Giảng viên thời trang nghiên cứu trang phục của dân tộc thiểu số Việt Nam

Giảng viên thời trang nghiên cứu trang phục của dân tộc thiểu số Việt Nam

Cô Victoria Eskdale, giảng viên Khoa Truyền thông & Thiết kế RMIT Việt Nam, đã chu du đến vùng núi phía Bắc Việt Nam để tìm hiểu về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Nguồn cảm hứng từ di sản văn hóa Việt

Cô Victoria Eskdale luôn say mê nghệ thuật và văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam, đến mức cô quyết định nghiên cứu về thời trang truyền thống của 54 dân tộc thiểu số tại đất nước này.

Cô đã dùng một phần giải thưởng Giảng dạy xuất sắc Đại học RMIT Việt Nam mà cô nhận được trước đó không lâu cho chuyến đi thực tế kéo dài 10 ngày vào cuối tháng 10 đến Hà Giang, tỉnh phía Nam của khu vực Bắc Việt Nam và là nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc thiểu số - chiếm gần 90% dân số tỉnh.

Hà Giang nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của những dãy núi chập chùng, những cánh đồng ruộng bậc thang và nét văn hóa làng bản vẫn còn vẹn nguyên.

Những dãy núi hùng vĩ ở Hà Giang Những dãy núi hùng vĩ ở Hà Giang

“Mục tiêu của tôi trong chuyến đi này là quan sát mọi mặt trong vòng đời vốn có của những chiếc váy truyền thống: quá trình thực hiện, màu sắc, họa tiết, vải vóc, chỉ may, cũng như sự khác biệt trong cách sử dụng hàng ngày giữa các bản làng. Tôi muốn quan sát và tiếp thu tất cả mọi thứ trước khi quyết định chọn chủ đề nghiên cứu”, cô Victoria giải thích.

Chuyến đi đã cho cô nhiều hơn mong đợi. Cô Victoria hết sức thích thú trước cách mỗi dân tộc có tấm váy truyền thống riêng và biến hóa đa dạng cho những dịp khác nhau cũng như tùy vào người mặc.

Phụ nữ H’mông và Dao mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ H’mông và Dao mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày.
Phụ nữ H’mông và Dao mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ H’mông và Dao mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày.

“Một tấm váy truyền tải nhiều thông điệp qua những biểu tượng và màu sắc khác nhau, đồng thời mang trong mình tinh hoa lịch sử và văn hóa của miền Bắc Việt Nam”, cô Victoria cho biết.

“Ngắm những chiếc váy truyền thống trong chính không gian văn hóa của những dân tộc này – với những con dốc ngoằn ngoèo, những thung lũng chênh vênh, những ngọn núi chập chùng và ruộng bậc thang – là điều thật sự rất ngoạn mục. Đó là nguồn cảm hứng và tư liệu dồi dào cho những người làm sáng tạo như tôi”.

Cô Victoria học cách mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao và H’mông trong những ngày ở tại làng của họ. Cô Victoria học cách mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao và H’mông trong những ngày ở tại làng của họ.
Cô Victoria học cách mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao và H’mông trong những ngày ở tại làng của họ. Cô Victoria học cách mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao và H’mông trong những ngày ở tại làng của họ.
Tại một làng dệt ở Quản Bạ, cô Victoria nghiên cứu cách thợ thủ công người dân tộc sản xuất vải lanh, từ trồng cây, tách sợi đến nhuộm, dệt và may. Tại một làng dệt ở Quản Bạ, cô Victoria nghiên cứu cách thợ thủ công người dân tộc sản xuất vải lanh, từ trồng cây, tách sợi đến nhuộm, dệt và may.
Tại một làng dệt ở Quản Bạ, cô Victoria nghiên cứu cách thợ thủ công người dân tộc sản xuất vải lanh, từ trồng cây, tách sợi đến nhuộm, dệt và may. Tại một làng dệt ở Quản Bạ, cô Victoria nghiên cứu cách thợ thủ công người dân tộc sản xuất vải lanh, từ trồng cây, tách sợi đến nhuộm, dệt và may.

Động lực giữ gìn phục trang truyền thống 

Chuyến đi giúp cô Victoria hiểu biết cặn kẽ về chủ đề nghiên cứu của mình, từ đó sẽ thu hẹp và tập trung vào chủ đề đã chọn.

Trải nghiệm này còn là nguồn cảm hứng cho hai môn cô đang giảng dạy tại RMIT Việt Nam là Quản lý ứng dụng và Phát triển sản phẩm thời trang – cả hai đều chú trọng đến tính bền vững. Cô Victoria đã biến những gì học được từ chuyến đi thành những hoạt động tương tác trong lớp học để sinh viên có thể hiểu về quá trình và kỹ thuật thủ công.

Cô Victoria luôn nỗ lực tạo ra những bài giảng giàu hình ảnh và hoạt động. Cô Victoria luôn nỗ lực tạo ra những bài giảng giàu hình ảnh và hoạt động.

Cô cũng cùng Tiến sĩ Marta Gasparin vừa có các buổi giảng, lớp thực hành và các hoạt động khác, trong đó có việc chia sẻ chuyến nghiên cứu tại Hà Giang, cho 20 nhà thiết kế có nghề và “tân binh” trong ngành. Sự kiện do Hội đồng Anh tổ chức là một phần của cuộc thi thiết kế thời trang nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các nhà thiết kế và thợ thủ công.

Cô Victoria trầm ngâm chia sẻ: “Chuyến đi để lại trong tôi nhiều trăn trở về di sản văn hóa và tính bền vững của nó. Làm sao để giúp sản phẩm thủ công truyền thống phát triển bền vững mà không cần sản xuất hàng loạt? Làm sao để giúp thế hệ trẻ trân trọng giá trị của nghệ thuật thủ công mà không cần hiện đại hóa? Mỗi ngày đi làm tôi đều nghĩ về điều này và cố gắng tìm câu trả lời trong những việc mình đang làm, dù là giảng dạy hay nghiên cứu”.

Bài: Thanh Phương

Ảnh: Nhân vật cung cấp

  • Thời trang

Tin tức liên quan