Khi bạn cùng lớp MBA trở thành đối tác chiến lược

Khi bạn cùng lớp MBA trở thành đối tác chiến lược

Dù phải học toàn bộ chương trình MBA trực tuyến trong thời gian giãn cách, Nguyễn Thùy Dương vẫn xây dựng được những kết nối đầy giá trị với bạn cùng lớp, một trong số đó mở ra cơ hội giúp Dương dẫn dắt doanh nghiệp gia đình xoay chuyển cục diện khó khăn trong đại dịch.

Con đường phát triển sự nghiệp sau Đại học dường như đã rất rõ ràng với Nguyễn Thùy Dương: Tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh, học tập trao đổi tại RMIT Melbourne năm 2017 và tìm một vị trí Marketing tại công ty đa quốc gia. Thậm chí, Dương đã lên kế hoạch quay trở lại Úc để học lên cao hơn và phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.

Dù được ba khuyến khích về làm việc cho công ty gia đình, Dương vẫn quyết tâm tìm kiếm cơ hội bên ngoài, với công việc đầu tiên tại bộ phận Marketing ngân hàng Shinhan. “Đó là một vị trí tốt và tôi làm ở đó trong 1 năm. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy muốn khám phá những tiềm năng khác của bản thân. Ba thì vẫn muốn tôi về làm cho Trường Dương, nhưng lúc ấy tôi muốn học tiếp MBA tại RMIT và quay trở lại Melbourne.”

Thế nhưng, năm 2019 bàng hoàng chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid với những đợt giãn cách nối nhau kéo dài. Dương phải học trực tuyến toàn bộ chương trình MBA.

Trong tình thế nhiều biến động, Dương thấy mình vẫn thích ứng tốt. “Cả lớp chúng tôi phải đối mặt với những vấn đề tương tự nhau. Tuy nhiên, dù chỉ tiếp xúc trực tuyến, chúng tôi vẫn có được những gắn kết sâu sắc với nhau. Các bạn đã giúp tôi thay đổi tư duy bằng cách cho tôi thấy những góc nhìn khác nhau của cùng một sự việc. Một vài bạn cùng lớp là doanh nhân khởi nghiệp, một vài làm việc trong doanh nghiệp, một vài bạn vừa tốt nghiệp và một số khác làm cho công ty gia đình.”

Và thật khó có thể ngờ rằng chính các kết nối tại lớp học ngay từ những học kỳ đầu tiên đã giúp Dương nắm bắt cơ hội để tạo một cú đổi chiều ngoạn mục cho công ty gia đình mình. Đại dịch vốn dĩ gây ra khó khăn vô cùng to lớn cho Trường Dương bởi toàn bộ hệ thống sản xuất phụ thuộc vào các đơn hàng xuất khẩu.

Trước khó khăn đó, Dương có ý tưởng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế thay cho hàng may mặc như trước. Ban đầu, gia đình khá ngần ngại trước kế hoạch này. Bởi lẽ, những sản phẩm thế này cần sự đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng và hơn nữa Trường Dương vốn chưa bao giờ sản xuất cho thị trường nội địa.

Với sự quyết tâm, Dương nhận trách nhiệm giải quyết hai vấn đề này để có thể thực hiện ý tưởng của mình.

“Một bạn cùng nhóm của tôi là nhà cung cấp vật liệu sản xuất khẩu trang, thế là chúng tôi hợp tác với nhau. Bạn ấy còn hướng dẫn tôi về cách vận hành trong thị trường nội địa, về quy trình pháp lý cần tuân theo. Tôi thấy quy trình sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế ít nhiều cũng giống với sản xuất hàng may mặc mà chúng tôi vẫn làm, chỉ có điều cần phải đầu tư thay đổi một vài loại máy móc.”

Kế hoạch là thế, nhưng để thực hiện cũng đòi hỏi không ít nỗ lực. Trong thời gian TP.HCM giãn cách, Dương phải ở xưởng trong 3 tháng, cùng với ba và các công nhân thực hiên “3 tại chỗ”. Giai đoạn đó bạn thậm chí phải làm việc 14-16h một ngày. “Tôi thức dậy lúc 6h sáng để dán nhãn, đóng gói, kiểm đếm sản phẩm. Khoảng 8 giờ tối thì ngồi vào bàn học và ngoài ra tôi dành hẳn 2 ngày trong tuần để tập trung vào bài tập trên lớp.”

Cuối cùng, ý tưởng của Dương đã mang đến những ảnh hưởng lớn lao. Trường Dương đã sản xuất và phân phối thành công sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cho hầu hết các bệnh viện tại TP.HCM. “Chúng tôi đã làm ra những sản phẩm chất lượng cao được tin tưởng, và mỗi ngày xuất xưởng 2-3,000 bộ đồ bảo hộ.”

Hiện Dương là COO tại Trường Dương, tự hào hồi tưởng lại toàn bộ hành trình đã qua với những khủng hoảng đã ập tới và nỗ lực để vượt qua. “Ba là động lực và cảm hứng lớn nhất của tôi, nhất là trong giai đoạn khó khăn. Tôi học được rất nhiều từ ba, nhất là ở tinh thần làm việc. Miễn là bạn làm thứ mình thấy cần thiết và quan trọng, bạn sẽ có thể vì nó mà nỗ lực không ngừng.”

Chia sẻ

Tin tức liên quan