Sinh viên RMIT tạo ứng dụng chẩn đoán bệnh nhãn khoa

Sinh viên RMIT tạo ứng dụng chẩn đoán bệnh nhãn khoa

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhãn khoa trong tương lai có thể dễ dàng hơn nhờ một ứng dụng (app) trên thiết bị thông minh do một nhóm sinh viên tạo nên.

Số liệu mới nhất của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy Việt Nam hiện có khoảng hai triệu người mù và thị lực kém. Tỉ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ ở nông thôn là 15-20% và ở thành thị là 30-40%.

“Giá như có cách chấn đoán bệnh nhãn khoa nhanh và rẻ hơn?! Giá như bệnh nhân tại những vùng sâu, vùng xa nhất ở Việt Nam có thể được chẩn đoán chỉ nhờ một thao tác bấm nút điện thoại?!”.

Những trăn trở này luôn quấn lấy tâm trí Dương Phan Quân Vũ, sinh viên ngành Kỹ sư phần mềm Đại học RMIT, suốt bốn năm trước khi cậu bạn vẫn còn là học sinh lớp 12 ở TP. Huế.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay Vũ và Trần Vũ Hoàng Việt - bạn đồng môn của Vũ ở Đại học RMIT, cùng ba bạn khác đến từ Đại học Công nghệ thông tin, đã phát triển thành công một ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.

Ứng dụng chẩn đoán bệnh nhãn khoa gồm ba chức năng chính giúp chẩn đoán, nghiên cứu và quản lý hồ sơ bệnh nhân có bệnh lý về mắt. Ứng dụng chẩn đoán bệnh nhãn khoa gồm ba chức năng chính giúp chẩn đoán, nghiên cứu và quản lý hồ sơ bệnh nhân có bệnh lý về mắt.

Hoạt động dưới tên gọi “Glixylus”, nhóm các bạn trẻ đam mê công nghệ này đã đem ứng dụng của mình đi thi thố tại nhiều cuộc thi công nghệ thông tin trên toàn quốc. Nhóm cũng đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng tại một số cơ sở y tế ở TP. Huế và gặt hái được nhiều kết quả triển vọng.

Hiện tại, ứng dụng có ba tính năng chính: chẩn đoán - cho phép bác sĩ và sinh viên y khoa nhập các triệu chứng của người bệnh, từ điển nhãn khoa - lưu trữ thông tin của hơn 5.000 bệnh về mắt (bao gồm nguyên nhân, đề xuất phương pháp điều trị và kê đơn thuốc), và lưu trữ hồ sơ bệnh án - giúp bác sĩ quản lý thông tin bệnh nhân.

Sinh viên RMIT Dương Phan Quân Vũ (đứng giữa) cùng hai thành viên khác của nhóm Glixylus đến từ Đại học Công nghệ thông tin - Đinh Hoàng Luôn (bên trái) và Nguyễn Văn Phú Nhàn (bên phải), tại một cuộc thi Công nghệ thông tin năm 2019. Sinh viên RMIT Dương Phan Quân Vũ (đứng giữa) cùng hai thành viên khác của nhóm Glixylus đến từ Đại học Công nghệ thông tin - Đinh Hoàng Luôn (bên trái) và Nguyễn Văn Phú Nhàn (bên phải), tại một cuộc thi Công nghệ thông tin năm 2019.

“Tôi đã nghiên cứu và tham khảo rất nhiều bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo rằng ứng dụng đưa ra những lời khuyên đáng tin cậy, trong khi các bạn khác trong nhóm thì phụ trách mảng kỹ thuật, bao gồm viết code và thiết kế giao diện người dùng”, trưởng nhóm Vũ chia sẻ.

Vũ đã và vẫn đang tiếp tục phụ trách việc tiếp thị và quảng bá cho ứng dụng – điều, mà theo cậu bạn, đã được tôi rèn, chuẩn bị sẵn sàng nhờ khoảng thời gian học tập tại RMIT.

“RMIT cho tôi kiến thức về các ngôn ngữ lập trình đa dạng và điều này giúp ích rất nhiều đối với phương diện kỹ thuật của ứng dụng. Hơn thế nữa, tôi đã trau dồi được kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, qua đó cũng tạo dựng được nhiều mối quan hệ mới”, Vũ chia sẻ.

“Những mối quan hệ như vậy rất hữu ích vì chúng tôi muốn giới thiệu ứng dụng đến với nhiều bác sĩ và trung tâm y tế hơn, đặc biệt đến những cán bộ y tế ở những vùng sâu, vùng xa trên cả nước”, Vũ cho biết thêm.

Trong tương lai, nhóm của Vũ mong muốn đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng để có thể chẩn đoán bệnh qua camera. Nhóm cũng dự định bổ sung thêm các chức năng thiết thực hơn, như hẹn lịch khám, cho ứng dụng.

“Chúng tôi vẫn liên tục cải thiện ứng dụng, đồng thời mở rộng mối quan hệ để tìm kiếm nhà đầu tư và đối tác kinh doanh. Sẽ cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện toàn bộ ứng dụng và đưa vào sử dụng rộng rãi, nhưng chúng tôi rất yêu những gì mình đang làm hiện nay”, Vũ kết lời.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Kỹ thuật
  • Sự kiện

Tin tức liên quan