Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19

Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19

Đại dịch COVID-19 có thể đẩy nhanh việc sử dụng blockchain như một hạ tầng kinh tế mới.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) Đại học RMIT đồng tổ chức gần đây, Giáo sư Jason Potts - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Blockchain RMIT - cho rằng đại dịch COVID-19 đã và đang khiến cấu trúc kinh tế thay đổi một cách sâu sắc.

Director of RMIT’s Blockchain Innovation Hub, Professor Jason Potts believes that COVID-19 is accelerating the case for blockchain as a new economic infrastructure. Giáo sư Jason Potts - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Blockchain RMIT - cho rằng COVID-19 đang đẩy nhanh việc sử dụng blockchain như một hạ tầng kinh tế mới

Theo vị chuyên gia này, thế giới đang ở giữa “quá trình hủy diệt mang tính sáng tạo”, trong đó nhiều việc làm, doanh nghiệp, thị trường và ngành nghề sẽ biến mất một phần hoặc hoàn toàn.

“Cần ba đến sáu tháng nữa chúng ta mới thấy được hết sức mạnh của sự hủy diệt mang tính sáng tạo đó. Chúng ta sẽ biết được doanh nghiệp nào phá sản, hóa đơn nào sẽ không thể thanh toán, hay việc làm nào sẽ không thể quay lại”, Giáo sư Potts nhận định.

Đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm kỹ thuật số mới, mô hình kinh doanh trực tuyến và những bộ kỹ năng giúp cho tương tác trực tuyến trở nên dễ dàng hơn cũng sẽ tăng cao.

Các hoạt động vốn cần tương tác trực tiếp như giáo dục, y tế và tư vấn cũng dần chuyển đổi sang không gian số. Sức lao động trở thành “hàng hóa kỹ thuật số”, và cùng với đó, nhu cầu đối với các giải pháp đáng tin cậy về chứng nhận và cấp phép cũng gia tăng.

“COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên số. Nền kinh tế kỹ thuật số mới có tính chất phi tập trung hơn nên cũng khó quản lý và giám sát hơn. Chúng ta cần hạ tầng kỹ thuật số phù hợp với sự chuyển dịch này và đây chính là lúc những công nghệ nền tảng như blockchain sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn”, chuyên gia RMIT nhận định.

Blockchain: Hạ tầng kinh tế mới 

Blockchain có một số ứng dụng nổi bật trong nền kinh tế mới. Một trong số đó phải kể đến việc tích hợp kiểm tra danh tính với hồ sơ y tế để chứng minh ai đó có đủ sức khỏe đi làm hoặc đi du lịch. Hộ chiếu công nghệ có thể sẽ không chỉ bao gồm tên, quốc tịch, nơi sinh và ngày tháng năm sinh của mỗi người, mà còn ghi rõ cả tình trạng sức khỏe của người đó.

“Blockchain có thể là một phần quan trọng của các hệ thống quản lý danh tính vì công nghệ này đảm bảo tính minh bạch cao và dễ truy vết”, Giáo sư Potts chia sẻ.

Blockchain cũng có thể được dùng để đảm bảo chất lượng và số lượng trong các chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu như thiết bị bảo hộ cá nhân, thuốc hay hàng gia dụng hằng ngày.

Theo Giáo sư Potts, tình trạng người dân “đổ xô” đi mua hàng tích trữ hay thiếu nguồn cung gần đây tại nhiều quốc gia đã có thể giảm bớt nếu sẵn có các chuỗi cung ứng minh bạch hơn.

“Điều còn thiếu trong các hệ thống là khả năng nhìn vào một chuỗi cung ứng, và dễ dàng chỉ ra được hàng hóa đang ở vị trí nào và có số lượng bao nhiêu. Khả năng chứng minh được hàng hóa thực sự tồn tại trong một chuỗi cung ứng là điều vô cùng quan trọng.

“Trong trường hợp này cũng vậy, công nghệ blockchain và các nền tảng kỹ thuật số có thể cung cấp giải pháp phù hợp”, Giáo sư Potts nhận định.

Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành - CBDC là một ứng dụng blockchain mới nổi khác. Lấy cảm hứng từ Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác dựa trên công nghệ blockchain, các chính phủ có thể phát hành CBDC thay vì tiền mặt nhằm gửi tiền có chủ đích một cách nhanh chóng đến người dân và doanh nghiệp cần giúp đỡ trong giai đoạn khủng hoảng.

Trung Quốc và Thụy Điển đang đẩy mạnh ứng dụng này, và Giáo sư Potts kỳ vọng rằng các nền kinh tế khác sẽ quan tâm hơn tới CBDC trong vài năm tới.

“Các chính phủ trên toàn thế giới đang nhận ra rằng họ cần hạ tầng trực tiếp để thực hiện các khoản thanh toán, chứ không chỉ để nhận tiền. Họ đã học được bài học nhanh về tầm quan trọng của hạ tầng tiền kỹ thuật số chất lượng cao. Điều quan trọng là nếu các ngân hàng trung ương và chính phủ bắt đầu sử dụng tiền kỹ thuật số thì tất cả mọi người cũng sẽ làm theo”, Giáo sư Potts cho biết.

Bình luận về tỉ lệ ứng dụng blockchain còn khá thấp ở Việt Nam và trên toàn cầu, chuyên gia RMIT nhấn mạnh rằng, “chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu ứng dụng blockchain và nhận thức rằng mọi thứ có thể đã rất khác nếu như hạ tầng này đã có sẵn”.

“Đây không phải là một cú sốc tạm thời mà chúng ta có thể thoát khỏi để trở lại ‘trạng thái bình thường trước đây’. Đây là thay đổi vĩnh viễn với cách hoạt động của nền kinh tế toàn cầu”, ông khẳng định.

Giáo sư Jason Potts là diễn giả chính tại hội thảo trực tuyến Blockchain trong thời đại COVID-19 do CODE, CPA Australia và AusCham tổ chức vào tháng 7/2020.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

 

Giới thiệu chuyên gia

Là Giám đốc viện nghiên cứu khoa học xã hội đầu tiên về blockchain trên thế giới thuộc Đại học RMIT, Giáo sư Jason Potts là chuyên gia về kinh tế học đổi mới sáng tạo và các công nghệ mới. Giáo sư Potts và cộng sự là những người tiên phong trong lĩnh vực mới mang tên “kinh tế học thể chế mã hóa” (tạm dịch từ “institutional cryptoeconomics”), tập trung vào giải thích tác động kinh tế của công nghệ blockchain. Ông là chuyên gia hàng đầu thế giới và tác giả của nhiều ấn phẩm về lĩnh vực này.

Đọc thêm

Kinh tế không tiếp xúc có phải là giải pháp cho thế giới hậu đại dịch?

Tự động hóa chuỗi cung ứng với blockchain

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Nghiên cứu
  • CODE
  • Kỹ thuật số
  • Blockchain

Tin tức liên quan