Việc hội nhập kinh tế của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có việc làm. Ngành Tài chính Ngân hàng được ví như lĩnh vực “xương sống” của mọi doanh nghiệp và tổ chức.
Vậy nhu cầu hiện tại cũng như triển vọng tương lai với nguồn nhân lực đối với ngành Tài chính Ngân hàng ra sao? Mời bạn tìm hiểu trong bài viết này về khái niệm ngành Tài chính Ngân hàng là gì? Sinh viên học Tài chính Ngân hàng là học gì và cơ hội nghề nghiệp như thế nào?
Ngành Tài chính Ngân hàng gồm một tập hợp nhiều ngành khác nhau liên quan đến những hoạt động tài chính, tiền tệ thông qua ngân hàng. Đây là ngành học được đánh giá cao, là xuất phát điểm của những nhà quản lý tài chính tiền tệ, quản lý rủi ro và những nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các ngành Tài chính Ngân hàng hiện đang rất đa dạng, tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, ngành học Tài chính Ngân hàng là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm nhiều phân ngành chuyên biệt hơn như Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính thuế, Tài chính bảo hiểm, Phân tích tài chính, Tài chính quốc tế, Đầu tư tài chính và Kinh tế học tài chính.
Khi tìm hiểu về ngành Ngân hàng, câu hỏi quen thuộc thường bắt gặp hẳn là những môn học của ngành tài chính ngân hàng là gì? Tại đa số trường đại học ở Việt Nam, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng đều được đào tạo các môn học cơ bản, mang tính nền tảng của khối ngành kinh tế và các môn chuyên sâu liên quan đến tài chính – ngân hàng. Cụ thể, ngành Tài chính Ngân hàng học những môn là:
Nhìn chung, để trả lời cho câu hỏi theo học Tài chính Ngân hàng là học gì thì ngành Tài chính Ngân hàng trang bị cho sinh viên kiến thức về thị trường tiền tệ trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời đào tạo kỹ năng phân tích tài chính và đầu tư vốn cùng với một số môn học liên quan đến công nghệ tài chính (fintech). Sinh viên sẽ có chuyên môn sâu về phân tích, nắm vững kiến thức thực hành các nghiệp vụ tài chính ngân hàng. Phân tích và dự báo là những kỹ năng chuyên môn quan trọng trong ngành Ngân hàng học này. Các chương trình đào tạo tài chính ngân hàng cũng trang bị kiến thức, kỹ năng để phân tích, dự báo dựa trên dữ liệu lẫn bối cảnh kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, giúp doanh nghiệp, tổ chức có thể đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả trong quản trị tài chính. Để hoàn thành chương trình học, sinh viên phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện kiến thức lẫn khả năng tự nghiên cứu, phân tích, đánh giá những vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ.
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm cũng vô cùng quan trọng để giúp sinh viên có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng. Với môi trường học thuật quốc tế tại Đại học RMIT, sinh viên sẽ được hoàn thiện yếu tố này. Các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, bán hàng, quản lý thời gian, tư duy phản biện, khả năng phân tích và ra quyết định được chú trọng đặc biệt và sẽ sinh viên có cơ hội trau dồi thông qua phương pháp đào tạo Học tập kết hợp thực tiễn tại RMIT (Work Integrated Learning – WIL).
Sau khi đã có cái nhìn tổng quan về một sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng học những môn gì thì tiếp theo bài viết sẽ cũng cấp một số thông tin: Tài chính Ngân hàng có các chuyên ngành gì? Học Tài chính Ngân hàng là học gì? Trong hệ thống giáo dục đại học thông thường tại Việt Nam, ngành Tài chính Ngân hàng có các chuyên ngành:
Chuyên ngành Ngân hàng sẽ đào tạo cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về tài chính và tiền tệ, quản trị vốn cũng như tài sản của Ngân hàng và quản trị tín dụng. Ngoài ra, sinh viên được trang bị thêm các kiến thức bổ trợ cho chuyên môn như: các quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Ngân hàng, quy trình phát hành tiền, điều hành chính sách tiền tệ, và hạch toán kế toán.
Không chỉ dừng lại ở kiến thức về Ngân hàng, nhằm giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong tương lai, chuyên ngành Ngân hàng còn cung cấp kiến thức về thẩm định hạn mức tín dụng và hiểu rõ thị trường tài chính, tiền tệ, cũng như thị trường chứng khoán.
Trong chuyên ngành Quản lý Tài chính công, sinh viên sẽ được đào tạo để xây dựng nền tảng tư duy, kiến thức và kỹ năng cần thiết. Các kiến thức quan trọng mà sinh viên được đào tạo gồm Quản lý Tài chính công của Việt Nam, các thông lệ quốc tế. Nhờ đó, bạn sẽ có khả năng tham gia vào quá trình quản lý Tài chính tại các tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này trong khối ngành Tài chính Ngân hàng, sinh viên sẽ có khả năng phân tích, đánh giá và thực hành các nghiệp vụ như lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách, cũng như quản lý tiền thuế mà người dân đóng góp một cách hiệu quả và công bằng.
Đúng như tên chuyên ngành, sinh viên sẽ được học về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, bao gồm quản lý, sử dụng vốn, nghiệp vụ huy động và cách tổ chức hệ thống kiểm soát tài chính trong doanh nghiệp.
Với khía cạnh đầu tư trong tài chính doanh nghiệp, sinh viên được học tập kỹ năng thẩm định tài chính cho các dự án đầu tư và phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cuối cùng là hạng mục kế toán-thuế, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp sẽ đào tạo sinh viên về quy trình hạch toán kế toán, nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng, chứng khoán và định giá. Tuy nhiên, để sinh viên có thể làm được việc, các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của Luật Thuế cũng được giới thiệu cho sinh viên.
Khác với kiến thức Thuế trong Tài chính Doanh nghiệp, chuyên ngành Tài chính thuế sẽ cung cấp các kiến thức về lý thuyết thuế, pháp luật về thuế, chính sách thuế, quy trình quản lý thuế của cơ quan thuế, quy trình hạch toán kế toán thuế, quy định về lập hồ sơ kê khai thuế. Sinh viên chuyên ngành Tài chính thuế thuộc khối ngành Ngân hàng sẽ được bổ trợ thêm kiến thức về Pháp luật và các cam kết quốc tế liên quan tới thuế.
Sinh viên sẽ được học về các nghiệp vụ, kiến thức liên quan đến lĩnh vực Tài chính Quốc tế trong chuyên ngành này. Các chủ đề bao gồm kinh doanh quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, thương mại quốc tế, tín dụng quốc tế và tỷ giá hối đoái.
Cụ thể sinh viên học sâu về chuyên ngành Tài chính Quốc tế của ngành Tài chính – Ngân hàng là học gì?:
Về nghiệp vụ, sinh viên được đào tạo về quy trình quản lý dự án ODA, quản trị dự án đầu tư quốc tế và quản lý nợ.
Chuyên ngành Tài chính Quốc tế sẽ trang bị kiến thức về pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế và các cam kết quốc tế về kinh tế.
Chuyên ngành Tài chính Bảo hiểm sẽ cung cấp những kiến thức gần gũi với đời sống hơn các chuyên ngành khác trong khối ngành Ngân hàng. Chẳng hạn như: kiến thức tài chính xã hội, kinh tế, ngân hàng và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ phát triển các kỹ năng như đàm phán, định phí bảo hiểm, thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm… với khách hàng.
Chuyên ngành Công nghệ Tài chính đang được nhiều phụ huynh và học sinh nhận thức nhiều hơn. Khi học Fintech, bạn sẽ được đào tạo về việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, bao gồm thanh toán điện tử, blockchain, và nhiều lĩnh vực liên quan khác.
Nếu bạn quan tâm đến ngành tài chính ngân hàng nhưng chưa biết liệu mình có phù hợp để theo đuổi ngành này hay không thì dưới đây là một số tố chất thường thấy ở những người làm trong lĩnh vực này:
Khi làm việc trong ngành Tài chính Ngân hàng, sinh viên sẽ thường xuyên tiếp xúc với nhiều con số và các phép tính phức tạp. Vì vậy, việc học tốt môn Toán là yêu cầu bắt buộc.
Ngoài khả năng tính toán nhạy bén, trí nhớ tốt cùng khả năng phân tích và ra quyết định hiệu quả cũng vô cùng quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý và đầu tư vốn.
Các công việc liên quan trong ngành Ngân hàng đều thường xuyên tiếp xúc với số liệu và tiền bạc. Chỉ cần có một sai lầm nhỏ cũng đã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó khi làm ở vị trí này đòi hỏi bạn cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác.
Một lầm tưởng mà phần lớn phụ huynh hay nghĩ tới là làm tài chính sẽ khiến tính cách trở nên thụ động. Nhưng sự thật khi làm việc trong ngành Tài chính Ngân hàng là gì? Như phần trên đã giới thiệu, các công việc trong lĩnh vực này đều yêu cầu nhân sự là một người năng động, nhạy bén. Khi đi làm, sinh viên sẽ phải làm việc với khách hàng, đối tác và các doanh nghiệp. Vậy nên, năng động và sáng tạo sẽ giúp sinh viên dễ hòa nhập, làm chủ được các tình huống và đưa ra được giải pháp thuyết phục cho khách hàng.
Đặc thù công việc ngành Ngân hàng là thường xuyên trao đổi với khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp, sinh viên cần có khả năng giao tiếp tốt, nắm bắt tâm lý khách hàng. Do đó, khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp thuyết phục đối tác và là yếu tố quan trọng để thành công trong lĩnh vực Tài chính.
Nếu thành thạo kỹ năng máy tính, việc xử lý, phân tích các số liệu để định giá, đưa ra quyết định sẽ trở nên dễ dàng và có tỉ lệ chính xác cao hơn. Việc biết sử dụng các phần mềm liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng là một ưu thế. Do đó, sinh viên cần chú ý học hỏi những kỹ năng này ngay trong quá trình học đại học. Một số trường đại học như RMIT Việt Nam còn trang bị máy tính hiện đại lẫn phần mềm chuyên dụng dành cho sinh viên thực hành phân tích tài chính khi theo học ngành ngân hàng.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, khả năng về ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng. Khách hàng cũng có thể là người nước ngoài đến và đầu tư tại Việt Nam, vì vậy, sinh viên cần có khả năng ngoại ngữ thật tốt. Nhiều tổ chức doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng song ngữ Anh – Việt trong các tài liệu, văn bản lẫn báo cáo. Nếu không thể sử dụng tốt ngoại ngữ, sinh viên rất dễ trở thành người ngoại cuộc trong thời đại toàn cầu hóa.
Tân cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng ra làm gì sau khi tốt nghiệp hẳn là băn khoăn của khá nhiều sinh viên. Các bạn có thể tham khảo làm việc ở các vị trí như:
Ngoài ra, trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, bạn còn có thể ứng tuyển vào các vị trí tại các cơ quan như:
Khác với hầu hết các trường đại học tại Việt Nam, Tài chính tại RMIT chỉ là một chuyên ngành trong nhiều chuyên ngành cần được hoàn thành khác khi theo học chương trình Cử nhân Kinh doanh. Nguyên nhân là vì với khối ngành Kinh tế, hầu như chuyên ngành nào cũng quan trọng và luôn có nhu cầu đối với nhân lực chất lượng cao. Do đó, Đại học RMIT mong muốn trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng chuyên môn trong chương trình Cử nhân Kinh doanh. Để khi ra trường, sinh viên RMIT có khả năng cạnh tranh vào những vị trí tốt với nhiều ứng viên tiềm năng khác.
Chuyên ngành Tài chính tại RMIT Việt Nam mang đến cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc cùng với cơ hội tiếp cận thực tiễn qua các môn học quan trọng như Thị trường và các định chế tài chính, Tài chính doanh nghiệp, và Đầu tư chứng khoán. Sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng phân tích tài chính, quản lý rủi ro, quản lý dòng tiền hiệu quả cùng những kỹ năng liên quan khác nhằm tránh để bản thân rơi vào mơ hồ khi xác định sau khi tốt nghiệp tài chính ngân hàng ra làm gì.
Đặc biệt, sinh viên RMIT có cơ hội học tập trong Phòng Thực hành Giao dịch Tài chính (Financial Trading Lab), sử dụng phần mềm giao dịch và phân tích tài chính của Thomson Reuters Eikon & Stocktrack, những phần mềm chuyên biệt & chuyên nghiệp của người làm tài chính toàn cầu, cập nhật một cách trực quan như thực tế diễn biến của thị trường. Nhờ đó mà sinh viên không còn bỡ ngỡ trong thực tiễn khi đã biết cách áp dụng lý thuyết trong phân tích tài chính.
Ngoài ra, chương trình còn cung cấp các môn học chuyên sâu như Phái sinh và quản trị rủi ro, Tài chính quốc tế, giúp sinh viên phát triển năng lực toàn diện. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể theo đuổi các nghề như chuyên gia phân tích tài chính, cố vấn tài chính hoặc quản lý quỹ.
Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho quý phụ huynh và các bạn sinh viên thông tin toàn diện về ngành Tài chính Ngân hàng là gì, học Tài chính Ngân hàng là học gì, có các chuyên ngành nào, các tố chất cần có và cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Rất mong các bạn sinh viên có thể rõ ràng hơn về định hướng nghề nghiệp trong tương lai và chọn được một ngành nghề phù hợp để gắn bó lâu dài.