit-graduate-strengthens-cybersecurity-in-online-learning-environments Tân khoa ngành Kỹ thuật (Kỹ sư phần mềm) (Honours) Lê Gia Bảo (trong hình, bên trái) và thầy - Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy (trong hình, bên phải).

Tân khoa Lê Gia Bảo tốt nghiệp ngành Kỹ thuật (Kỹ sư phần mềm) (Honours), Đại học RMIT, đã thiết kế và xây dựng phần mềm phân tích hệ thống cho nghiên cứu khoa học do một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Việt Nam thực hiện với tiêu đề “Phân tích hệ thống để nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho sinh viên trong hệ thống học tập trực tuyến”.

Thành viên nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy cho biết: “Dù nhiều trường đang đưa các môn học lên giảng dạy rộng rãi trên hệ thống học tập trực tuyến trên nền tảng internet, hệ thống này hiếm khi coi trọng các vấn đề an ninh mạng”.

Tiến sĩ Duy cũng là giảng viên và Chủ nhiệm cấp cao chương trình Công nghệ thông tinKỹ sư phần mềm tại Đại học RMIT. Ông chỉ ra các vấn đề chính của nhận thức về an ninh mạng của sinh viên, trong đó gồm các mối nguy nội tại, yêu cầu xác nhận danh tính giả mạo và rò rỉ thông tin cá nhân.

Tiến sĩ Duy chia sẻ rằng Bảo đã giúp nhóm nghiên cứu “đề xuất cách phân tích hệ thống nhằm lan toả kiến thức về an ninh mạng, bằng cách xác định những sinh viên có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội từ tương tác trực tuyến của họ trên hệ thống học tập trực tuyến”.

Tiến sĩ Duy sớm nhận ra kỹ năng lập trình vượt trội của Bảo trong dự án năm cuối bạn từng thực hiện và đã giới thiệu Bảo vào nhóm nghiên cứu.

“Tôi ấn tượng với dự án của Bảo, dùng kỹ thuật học máy và phân tích dữ liệu để thiết kế và phát triển hệ thống thông tin trên nền tảng web nhằm quản lý nguồn nhân lực”, Tiến sĩ Duy cho hay. “Tôi khuyến khích Bảo phát triển dự án hơn nữa để phục vụ cho nghiên cứu của nhóm chúng tôi.

Bảo bày tỏ lòng biết ơn với cơ hội được trở thành thành viên của nhóm nghiên cứu gồm các thầy cô và tiền bối của mình.

“Nhiệm vụ của tôi là phát triển ứng dụng web, từ đó vẽ ra biểu đồ hệ thống tương tác qua nút (node) và các đường kết nối giữa chúng”, bạn chia sẻ.

Những khó khăn trong quá trình xây dựng ứng dụng đã cho Bảo cơ hội tuyệt vời vượt khỏi giới hạn an toàn của bản thân mình và dùng kinh nghiệm này như một mốc quan trọng đánh dấu con đường sự nghiệp của bạn.

Bảo nói: “Chọn ra ứng dụng công nghệ thích hợp nhất vào giai đoạn đầu bắt tay vào làm là điều đầy thách thức. Vì chưa hề có kinh nghiệm trong việc này, tôi phải tìm hiểu nhiều công nghệ khác nhau, xem xét những điểm được và chưa được của chúng. Giai đoạn thiết kế và thực hiện là những thách thức khó khăn nhất tôi từng vượt qua”.

Bảo hiện đang làm việc tại NetCompany Vietnam và đang tích luỹ hồ sơ năng lực cũng như trải nghiệm trước khi tìm kiếm cơ hội theo đuổi con đường học thuật.

Ngoài Tiến sĩ Duy và Bảo, những thành viên khác của nhóm nghiên cứu từ Đại học RMIT ở Việt Nam gồm Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Giáo sư Mathews Nkhoma, giảng viên ngành Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị Tiến sĩ Hoàng Ái Phương và nghiên cứu sinh Tiến sĩ Hoàng Thị Bảo Minh. Nghiên cứu được chấp thuận công bố tại Hội thảo quốc tế RIVF về Khoa học máy tính và Công nghệ truyền thông.

Bài: Hoàng Hà

  • Nghiên cứu
  • Phát triển nghề nghiệp
  • Kỹ thuật

Tin tức liên quan