Dự án thực tế ảo của sinh viên RMIT được giới thiệu tại Nhật Bản

Dự án thực tế ảo của sinh viên RMIT được giới thiệu tại Nhật Bản

Nhóm sinh viên ngành Thiết kế (Truyền thông số) vừa đưa ứng dụng thực tế ảo Dyslexic City (tạm dịch Thành phố của người mắc chứng khó đọc) đi tham dự Ngày hội về Chứng khó đọc châu Á Thái Bình Dương 2017 ở Tokyo, Nhật Bản.

Sự kiện diễn ra trong hai ngày do Cộng đồng về Chứng khó đọc Nhật Bản EDGE tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết về chứng khó đọc ở Nhật, đồng thời mở rộng mạng lưới hỗ trợ cho những người mắc chứng này tại các quốc gia châu Á.

Nhóm ba bạn sinh viên được đơn vị tổ chức mời trình bày về Dyslexic City, ứng dụng mô phỏng những khó khăn mà người mắc chứng khó đọc phải đối mặt khi đọc bản chỉ đường và xác định phương hướng.

Trưởng nhóm Phan Hoàng Thái Châu vui với phản hồi từ người tham dự ghi nhận quan điểm mới mẻ của nhóm.

Châu lưu ý: “Khi nghĩ đến hỗ trợ người mắc chứng khó đọc, bạn nên thử đứng trên quan điểm của họ. Dù ứng dụng này không trực tiếp giúp người mắc chứng khó đọc, tôi nghĩ ứng dụng vẫn hỗ trợ bằng cách cho những người không mắc chứng này hiểu và thông cảm với người mắc chứng khó đọc”.

Nhóm ba thành viên (từ trái sang phải) gồm Võ Thị Bích Phương, Mai Thanh Hải và Phan Hoàng Thái Châu được mời trình bày ứng dụng Dyslexic City tại Ngày hội về Chứng khó đọc châu Á Thái Bình Dương 2017 ở Tokyo, Nhật Bản Nhóm ba thành viên (từ trái sang phải) gồm Võ Thị Bích Phương, Mai Thanh Hải và Phan Hoàng Thái Châu được mời trình bày ứng dụng Dyslexic City tại Ngày hội về Chứng khó đọc châu Á Thái Bình Dương 2017 ở Tokyo, Nhật Bản

Các bạn đã dành hơn nửa năm làm việc cùng nhau để lên mục tiêu và phát triển ứng dụng. Cả nhóm đều đồng tình rằng mọi nỗ lực cuối cùng đã được đền đáp.

Võ Thị Bích Phương, chịu trách nhiệm về phần đồ họa, cho biết phần giới thiệu về ứng dụng có ích với bạn: “Đây là trải nghiệm tốt với tôi, đặc biệt khi tôi tốt nghiệp vào năm sau. Công nghệ này còn rất mới [ngay cả đối với người Nhật], nên được góp phần vào phát triển dự án sẽ ‘ghi điểm’ cho hồ sơ năng lực của tôi”.

Mai Thanh Hải, chịu trách nhiệm về phần chơi và tương tác của ứng dụng, cũng đồng ý với Phương.

Hải chia sẻ thêm: “Việc tham gia phát triển Dyslexic City hoàn toàn đáng công sức bỏ ra vì giúp tôi nhận ra khả năng lập trình của mình”.

Những dòng chữ bị mất một nửa trên các bảng hiệu trong Dyslexic City Những dòng chữ bị mất một nửa trên các bảng hiệu trong Dyslexic City

Châu đang chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp vào cuối tháng này tại cơ sở Nam Sài Gòn, RMIT Việt Nam, trong khi Phương và Hải còn vài học kỳ nữa mới hoàn thành chương trình. Tuy nhiên, các bạn đều cảm thấy mình đã trang bị sẵn sàng cho công việc tương lai nhờ kinh nghiệm thực tế có được từ làm việc trên nền tảng công nghệ đang “hot” này.

Bài: Hoàng Hà

  • Thành tích
  • Kỹ thuật số
  • Dự án sinh viên

Tin tức liên quan