Tiến sĩ Tony Nguyễn: Triết lý lãnh đạo mới sau hành trình từ chuyên viên tài chính trở thành giảng viên học thuật

Tiến sĩ Tony Nguyễn: Triết lý lãnh đạo mới sau hành trình từ chuyên viên tài chính trở thành giảng viên học thuật

Rời khỏi JP Morgan tại Mỹ để theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy, Tiến sĩ Tony Nguyễn, giảng viên các chương trình Thạc sĩ kinh doanh tại RMIT, đã tìm thấy cho mình niềm đam mê mới mẻ với lĩnh vực Quản trị và đã mang đến nhiều giờ học thú vị cho học viên của mình.

Trở thành chuyên viên tài chính đã luôn là mục tiêu xuyên suốt của Tony Nguyễn khi thầy hoàn thành chương trình Cử nhân và Thạc sĩ tại University of Houston-Clear Lake. “Sau chương trình MBA, tôi bắt đầu làm việc tại JP Morgan trong vai trò phân tích đầu tư. Tôi đã chờ đợi cơ hội này nhiều năm và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho công việc tại Phố Wall.” Sau đó, cùng lúc với việc theo học PhD tại Texas A&M, thầy có duyên gặp gỡ vợ mình, người đã mang đến nhiều kết nối để thầy lấn sân sang con đường học thuật.  

“Tôi thấy mình phù hợp hơn với hướng đi mới mẻ này bởi quá trình học Tiến sĩ đã khiến tôi bắt đầu yêu thích công việc nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt trong lĩnh vực Quản trị. Tôi thích việc được lên kế hoạch cho giờ học, truyền đạt bài giảng và kể những câu chuyện cho học viên.“

Thầy Tony từng là người đi theo cách giảng dạy truyền thống: giới thiệu kiến thức mới kèm theo những bằng chứng, ví dụ thực tế để làm rõ những ứng dụng của kiến thức này vào cuộc sống. Nói cách khác, bài giảng được thực hiện theo hướng một chiều. Tuy nhiên, từ khi gia nhập giáo ban RMIT, thầy đã dần thay đổi hướng tiếp cận. “Dạy và học nên là một quá trình hai chiều xảy ra cùng lúc. Theo cách đó, tôi có thể học rất nhiều từ các học viên của mình, đặc biệt khi họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.” 

Tiến sĩ Tony Nguyễn,  Giảng viên ở RMIT Việt Nam Tiến sĩ Tony Nguyễn, Giảng viên ở RMIT Việt Nam

Thay đổi tích cực này được khơi gợi từ mẫu hình lãnh đạo lý tưởng của thầy Tony, vốn được lấy cảm hứng từ Peter Northouse trong “Leadership: Theory and Practice”: Lãnh đạo không phải một cá nhân. Lãnh đạo là một quá trình tạo ra ảnh hưởng để tập hợp nhiều cá nhân cùng theo đuổi một mục tiêu nhất định. Lãnh đạo và những người đi theo cùng chia sẻ trách nhiệm dẫn dắt hiệu quả và hoàn thành mục tiêu. Trong một tập thể, mỗi người có thế mạnh về kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau, do đó, thầy Tony tin rằng mỗi người, dù họ có vai trò lãnh đạo hay không, đều có thể có những đóng góp nhất định cho mục đích chung của tổ chức.  

“Tôi không cố gắng dạy một “sự thật duy nhất”. Thay vào đó, tôi giúp các bạn hiểu rõ những ý tưởng nền tảng bằng cách liên đới đến trải nghiệm cá nhân của mình. Nhờ đó, học viên có thể dễ dàng hiểu được vấn đề và tích cực tham gia vào hoạt động thảo luận.”

Bằng cách đặt ra câu hỏi: liệu các bạn đã từng tự mình chứng kiến những tình huống tương tự trong cuộc sống?, thầy giúp học viên kết nối những hiểu biết cá nhân hoặc ví dụ thực tiễn với những điểm lý thuyết trong bài học. Phương pháp này giúp bài học trở nên dễ hiểu và học viên có thể soi chiếu vấn đề dưới góc nhìn thực tế. Nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực tiễn, các bạn sẽ dễ dàng ứng dụng kiến thức học được để giải quyết các vấn đề sau này.

Thầy Tony luôn nỗ lực để duy trì khả năng thích ứng, tư duy linh hoạt và thầy luôn cố gắng hướng học viên trau dồi những năng lực này, vốn rất cần thiết cho các nhà quản lý tương lai. Thông thường, doanh nghiệp rất dễ bị tụt hậu so với sự phát triển của công nghệ. “Làm thế nào để tổ chức của chúng ta luôn nhanh nhạy để dễ dàng xoay chuyển theo sự phát triển của thời cuộc? Phần lớn phụ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo và tôi luôn thúc đẩy học viên phải sẵn sàng cho sự thay đổi không ngừng.”  

Bạn muốn trau dồi kỹ năng để trở thành lãnh đạo của thời đại mới: nhanh nhạy và giỏi thích nghi? Cùng tìm hiểu những chương trình Thạc sĩ kinh doanh tại RMIT, nơi bạn học được những kỹ năng cần thiết với môi trường học tập thực tiễn. 

Chia sẻ

Tin tức liên quan