Pokémon Go – tín hiệu thăng hoa của tương tác thực tế

Pokémon Go – tín hiệu thăng hoa của tương tác thực tế

Giờ Pokémon Go đã thu hút sự chú ý của Việt Nam, cũng như với phần còn lại của thế giới, mọi người mê mải bắt Jigglypuff và Zubat, câu hỏi được đặt ra là Điều gì tiếp theo?

 Sinh viên đang giải thích cho Ông Ondris Pui (phải) cách tiếp thị nước ép trái cây bằng công nghệ tương tác thực tế Sinh viên đang giải thích cho Ông Ondris Pui (phải) cách tiếp thị nước ép trái cây bằng công nghệ tương tác thực tế

Công nghệ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp tại Việt Nam? Và công nghệ này có ở lại nơi đây không?

Ông Ondris Pui, giảng viên dạy môn tương tác thực tế và thực tế ảo Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, tin rằng còn nhiều ứng dụng cho công nghệ này vẫn chưa được khám phá.

Ông Pui cho biết: “Khi tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực tương tác thực tế sáu năm trước tại Nhật Bản, chưa có nhiều thị trường cho công nghệ này. Nhưng hiện nay, đặc biệt với điện thoại thông minh, khả năng ứng dụng công nghệ này cao hơn rất nhiều”.

Ông Pui giải thích rằng tương tác thực tế là công nghệ đưa những lớp thông tin như vật thể 3D, âm thanh, chữ và các thành tố khác vào để hỗ trợ hoặc đẩy mạnh hoạt động trong thế giới thật – chỉ có thế thấy được qua các thiết bị thông minh.

Pokémon Go ứng dụng chính công nghệ này vào trò chơi. Tương tự, tương tác thực tế có thể ứng dụng vào quảng cáo và tiếp thị, những lĩnh vực mà ông Pui tin rằng có nhiều cơ hội nhất.

Ông giải thích: “Ở Nhật, người ta dùng công nghệ này trong những cửa hàng quần áo. Bạn có thể đứng trước màn hình TV, để máy quét mặt và thân hình bạn, và sau đó 'mặc' quần áo cho bạn”.

Ông Pui nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong tạo cảm hứng để sinh viên nghĩ ra những ứng dụng mới và thiết thực vào giải quyết vấn đề hoặc cung cấp dịch vụ.

Sinh viên của ông đã phát triển những ý tưởng mới như dùng tương tác thực tế để giúp học lịch sử Việt Nam và đơn giản hóa những hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

“Nếu sinh viên tham gia vào lực lượng lao động với kỹ năng tương tác thực tế, các em có thể dễ dàng có công việc vì đây là cách giao tiếp mới. Bên cạnh phim, web, in và 3D – giờ chúng ta có kênh mới, và kênh này hấp dẫn mọi người”, ông bổ sung thêm.

Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Giáo sư Rick Bennett cho biết trường tiếp tục nỗ lực bổ sung các môn học và chương trình hiện có bằng những môn học và chương trình đột phá để giúp sinh viên chuẩn bị cho công việc “mới” trong tương lai.

Giáo sư Bennett nói: “Thiết kế, công nghệ và truyền thông đang dần lên ngôi. Chúng tôi sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức lý thuyết và kỹ năng mới nhất để giúp các em đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm. Công việc của chúng tôi là đảm bảo chương trình thiết kế và truyền thông tại RMIT Việt Nam liên tục được cập nhật nhằm theo kịp những thay đổi trong các ngành nghề, giúp sinh viên có thể trở thành những người tiên phong trong các ngành nghề tương lai. Đây là thời gian rất, rất hào hứng cho tương lai sáng tạo tại Việt Nam”.

Ông Pui bổ sung thêm rằng trò Pokémon Go sẽ sớm giảm nhiệt, nhưng công nghệ tương tác thực tế sẽ tiếp tục phát triển.

Ông nói: “Trong tương lai tôi tin rằng sẽ có sự kết hợp giữa tương tác thực tế và thực tế ảo để tạo thành thực tế ảo hỗn hợp. Hiện mọi ông lớn như Google, Facebook, Oculus đang nhảy vào công nghệ này – mỗi doanh nghiệp đang thầm lặng phát triển thiết bị có thể đeo vào người để trải nghiệm thực tế ảo hỗn hợp này trong tương lai”.

Tuy nhiên, cho đến ngày đó, chúng ta sẽ phải hài lòng với việc bắt Pokémon trên điện thoại.

Howie Phung

  • Kỹ thuật số

Tin tức liên quan