Văn hóa khởi nghiệp nở rộ dưới mái trường RMIT

Văn hóa khởi nghiệp nở rộ dưới mái trường RMIT

Đâu là điểm chung giữa ứng dụng bảo dưỡng xe chuyên nghiệp, nền tảng giúp thiết lập quy trình dưỡng da riêng và dịch vụ ăn kiêng cá nhân hóa theo người dùng?

Cả ba đều là những ý tưởng giành chiến thắng tại Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai (Future Founders Competition) năm 2020 của Đại học RMIT - sân chơi quy tụ 25 đội thi sinh viên trình bày những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất của họ.

news-1-startup-culture-flourishing-at-rmit-university Đội Mì Tôm – quán quân Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai 2020 -- cùng ban giảm khảo tại vòng chung kết cuộc thi.

Đại học RMIT từ lâu đã có tiếng kiến tạo nên được cộng đồng nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Cuộc thi khởi nghiệp mới nhất này được khởi xướng từ năm trước và do chương trình ươm tạo RMIT Activator triển khai thực hiện. Đây là chương trình chào đón sinh viên từ mọi ngành học.

Như chính các nhóm sinh viên tham gia cuộc thi, ý tưởng dự thi năm nay hết sức đa dạng - từ chăm sóc sức khỏe và thời trang, cho đến bao bì sản phẩm và trò chơi dạng thẻ bài.

Xuyên suốt năm tuần tranh tài, các đội có cơ hội trau chuốt, mài sáng ý tưởng của mình qua hàng loạt buổi tập huấn nâng cao kỹ năng, các buổi cố vấn từ chuyên gia trong ngành và nhiều công cụ hỗ trợ trực tuyến khác. Mười ba đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết được trực tiếp trình bày ý tưởng của mình trước người dự khán.

Giám đốc chương trình RMIT Activator ông Matt Salier cho biết cuộc thi “là cơ hội tuyệt vời để sinh viên phát triển bản thân và chuyên môn bằng cách rèn luyện các kỹ năng tương lai như giải quyết vấn đề sáng tạo và đưa ra những ý tưởng lấy con người làm trọng tâm”.

“Sinh viên được khuyến khích tạo ra các sản phẩm lấy đam mê và mục đích làm đầu, và đánh dấu cột mốc đáng nhớ trên con đường học vấn của mình”, ông Salier nhận định.

Ông Salier còn cho biết thêm rằng sau cuộc thi, nhiều sinh viên đã tạo dựng được quan hệ với các nhà đầu tư tiềm năng hoặc tiếp tục nâng cao kỹ năng bằng cách tham gia các cuộc thi khác ở cấp quốc gia và quốc tế.

news-2-startup-culture-flourishing-at-rmit-university Các đội thi được chuyên gia kỳ cựu trong ngành cố vấn để phát triển thêm ý tưởng khởi nghiệp của nhóm.

Năm ngoái, sinh viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn Nguyễn Quang Hồng Phúc cùng đồng đội đã giành giải Khán giả bình chọn tại Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai đầu tiên với một ý tưởng về ứng dụng du lịch. Phúc chia sẻ rằng trải nghiệm đó đã thôi thúc cô bạn tham gia thêm ba cuộc thi nữa, với mỗi lần là một ý tưởng kinh doanh khác nhau.

“RMIT Activator thực sự là bước đệm để tôi bước chân vào thế giới khởi nghiệp”, Phúc cho biết. “Điều tôi đánh giá cao nhất là cơ hội kết nối với những doanh nghiệp đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, cũng như học hỏi sự sáng tạo và niềm đam mê từ các bạn sinh viên khác”.

Ông Huỳnh Công Thắng, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của InnoLab Asia và là một chuyên gia cố vấn khởi nghiệp kỳ cựu, đã tham gia vào ban giám khảo chung kết Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai năm nay. Ông rất ấn tượng với trí óc sắc bén và khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên khi đối mặt với các câu hỏi hóc búa từ ban giám khảo.

“Sự tự tin và năng lượng mà các bạn sinh viên mang đến vòng chung kết thật tuyệt vời. Các bạn làm tôi cảm thấy tự hào và tràn đầy hy vọng vào tương lai khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông Thắng chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi sinh viên

Đầu năm nay, RMIT Activator đã triển khai chương trình tăng tốc khởi nghiệp trên nền tảng trực tuyến kéo dài 12 tuần mang tên LaunchHUB, cùng lúc ở cả Úc và Việt Nam.

LaunchHUB hướng tới đối tượng sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ giảng viên Đại học RMIT cùng các nhà đồng sáng lập không xuất thân từ cộng đồng trường. Chương trình hoan nghênh các ý tưởng khởi nghiệp chỉnh chu hơn, đã được thử nghiệm trên thị trường và sẵn sàng chuyển sang triển khai bước tiếp theo.

Chẳng hạn như Ngũ Hành Games - doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực board game (trò chơi cờ bàn) do hai cựu sinh viên RMIT sáng lập. Trò chơi đã gặt hái một số thành công nhất định trên thị trường trước khi đôi bạn quyết định tham gia chương trình LaunchHUB nhằm phát triển ý tưởng kinh doanh hơn nữa.

Refill Đây, một ý tưởng dự thi khác, bắt nguồn từ sáng kiến của một giảng viên RMIT nhằm triển khai các trạm làm đầy di động giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ sản phẩm gia dụng và vệ sinh cá nhân. Dự án vừa thiết lập được quan hệ đối tác với một thương hiệu hàng tiêu dùng quốc tế lớn để phân phối sản phẩm của họ.

Thời gian tới, RMIT Activator sẽ ra mắt một chương trình mới kéo dài sáu tuần mang tên Trường học Nhà sáng lập (Founder School) để sinh viên bước đầu làm quen với việc khởi nghiệp.

news-3-startup-culture-flourishing-at-rmit-university Hai nhà đồng sáng lập Ngũ Hành Games, cựu sinh viên RMIT Nguyễn Thiện Toàn và Trần Ngọc Tuệ Mẫn (thứ hai và ba từ bên trái) cùng các điều phối viên chương trình LaunchHUB đến từ RMIT Activator.

Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị Giáo sư Mathews Nkhoma, người ủng hộ các sáng kiến khởi nghiệp ở RMIT trong suốt thời gian dài, chia sẻ rằng, “Đại học RMIT coi việc kiến tạo văn hóa khởi nghiệp tại trường là trọng tâm chiến lược từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, riêng hai năm qua, hàng loạt ý tưởng tuyệt vời đặc biệt ra đời từ các chương trình như Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai và LaunchHUB”.

“Giúp sinh viên sẵn sàng cho cuộc sống và công việc là một phần sứ mệnh của trường. Đối với nhà trường, thành công còn to lớn hơn nếu sinh viên của chúng tôi có thể tạo ra công ăn việc làm và doanh nghiệp của chính mình”, Giáo sư Nkhoma chia sẻ.

Bài: Hoàng Minh Ngọc

  • Bệ phóng khởi nghiệp
  • Cộng đồng

Tin tức liên quan