Tạo dựng sự nghiệp trong thời của Internet of Things

Tạo dựng sự nghiệp trong thời của Internet of Things

Trong Tuần lễ hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam, Giám đốc Công nghệ thông tin của Intel Việt Nam ông Jojy Ovelil dự đoán Internet of Things (IoT – Internet của vạn vật) sẽ nổi lên trong hai hoặc ba thập niên tới.

“Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, nhiều thứ có thể được tự động hóa, từ xe hơi thông minh đến nhà máy, nhà ở, và thành phố thông minh. Tôi nghĩ, trong tương lai, công nghệ tự động sẽ nắm giữ nhiều giai đoạn sản xuất”.

Phát biểu trên là nhận định của ông Ovelil trong buổi thảo luận nhằm trang bị cho sinh viên RMIT Việt Nam hiểu biết về xu hướng công nghệ cũng như tiêu chí tuyển dụng ở những “ông lớn” trong ngành công nghệ như Schindler, Amaris, Bosch và Intel.

Hình ảnh: Giám đốc Công nghệ thông tin của Intel Việt Nam ông Jojy Ovelil chia sẻ kinh nghiệm về tuyển dụng tại phần thảo luận trong Tuần lễ hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam. Hình ảnh: Giám đốc Công nghệ thông tin của Intel Việt Nam ông Jojy Ovelil chia sẻ kinh nghiệm về tuyển dụng tại phần thảo luận trong Tuần lễ hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam.

Cũng là thành viên trong nhóm thảo luận, bà Nguyễn Lê Nguyệt Thư đến từ Bosch đồng tình với ông Ovelil và đưa ra dữ liệu chứng minh cho dự đoán này.

Bà Thư chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy IoT sẽ ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống: “Vào năm 2020, sẽ có bảy tỉ người dùng thiết bị thông minh và 77 tỉ thiết bị và sản phẩm kết nối với nhau. Trong các ngành, công nghệ tự động sẽ được sử dụng trong sản xuất, logistics và cả dịch vụ. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quản trị vốn con người”.

Quản lý dự án cấp cao của Amaris ông Thomas Le Page đảm bảo với mọi người rằng công nghệ tự động sẽ không hoàn toàn thay thế được con người.

Ông giải thích: “Ví dụ, thay vì phải bỏ ra bốn giờ mỗi ngày vào việc nhập liệu, chúng ta có thể dành thời gian đó để cải thiện quá trình vận hành doanh nghiệp”.

Nói cách khác, nguồn lực con người sẽ tập trung vào tư duy chiến lược, giải quyết vấn đề và năng suất. Và chính việc phát triển những khả năng này sẽ quyết định thành công trong tương lai.

Ngoài ra, các diễn giả đều đồng thuận trong những tiêu chí mà họ tìm kiếm ở ứng viên tiềm năng: đam mê, thái độ đúng đắn, tinh thần làm việc nhóm, tập trung vào công việc, tận tụy, cởi mở, và sáng tạo.

Ông Nguyễn Quang Long, cựu sinh viên RMIT Việt Nam và phụ trách dự án phòng nhân sự của Schindler, cho biết công ty của ông đánh giá cao những nhân viên không ngừng nỗ lực cải thiện bản thân.

Ông nói: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những ứng viên có thể cho chúng tôi thấy rằng họ sẽ phát triển sau một hoặc hai năm làm việc”.

Ông Ovelil nói thêm sinh viên cũng nên tập trung trau dồi tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu: “Giỏi tiếng Anh và có kiến thức văn hóa toàn cầu sẽ giúp các em có cơ hội được nhận vào làm việc trong các tập đoàn quốc tế”.

Trưởng phòng Tư vấn hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam bà Manuela Spiga đồng tình với ý kiến trên.

Bà nói: “Chúng tôi luôn khuyên sinh viên rằng các em đang cạnh tranh với nguồn nhân lực quốc tế đang đổ vào Việt Nam làm việc, nhất là khi nhiều doanh nghiệp quốc tế bắt đầu hoạt động tại Việt Nam”.

Hơn 100 sinh viên đã tham gia buổi thảo luận diễn ra tại cơ sở Nam Sài Gòn.

Nguyễn Hải Yến

  • Phát triển nghề nghiệp
  • Sự kiện

Tin tức liên quan